Bí thư Quận ủy quận Thuận Hóa Phan Thiên Định cùng Trưởng phòng GD&ĐT quận Thuận Hóa Phạm Bá Thành tặng hoa cho TS. Nguyễn Thanh Tùng. Ảnh: Bảo Minh
Cha mẹ đã thực sự hiểu con?
Buổi sinh hoạt chuyên đề thu hút sự tham gia của gần 300 phụ huynh ở các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ở quận Thuận Hóa. Mở đầu, ông Phạm Bá Thành, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thuận Hóa trải lòng: “Là người làm công tác giáo dục, tôi nhận thấy dù nhà trường có tâm huyết đến đâu, thầy cô có tận tụy đến mấy thì cũng không thể thay thế được vai trò quan trọng nhất - đó là gia đình, cha mẹ”.
Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của mỗi đứa trẻ, từ những bước đi đầu đời, những lời nói bập bẹ cho đến cách cư xử, suy nghĩ và hình thành nhân cách. Tất cả đều in đậm dấu ấn của sự dạy dỗ, yêu thương từ gia đình. Trong bối cảnh nhịp sống ngày càng hối hả, nhiều bậc phụ huynh vì lo toan cuộc sống mà ít có thời gian lắng nghe, đồng hành cùng con; điều này đang dần tạo ra một khoảng trống, không phải về vật chất mà là khoảng cách tâm hồn giữa cha mẹ và con cái.
Ở trường học, thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn dạy kỹ năng sống, dạy cách làm người. Các hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt chủ đề, rèn luyện kỹ năng ứng xử ngày càng được chú trọng. Nhưng thực tế, nhiều học sinh có biểu hiện thiếu kỹ năng giao tiếp, dễ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, hoặc thu mình lại khi gặp áp lực. Có em nghiện điện thoại, sống trong thế giới ảo nhiều hơn thế giới thật. Có em chịu đựng áp lực học tập, áp lực kỳ vọng mà không biết chia sẻ cùng ai. Và có cả những học sinh tưởng chừng rất ngoan, học giỏi nhưng chỉ cần một biến cố nhỏ lại gục ngã, vì thiếu điểm tựa tinh thần từ gia đình.
“Liệu người lớn chúng ta, thầy cô, cha mẹ đã thật sự đủ gần gũi để các con tin tưởng tâm sự?”, ông Phạm Bá Thành đặt câu hỏi. Giáo dục con cái không chỉ là chuyện điểm số, mà còn là chuyện làm người. Đừng chỉ hỏi con “được bao nhiêu điểm?”, thay vào đó, hãy hỏi: “Con có vui không?”, “Hôm nay có điều gì khiến con buồn?”, “Con cần ba mẹ giúp gì không?”… Những câu hỏi như thế tuy nhỏ nhưng có thể mở ra một cánh cửa dẫn cha mẹ vào thế giới tâm hồn của con trẻ. Và, khi cha mẹ bước vào đó bằng sự lắng nghe và tình thương, thì dù thế giới ngoài kia có phức tạp đến đâu, con vẫn có một nơi để trở về.
Tôn trọng năng khiếu và sự khác biệt là cách để con phát triển năng lực
Đồng hành không có nghĩa là ép buộc. Không phải ai cũng giỏi văn, giỏi toán, điều quan trọng là con được phát triển theo thế mạnh và đam mê của mình. Tài năng chỉ nở hoa khi được cha mẹ tin tưởng và khích lệ đúng lúc. Ông Phạm Bá Thành nhắn gửi đến các bậc phụ huynh: “Hãy cho con được thử, được sai, được sửa. Hãy để con lớn lên trong sự yêu thương có kỷ cương, trong sự tự do có định hướng. Hãy quay về bên con nhiều hơn. Không cần những món quà lớn, không cần lời dạy cao siêu, chỉ cần sự có mặt của cha mẹ, bằng cả trái tim, là con đã có một nền tảng vững chắc để bước đi trên đường đời”.
