Trong những năm gần đây, mô hình học hai buổi/ngày đã và đang được triển khai tại nhiều trường phổ thông trên cả nước, với kỳ vọng tạo điều kiện cho học sinh được củng cố, luyện tập kiến thức, đồng thời mở rộng kỹ năng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, buổi học thứ hai ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông triển khai thời gian qua nhiều ý kiến cho rằng đang giống “học thêm trong trường” – nơi học sinh tiếp tục quay cuồng với bài vở, còn giáo viên cũng phải chạy theo tiến độ giảng dạy.
Thời gian gần đây, việc học 2 buổi/ngày với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông được đưa ra thu hút sự quan tâm rất lớn từ nhà trường, phụ huynh. Theo đó, mục tiêu dạy 2 buổi/ngày trước hết là để bảo đảm tổ chức chương trình giáo dục phổ thông. Thứ hai, giảm áp lực cho học sinh, tổ chức quy củ bài bản việc dạy học cũng như các hoạt động giáo dục khác, hình thành cho học sinh phẩm chất, năng lực. Lợi ích của việc học 2 buổi/ngày cũng được chỉ ra là khá nhiều. Tuy nhiên, vẫn có không ít phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục bày tỏ sự lo ngại.
Thời khóa biểu ở một trường trung học phổ thông tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Ảnh tư liệu.
Nội dung buổi học 2 khiến không ít học sinh không hứng thú
Khi buổi học thứ hai được tổ chức như một phiên bản lặp lại của buổi sáng – với cùng cách dạy, cùng môn học, cùng áp lực thi cử – học sinh ngày càng cảm thấy mất động lực học tập, căng thẳng và mệt mỏi kéo dài. Không ít em thậm chí xem đây là “nghĩa vụ” chứ không phải “cơ hội phát triển”.
Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng: “Buổi học chiều chỉ là dạy thêm trá hình”, trong khi bản thân học sinh lại không có quyền lựa chọn nội dung phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân.
Cách đây mấy năm, vài chục học sinh lớp 11, lớp 12 một trường trung học phổ thông công lập ở địa phương tôi đã tìm tới nhà nhờ tôi chuyển tâm thư đến Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam với nhiều chia sẻ về việc các em không muốn học 2 buổi/ngày.
Theo chia sẻ của các em, các lớp học vào buổi chiều vẫn được tổ chức giữ nguyên sĩ số và thành phần như buổi sáng, nghĩa là trong một lớp học có sự pha trộn từ học sinh yếu kém, trung bình đến khá, giỏi và xuất sắc.
Do không có sự phân hóa theo năng lực, giáo viên buộc phải giảng dạy theo phương pháp "cân bằng mặt bằng chung" để đảm bảo tất cả học sinh đều theo kịp bài giảng. Điều này vô tình khiến những học sinh có học lực khá, giỏi không được tiếp cận kiến thức nâng cao nên các em chán nản, thiếu hứng thú và mất dần động lực học tập.
Có em nói rằng, mình thấy lãng phí thời gian ngồi học buổi chiều vì những kiến thức thầy cô dạy các em đã biết hết rồi. Điều đáng nói ở chỗ, dù đã học cả ngày tại trường, nhưng em và nhiều bạn vẫn phải tiếp tục học thêm vào buổi tối để ôn luyện chuyên sâu, đặc biệt là những môn phục vụ kỳ thi đại học.
Vì thế, cứ sau khi tan trường vào mỗi buổi chiều, nhiều học sinh lại tất tả chạy tới lớp học thêm. Mỗi buổi tối đi học liền 2 ca cho 2 môn học. Có em đêm nào cũng về nhà khoảng 9 đến 10 giờ.
Điều này khiến các em rơi vào trạng thái học tập quá tải, quỹ thời gian cho nghỉ ngơi, vui chơi hay phát triển kỹ năng cá nhân gần như không còn.
Bên cạnh đó, một số em còn bày tỏ sự mệt mỏi khi phải học buổi chiều với chính những giáo viên đã giảng dạy buổi sáng.
Nhiều em cho biết, với những giáo viên mà học sinh thích học thì học buổi sáng và học luôn buổi chiều thì không sao nhưng với những thầy cô giảng bài khó hiểu, tính tình lại khó thì việc học cả ngày với những thầy cô giáo ấy áp lực, gò bó, thậm chí một số bạn còn ví von đó là “cực hình”.
“Em mong buổi học chiều là lúc em được thực hành, làm thí nghiệm, hoặc tham gia các hoạt động mà mình thích, chứ không phải lại ngồi học như buổi sáng” – một học sinh chia sẻ.
