Đầu vào tăng đầu ra giảm, vụ lúa hè thu ảm đạm của nông dân

Đầu vào tăng đầu ra giảm, vụ lúa hè thu ảm đạm của nông dân
8 giờ trướcBài gốc
Nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL bị thua lỗ. Ảnh: Trung Chánh
Số liệu sơ bộ của Hải quan Việt Nam, cho thấy đến hết tháng 6-2025, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 4,719 triệu tấn, với trị giá đạt 2,444 tỉ đô la Mỹ, tăng 3,6% về lượng nhưng giảm 15,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả xuất khẩu trong nửa đầu năm 2025 như nêu có nghĩa giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong khoảng thời gian này đạt 517,9 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, giá xuất khẩu gạo bình quân năm 2024 của Việt Nam là 627,19 đô la Mỹ/tấn, tức giá bình quân nửa đầu năm nay giảm 109,29 đô la Mỹ/tấn (tương đương khoảng 17,5%) so với năm ngoái.
Trồng lúa thua lỗ
Trao đổi với KTSG Online, ông Vũ Phước Hậu, một thương lái mua lúa khu vực tỉnh An Giang và Kiên Giang cũ (hiện là tỉnh An Giang), cho biết giá lúa bình quân năm ngoái khoảng 8.000 đồng/kg, trong khi mức giá bình quân hiện nay chỉ khoảng 5.500 đồng/kg, tức giảm khoảng 2.500 đồng/kg, tương đương giảm 31,25%.
Các loại lúa chất lượng thấp như IR 50404, OM 34…, giá ở thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg, thậm chí dưới mức 5.000 đồng/kg đối với những ruộng lúa bị đổ ngã, ẩm độ cao; các loại lúa hạt dài chất lượng cao hơn như OM 5451 có giá 5.500-5.700 đồng/kg; OM 18 và Đài Thơm 8 (phân khúc gạo thơm) khoảng 6.000 đồng/kg. “Từ sau ngày 1-7, giá lúa tiếp tục giảm thêm 100-200 đồng/kg”, ông Hậu nói.
Trong khi giá lúa sụt giảm, thì giá phân bón dù có biến động ở từng thời điểm nhất định, nhưng kể từ đầu năm 2025 đến nay luôn duy trì xu hướng tăng. Trong đó, phân Urê (đạm) các loại được đại lý chào bán vào tháng 2-2025 khoảng 11.200-12.000 đồng/kg (tương đương 560.000-600.000 đồng/bao 50 kg), thì hiện đã vọt lên mức 12.800-13.600 đồng/kg (tương đương 640.000 -680.000 đồng/bao 50 kg). Đặc biệt, từ sau ngày 1-7 đến nay, giá phân đạm đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng “dựng đứng”, khoảng 450-700 đồng/kg so với cuối tháng 6-2025.
Tương tự, giá phân DAP các loại cũng trong xu hướng tăng mạnh từ sau ngày 1-7-2025 đến nay do tác động của chính sách thuế và diễn biến giá thị trường thế giới tăng cao. Trong đó, DAP đang có giá dao động từ 22.000-24.000 đồng/kg, tương đương mức giá 1,1-1,2 triệu đồng/bao 50 kg (tùy loại).
Vấn đề nêu trên khiến khiến việc sản xuất lúa của nông dân ĐBSCL không có lãi, thậm chí đang gánh chịu cảnh thua lỗ- điều hiếm khi xảy ra với nông dân sản xuất lúa.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Bình Thành (tỉnh Đồng Tháp)- đơn vị vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu 2025, nói: “Vụ này không có ăn (ý nói bị thua lỗ)”.
Theo ông Đời, với giống OM 18, ruộng trúng nhất năng suất đạt 800kg/công tầm lớn (1.300m2), giá bán 6.000 đồng/kg, tức doanh thu đạt 4,8 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đầu tư bình quân phải 5.000 đồng/kg (4 triệu đồng/công tầm lớn), tức lợi nhuận chỉ khoảng 800.000 đồng/công tầm lớn.
Tuy nhiên, ông Đời cho biết, đa phần nông dân chỉ đạt mức lợi nhuận khoảng 200.000-300.000 đồng/công tầm lớn do năng suất thấp hơn. “Đó là đất nhà, còn đất thuê để làm lúa như tôi là lỗ luôn”, ông nói.
Còn theo ông Hậu, nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL bị thua lỗ xảy ra rất nhiều trọng vụ hè thu 2025 này. “Khi vào thu hoạch rộ (vụ hè thu 2025) khả năng sẽ còn khó khăn hơn”, ông nói.
Tình hình dự báo sẽ còn khó khăn hơn khi vụ hè thu rộ đồng. Ảnh: Trung Chánh
“Trăm thứ” dồn về nông dân?
Nông dân bị tác động do xu hướng chung là điều không tránh khỏi. Chi phí đầu vào cao khi phần lớn nông dân chưa thích nghi hay cân đối được với các chính sách thuế VAT mới khiến tình trạng thua lỗ dần xuất hiện trong vụ hè thu năm nay.
Trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Chí Thành, Giám đốc ngành hàng lúa gạo Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), cho biết nhìn vào chuỗi ngành hàng lúa gạo, doanh nghiệp phải chịu thuế, trong khi đầu ra (xuất khẩu) không thể nâng giá bán lên được (phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác) dĩ nhiên doanh nghiệp buộc phải hạ đầu vào, tức giá mua.
Câu hỏi đặt ra, đó là doanh nghiệp hạ giá đầu vào bằng cách nào?
Theo ông Thành, bình thường doanh nghiệp đã tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, bao gồm cả logistics, trong khi ở thời điểm hiện nay phụ phẩm (cám) bán ra cũng bị thuế, tức giá phụ phẩm cũng bị giảm. “Do đó, buộc lòng họ đè được đầu nào họ đè và sự tác động dây chuyền cuối cùng nông dân vẫn là người chịu ảnh hưởng”, ông cho biết.
Thực tế, với ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL, khoảng 90% sản lượng được vận chuyển từ nông dân về nhà máy qua thương lái, tức mua bán qua thương lái. “Thương lái có đội ngũ, phương tiện, trong khi chính sách thuế VAT đánh vào thương lái, tức chính sách ra đời nhằm ‘cắt bớt’ khâu trung gian”, ông Thành giải thích và cho biết, để cắt khâu trung gian, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, thu mua trực tiếp từ nông dân là rất khó, cần có thời gian.
Dĩ nhiên, tác động ngay trước mắt là thương lái tạm ngưng thu mua chờ xem chính sách; thứ hai, tiếp tục thu mua nhưng phải có lời, tức phần thuế VAT đẩy tiếp về phía nông dân thông qua hạ giá mua lúa xuống.
Thương lái có quyền không mua, trong khi nông dân không thể vận chuyển lúa gạo trực tiếp về doanh nghiệp (để được miễn thuế VAT) hay nói cách khác nông dân đành phải chấp nhận bán giá thấp qua thương lái, dẫn đến không có lãi, thậm chí thua lỗ như thực tế đang diễn ra.
Hiện tình hình vẫn chưa thể hiện rõ nét, nhưng theo dự báo của ông Thành, khi vụ hè thu 2025 rộ đồng sẽ còn nghiêm trọng hơn. “Chất lượng gạo vụ hè thu vốn đã xấu, trong khi chuyện thuế đang rối nên khả năng tình hình sẽ còn ảm đảm hơn”, ông dự báo.
Trung Chánh
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/dau-vao-tang-dau-ra-giam-vu-lua-he-thu-am-dam-cua-nong-dan/