Đầu tư sớm 7 tuyến cao tốc

Đầu tư sớm 7 tuyến cao tốc
2 ngày trướcBài gốc
Đây là nội dung đáng chú ý tại quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Quyết định này điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 1454 ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, 6 tuyến, đoạn tuyến cao tốc được Thủ tướng cho phép điều chỉnh tiến trình đầu tư gồm: Cao tốc Sơn La - Điện Biên, cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh đoạn Quy Nhơn - Pleiku, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh đoạn cửa khẩu Dinh Bà - Cao Lãnh và đoạn An Hữu - Trà Vinh.
Việc đầu tư sớm các tuyến cao tốc giúp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương (Ảnh minh họa).
Thay vì lộ trình đầu tư sau năm 2030 tại Quyết định 1454/2021, tại quy hoạch điều chỉnh, Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh lộ trình đầu tư các tuyến cao tốc trên trước năm 2030.
Theo Bộ GTVT, việc đầu tư sớm các tuyến cao tốc giúp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu như: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Đáp ứng với nhu cầu vận tải ngày càng cao, phá thế độc đạo, nâng cao hiệu quả kết nối vùng, khu vực.
Đơn cử như cao tốc Sơn La - Điện Biên với tổng chiều dài 200km. Điểm đầu tại TP Sơn La, Sơn La. Điểm cuối tại Cửa khẩu Tây Trang, Điện Biên.
Theo Bộ GTVT, Tây Bắc là khu vực khó khăn của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có vai trò đặc biệt đối với an ninh quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng chủ yếu kết nối thông qua QL6 và QL279 có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, chịu ảnh hưởng của thời tiết đặc biệt là mùa mưa lũ. Do vậy, để thúc đẩy phát triển vùng và liên kết vùng cần thiết đầu tư tuyến đường cao tốc này.
Bên cạnh đó, cao tốc Sơn La - Điện Biên là trục đường kết nối Thủ đô Hà Nội với 2 tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên. Việc sớm hoàn thành tuyến sẽ phá được thế độc đạo của QL6 và QL279; tăng cường kết nối liên vùng, nội vùng; tạo động lực để phát triển khu vực cửa khẩu, đặc biệt là cặp cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Việt Nam) - Pang Hốc (Lào).
Đối với cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng tại quy hoạch điều chỉnh xác định quy mô 4 làn xe với tổng chiều dài 90km.
Cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng là đoạn còn lại để kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Cao Bằng. Việc sớm hoàn thành tuyến sẽ tạo thành mạng lưới đường bộ cao tốc hoàn chỉnh trong khu vực (kết nối với các tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn); tăng cường kết nối liên vùng, nội vùng; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Việc đầu tư đường cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng sẽ giúp kết nối với các cửa khẩu quan trọng như Trà Lĩnh, Tà Lùng (tỉnh Cao Bằng) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) rộng lớn. Đồng thời, còn giúp liên thông với tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tạo hành lang phát triển kinh tế kết nối các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, hướng tới hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Với cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (Tây Ninh), việc nghiên cứu và đầu tư sớm tuyến cao tốc này phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả nước, của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng.
Đây là trục giao thông chính chạy dọc từ Bắc xuống Nam của tỉnh Tây Ninh, đồng thời kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Cao tốc Gò Dầu - Xa Mát là trục tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế tỉnh Tây Ninh phát triển như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp.
Đối với cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Ngọc Hồi - Gia Nghĩa, tại quy hoạch theo Quyết định 1454/2021, tuyến cao tốc này được xác định đầu tư trước năm 2030. Tuy nhiên, tại quy hoạch điều chỉnh, tuyến cao tốc này được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Việc điều chỉnh này phù hợp với Danh mục dự kiến các dự án quan trọng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Nghị quyết số 81/2023 của Quốc hội nêu tiến trình phân kỳ thực hiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây trong giai đoạn 2031-2050. Tuy nhiên, trường hợp huy động được nguồn lực sẽ xem xét đầu tư sớm hơn theo quy định tại Quyết định số 1454 của Thủ tướng.
Trần Duy
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/dau-tu-som-7-tuyen-cao-toc-192250218221804109.htm