Đầu tư phát triển hợp lý chợ truyền thống góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn

Đầu tư phát triển hợp lý chợ truyền thống góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn
3 giờ trướcBài gốc
Chợ truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa với người Việt; vừa là nơi lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân và lưu giữ văn hóa truyền thống bản địa. Do xu hướng phát triển thương mại hiện đại nên những năm gần đây tốc độ phát triển của chợ truyền thống có chững lại. Mặc dù vậy, Nhà nước vẫn đánh giá sự cần thiết của duy trì và tiếp tục phát triển mô hình chợ truyền thống đối với đời sống kinh tế của các địa phương, nhất là các vùng nông thôn. Để thúc đẩy chợ truyền thống phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu là kênh lưu thông hàng hóa quan trọng, ngày 5/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ với nhiều điểm mới như: cho phép các địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn; bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư để triển khai Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Trong đó khuyến khích xã hội hóa nhằm huy động và đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ; bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ, đặc biệt liên quan đến việc: bảo trì trong chu kỳ dự án đầu tư xây dựng chợ; việc quản lý chợ sẽ do các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do Nhà nước đầu tư… thay vì ban quản lý như trước đây. Đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư phát triển chợ. Nghị định ban hành đã giúp tháo gỡ khó khăn trong quản lý và phát triển chợ truyền thống ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc.
Chợ Dần, xã Trung Thành (Vụ Bản) được đầu tư sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh và phòng, chống cháy nổ.
Nam Định có hệ thống chợ truyền thống phát triển mạnh với 192 chợ các loại ở hầu hết các xã, thị trấn; trong đó có 2 chợ hạng I (chợ Rồng, chợ Mỹ Tho); 16 chợ hạng II; 174 chợ hạng III. Thời gian qua, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đảm bảo quy mô, tính chất đầu tư và hỗ trợ vốn cho đầu tư, xây mới nâng cấp, cải tạo các chợ. Đến nay, hầu hết các chợ đã có đình kiên cố hoặc bán kiên cố, các ki-ốt trong chợ đã từng bước được đầu tư khang trang, sạch sẽ; nền chợ, lối đi được cải tạo nâng cấp đổ bê tông, lát nền “cứng hóa”, hệ thống thoát nước, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn phòng, chống cháy nổ, từng bước tiệm cận với thương mại văn minh, đáp ứng tốt nhu cầu mua bán và tiêu dùng của nhân dân. Các chợ cũng đã phát huy được vai trò kênh phân phối bán buôn, bán lẻ chủ yếu của địa phương để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng; giữ vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh, chợ truyền thống đang có xu hướng thu hẹp, một số huyện có mật độ chợ tương đối thưa thớt, chủ yếu là các chợ hạng III, quy mô nhỏ. Số chợ hạng I, II ít, tập trung chủ yếu ở thành phố Nam Định và các thị trấn lớn, chậm được nâng cấp để lên hạng. Mặt khác, theo đánh giá của ngành chức năng, sức mua bình quân đầu người của tỉnh tương đối thấp so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, cùng với xu hướng thay đổi về hành vi tiêu dùng sang các loại hình thương mại hiện đại, thương mại điện tử nhanh dẫn đến việc mở rộng mạng lưới chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa vào phát triển hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế, nhất là ở nông thôn. Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Khoảng cách năng lực giữa các siêu thị, trung tâm thương mại và thương mại điện tử và chợ truyền thống ngày càng lớn khiến sức cạnh tranh của chợ truyền thống ngày càng giảm; người tiêu dùng ngày càng thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm, chuyển hướng tiện lợi. Trong khi đó, nhiều bất cập tồn tại trong kinh doanh và công tác quản lý chợ cũng là nguyên nhân làm giảm thu hút khách hàng đến với chợ như chính sách đầu tư, quy hoạch phát triển thương mại của địa phương; mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý chợ, tiểu thương… chưa bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng hiện đại.
Để Nghị định nhanh chóng đi vào thực tế, ngày 9/8/2024 UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 464/UBND-VP6 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển và quản lý chợ. Theo đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định và đôn đốc thực hiện phương án phát triển chợ tích hợp trong Quy hoạch tỉnh tới các địa phương, doanh nghiệp, tiểu thương trong toàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành một số nội dung về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh: phân cấp quản lý chợ cho cấp huyện, cấp xã cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; trách nhiệm của UBND các cấp trong việc xóa bỏ điểm kinh doanh tự phát; quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; quy định việc quản lý điểm kinh doanh tại chợ và hướng dẫn nội quy áp dụng cho tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý; sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ; rà soát tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phát triển, quản lý chợ và giải quyết các vấn đề liên quan đến vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Rà soát, xây dựng phương án xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, lấn chiếm hành lang giao thông, lề đường, không đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; công bố việc phân hạng, phân loại chợ trên địa bàn quản lý. Chủ động cân đối nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn căn cứ vào tình hình thực tiễn, tính cấp thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan. Nỗ lực đưa Nghị định vào cuộc sống đang được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho địa phương đẩy mạnh phát triển hệ thống chợ truyền thống, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/kinh-te/202410/dau-tu-phat-trien-hop-ly-cho-truyen-thonggop-phanthuc-day-kinh-te-xa-hoi-vung-nong-thon-53c6ab1/