Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên: Phát triển kinh tế tư nhân phải bám sát thực tế
Thực hiện tốt 3 đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Cán bộ, nhân viên Nhà máy Nhiệt điện An Khánh theo dõi các thông số kỹ thuật, đảm bảo hệ thống máy móc vận hành an toàn. Ảnh: T.L
Trong văn bản kiến nghị gửi Hiệp hội Năng lượng Việt Nam mới đây, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh nêu rõ một số khó khăn trong quá trình thực hiện các nội dung của Quy hoạch điện quốc gia năm 2025. Đáng chú ý là sản lượng hợp đồng mua bán điện (PPA) được phân bổ cho Nhà máy ở mức rất thấp, không tương xứng với công suất đầu tư và phương án tài chính ban đầu. Thực tế này làm suy giảm đáng kể hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Khác với các trung tâm phát điện thuộc EVN, PVN hay TKV – vốn được Nhà nước bảo đảm và tham gia sâu vào hệ thống điện quốc gia – các nhà máy tư nhân như An Khánh không có lợi thế đó. Họ chỉ có nguồn thu duy nhất từ việc bán điện.
Khi sản lượng bị cắt giảm và giá điện thị trường thấp hơn đáng kể so với dự kiến trong báo cáo khả thi (FS), các nhà máy phải đối mặt với nguy cơ mất cân đối tài chính, thiếu hụt dòng tiền để chi trả chi phí vận hành, gốc và lãi vay. Đây là rào cản lớn làm chùn bước nhà đầu tư tư nhân, những người không được “ưu tiên huy động”, nhưng lại chịu đầy đủ trách nhiệm vay vốn, đầu tư và bảo đảm hoạt động.
Cùng với đó là tình trạng chậm thanh toán chênh lệch tỷ giá. Theo phản ánh, từ năm 2019 đến 2024, Nhà máy Nhiệt điện An Khánh vẫn chưa được thanh toán số tiền chênh lệch tỷ giá lên tới hơn 210,8 tỷ đồng. Điều này không chỉ gây áp lực tài chính lớn mà còn phá vỡ các nguyên tắc về bảo đảm hợp đồng trong PPA.
Doanh nghiệp vẫn phải vay vốn để mua nhiên liệu sản xuất điện, đáp ứng yêu cầu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, trong khi quyền lợi chính đáng lại không được đảm bảo.
Nếu những bất cập trên không sớm được tháo gỡ, môi trường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sẽ thêm khó khăn. Các nhà đầu tư hiện hữu có nguy cơ rút lui, trong khi các dự án mới, đặc biệt là dự án có suất đầu tư lớn như điện khí LNG, sẽ khó có thể huy động vốn.
Nhà máy Nhiệt điện An Khánh, tại xã An Khánh (Thái Nguyên). Ảnh: T.L
Từ thực tế đó, Công ty CP Nhiệt điện An Khánh có một số kiến nghị quan trọng: Rà soát lại cơ chế phân bổ sản lượng hợp đồng mua bán điện, bảo đảm sự minh bạch và công bằng giữa các nhà máy; Chính phủ và Bộ Công Thương sớm chỉ đạo và quyết định về việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng đã ký, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các dự án có suất đầu tư cao như nhiệt điện, LNG; tăng cường đối thoại giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến từ thực tiễn, từ đó cập nhật chính sách phù hợp với tình hình và định hướng phát triển bền vững.
Những bất cập nêu trên không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của một doanh nghiệp cụ thể, mà còn phản ánh những rào cản mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt trong lĩnh vực năng lượng.
Việc tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu như trường hợp của Công ty CP Nhiệt điện An Khánh không chỉ là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà còn là bước đi cụ thể để hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tư nhân.
Trong Nghị quyết này, kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, cần được khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Trong khi đó, công nghiệp năng lượng là lĩnh vực đòi hỏi suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro chính sách.
Do vậy rất cần khẩn trương xây dựng một cơ chế minh bạch, công bằng và ổn định, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế tư nhân trong lĩnh vực này, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới.
HT