Đã đến lúc cần một sự chuyển mình thực sự
Thay vì tiếp tục duy trì buổi học thứ hai như một “phép nối” gượng ép của buổi sáng, đã đến lúc nhà trường, giáo viên và phụ huynh cùng đồng thuận thay đổi tư duy giáo dục là không dạy thêm – mà tạo không gian phát triển năng lực cá nhân. Không chạy chương trình – mà trao quyền khám phá và làm chủ kiến thức cho các em.
Có nhiều giải pháp góp phần cho việc dạy 2 buổi/ngày đạt hiệu quả thì giải pháp chuyển từ dạy học đại trà sang dạy học phân hóa, dạy học theo sở thích, năng lực của mỗi học sinh.
Đầu tiên cần phân loại học sinh phù hợp. Trong đó, có thể sử dụng kết quả học tập, bài kiểm tra định kỳ, đánh giá từ giáo viên chủ nhiệm để phân loại học sinh theo 3 nhóm:
Nhóm 1: Học sinh giỏi Dạy nâng cao, luyện đề khó, tư duy phân tích. Nhóm 2: Học sinh trung bình Dạy củng cố, luyện tập vừa sức. Nhóm 3: Học sinh yếu Ôn tập cơ bản, hỗ trợ thêm bài tập thực hành.
Tiếp đó, phân lớp linh hoạt theo từng môn. Học sinh có thể giỏi môn Toán nhưng yếu môn Văn, do đó nên chia theo năng lực từng môn học, không chia cứng theo lớp ban đầu.
Trong thực tế giảng dạy, mỗi học sinh đều có thế mạnh và hạn chế riêng ở từng môn học. Có em rất giỏi môn Toán nhưng lại gặp khó khăn với môn Ngữ văn, hoặc có em học tốt môn Tiếng Anh nhưng chưa vững kiến thức Khoa học.
Do đó, việc phân lớp linh hoạt theo từng môn học thay vì giữ nguyên lớp ban đầu là một hướng đi phù hợp để phát huy tối đa năng lực cá nhân của mỗi học sinh.
Xây dựng nội dung học riêng cho từng nhóm.Mỗi nhóm sẽ có giáo án, phương pháp dạy khác nhau phù hợp với năng lực và mục tiêu cụ thể. Ví dụ: Nhóm học sinh giỏi Văn có thể học viết văn nghị luận nâng cao, phân tích chuyên sâu tác phẩm; trong khi nhóm yếu sẽ ôn tập cấu trúc bài, từ vựng và kỹ năng viết cơ bản.
Tổ chức buổi học thứ hai theo mô hình câu lạc bộ
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, nơi năng lực, tư duy và kỹ năng sống ngày càng trở nên quan trọng, việc duy trì buổi học thứ hai theo hình thức truyền thống – giảng lý thuyết, luyện bài tập – đã không còn phù hợp.
Thay vì giảng dạy lý thuyết khô khan, buổi học thứ hai nên là thời gian để học sinh khám phá sở thích và năng khiếu qua các câu lạc bộ (STEM, Nghệ thuật, Hùng biện...). Phát triển kỹ năng mềm như: tư duy phản biện, làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy sáng tạo. Tự học có định hướng với sự hướng dẫn của giáo viên, đóng vai trò là người truyền cảm hứng
Những hoạt động này không chỉ bổ sung kiến thức một cách tự nhiên, mà còn góp phần nuôi dưỡng sự tự tin, tinh thần học tập chủ động và khả năng thích ứng với thế giới hiện đại.
Học sinh được học đúng khả năng, không còn cảm giác quá sức hoặc nhàm chán. Giáo viên dễ dạy, có thể thiết kế bài học sát với nhu cầu của từng nhóm. Tăng sự gắn kết và tương tác trong lớp học, học sinh không còn cảm giác bị “bỏ rơi”. Hiệu quả học tập nâng cao rõ rệt, giảm áp lực học thêm ngoài giờ
Chia lớp học buổi chiều theo năng lực là một trong những giải pháp có tính thực tiễn và hiệu quả cao trong giáo dục. Khi học sinh được học đúng với khả năng và nhu cầu của bản thân, việc học sẽ không còn là áp lực mà trở thành hành trình phát triển chủ động và tích cực.
Nếu các trường triển khai giải pháp này một cách linh hoạt, khoa học và đồng bộ, chắc chắn mô hình học 2 buổi/ngày sẽ không còn là gánh nặng, mà sẽ là cơ hội để học sinh phát triển toàn diện, bền vững và hiệu quả hơn.
Việc lắng nghe và điều chỉnh theo nguyện vọng, trải nghiệm thực tế của học sinh là điều hết sức cần thiết nếu muốn mô hình này phát huy hiệu quả thực sự.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại – và thay đổi phù hợp để “học buổi hai” không còn là gánh nặng, mà trở thành cơ hội để học sinh tỏa sáng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Đỗ Quyên