Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cú hích cho phát triển kinh tế

Đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cú hích cho phát triển kinh tế
3 giờ trướcBài gốc
Bắt kịp xu hướng thế giới
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), phương án được tư vấn nghiên cứu đề xuất thì tuyến đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam có tốc độ thiết kế 350km/h, chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa.
Tuyến sẽ bắt đầu từ Ga Ngọc Hồi, Hà Nội, qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn tuyến được bố trí 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 - 70km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa, phục vụ tốt hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Phối cảnh minh họa Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD. Quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.
Đáng chú ý, theo lộ trình dự kiến, dự án sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024, khởi công cuối năm 2027, phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Phương án tổ chức khai thác sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu vận tải từng thời điểm, đối tượng phục vụ, bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong Dự án, đề xuất tổ chức khai thác chủ yếu với 2 loại tàu: tàu dừng ở một số ga chính (dự kiến 5 ga: Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Thiêm) và tàu dừng đan xen ở tất cả các ga. Khi có nhu cầu sẽ điều chỉnh biểu đồ chạy tàu để vận tải hàng hóa, phục vụ quốc phòng an ninh.
Theo tìm hiểu, việc phát triển ĐSTĐC thời điểm này là hết sức cấp thiết và phù hợp. Nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức đầu tư ĐSTĐC và thu được những kết quả tích cực. Chẳng hạn, Nhật Bản đã quyết định đầu tư tuyến đường sắt đầu tiên năm 1950 khi GDP tính theo đầu người mới đạt khoảng 250 USD. Trung Quốc đầu tư năm 2005 khi GDP đầu người đạt 1.753 USD; Uzbekistan đầu tư năm 2011, khi GDP đầu người đạt 1.926 USD. Indonesia đầu tư năm 2015 khi GDP đầu người khoảng 3.322 USD.
Để phục vụ cho việc phát triển ĐSTĐC, Bộ GTVT đã tổ chức các đoàn khảo sát liên ngành tại 6 quốc gia có hệ thống ĐSTĐC phát triển, gồm: Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp.
Thúc đẩy kinh tế đất nước
Thực tế, với tốc độ thiết kế của tuyến tàu là 350km/h khi hoàn thành toàn tuyến năm 2035 thì viễn cảnh "ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn" hoàn toàn có thể nghĩ tới. Bởi theo lộ trình được vạch ra, từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh hành khách chỉ mất vỏn vẹn 5h20 phút. Trong khi đó, để di chuyển giữa 2 đầu Tổ quốc, xe khách giường nằm sẽ mất trung bình 40 giờ di chuyển, tàu Bắc - Nam cũng mất tới 33 giờ di chuyển. Máy bay đang là phương tiện đi lại nhanh nhất thì mất hơn 2 giờ di chuyển. Việc “chênh” thời gian không đáng kể giữa ĐSTĐC và máy bay sẽ giúp ngành đường sắt lấy lại vị thế ảnh hưởng của mình trong ngành vận tải.
Ngày 18/9/2024, Bộ Chính trị ban hành kết luận về chủ trương đầu tư dự án, trong đó xác định: (1) ĐSTĐC là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; (2) thống nhất chủ trương đầu tư ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam với phương án đầu tư toàn tuyến theo hình thức đầu tư công, tốc độ thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận chuyển hàng hóa khi cần thiết; (3) đồng ý có cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt để huy động nguồn lực hợp pháp triển khai, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 20/9/2024, trong đó đã xác định: Thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam.
Nói cách khác, nhiều năm qua, đường sắt Bắc - Nam đã mất đi vai trò chủ đạo trong vận tải ở cự ly trung bình và dài. Thị phần vận tải đường sắt bị giảm sút nghiêm trọng, chất lượng dịch vụ tuy có sự chuyển biến nhưng không đủ sức hấp dẫn để thu hút khách hàng quay trở lại. Việc tăng thời gian di chuyển cùng giá thành rẻ sẽ giúp ĐSTĐC thu hút mạnh mẽ hành khách, nâng cao thị phần đường sắt.
Theo Bộ GTVT, Việt Nam có hành lang kinh tế Bắc - Nam kết nối 3/6 vùng kinh tế của cả nước, khoảng 54% dân số đô thị, và 67% khu kinh tế biển, đóng góp 51% GDP của quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng ĐSTĐC sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh, phân bổ lại đô thị dân cư và mở ra không gian phát triển cho các tỉnh.
Hơn hết, tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Việc đầu tư ĐSTĐC sẽ là “cú hích” cho phát triển kinh tế thể hiện trên các khía cạnh như: đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức; mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất; phát triển công nghiệp xây dựng; phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông; tạo ra hàng triệu việc làm...
Điểm nhấn đáng chú ý, theo Bộ GTVT, với ĐSTĐC chúng ta xác định hoàn toàn làm chủ công nghiệp xây dựng (cầu, đường, hầm); phải tự chủ hoàn toàn trong vận hành, bảo trì, sửa chữa. Quá trình triển khai, các đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khác để phát huy tính tự lực, tự cường để tự tin bước vào kỷ nguyên mới.
Đinh Luyện
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-cu-hich-cho-phat-trien-kinh-te-178477.html