Đồng hành cùng con
Nhằm nâng cao nhận thức và vai trò của phụ huynh trong quá trình phát triển toàn diện của học sinh, tạo cầu nối gắn kết giữa gia đình và nhà trường, Phòng GD&ĐT quận Thuận Hóa mời TS Nguyễn Thanh Tùngchia sẻkỹ năng, phương pháp để đồng hành cùng con một cách tích cực. Theo TS Tùng, để giáo dục được con, đồng hành với con, các bậc phụ huynh cần làm được 3 điều: Đón nhận sự khác biệt của con, làm gương cho con và phối hợp cùng nhà trường.
Cha mẹ đón nhận sự khác biệt của con mình là điều quan trọng trong hành trình giáo dục con cái. Nhấn mạnh “Con hơn cha là nhà có phúc”, TS. Tùng nói rằng, khi con biết phản biện nghĩa là có năng lực đón nhận, phụ huynh nên vui vì điều đó. Đón nhận sự khác biệt là tôn trọng đặc điểm, sở thích và ý kiến riêng của con. Khi được tôn trọng, trẻ được thể hiện năng lực bản thân và dám làm những điều sáng tạo, xã hội mới phát triển. Phụ huynh chỉ đóng vai trò hướng dẫn và để con tự chọn lựa, điều này hình thành năng lực tự lập, tự chủ của trẻ.
Nhiều phụ huynh cuống cuồng tìm các trung tâm cho con học kỹ năng mà quên rằng, nhà chính là trung tâm giáo dục tốt nhất mà trẻ phải thực hành rất sớm. Trong nghệ thuật giáo dục con cái, cha mẹ hãy để con tự làm, đừng làm giúp mà hãy hướng dẫn con làm những việc vừa sức. Ba mẹ có thể giao việc cho con, như phụ giúp ba mẹ làm việc nhà, nấu ăn, rửa bát, vệ sinh nhà cửa… Khuyến khích con giao tiếp mở, nghĩa là đừng hỏi con “phải vậy không?” hoặc khẳng định đúng - sai mà nên là “ý con nghĩ như thế nào?”.
Điều quan trọng thứ hai là ba mẹ phải làm gương cho con vì con học qua quan sát, xây dựng giá trị gia đình. Muốn con lễ phép chào mình, ba mẹ phải chào con trước. Đây chính là dạy con đức khiêm hạ, một đức tính quan trọng trong sự thành công và hạnh phúc của mỗi người. TS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ câu chuyện giáo dục sự lễ phép ở các ngôi trường của ông. Mỗi khi đến trường, ông đều chủ động đến chào học sinh, sau một thời gian, tự khắc các em đều chào hỏi mỗi khi gặp ông. Từ đó, học sinh của trường trở nên lễ phép, nền nếp. Trong gia đình, phụ huynh cần thực hành yêu kính ba mẹ, ông bà của mình. Muốn con ôm hôn mình, phụ huynh hãy làm gương ôm hôn cha mẹ, ông bà mỗi ngày. Khi cha mẹ thực hành điều này, sẽ nhận được tình cảm, sự hiếu thảo từ con.
Phụ huynh trao đổi, thảo luận tại buổi sinh hoạt chuyên đề
Mỗi đứa trẻ đều cần được cha mẹ tôn trọng, lắng nghe. Khi con kể chuyện, ba mẹ phải lắng nghe trọn vẹn. Nếu không nghe vài lần, vết nứt trong quan hệ giữa ba mẹ và con cái sẽ xuất hiện. Cũng cần biết cảm ơn, ngợi khen con đúng lúc để năng lực của con được thăng hoa. Khẳng định vai trò giáo dục của gia đình, TS. Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh: “Giáo dục là một hành trình dài ăn vào ý thức niệm của đứa trẻ. Và giáo dục trong gia đình, môi trường sống của trẻ rất quan trọng, ảnh hướng đến sự phát triển của mỗi đứa trẻ”.
TS. Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, phụ huynh cần phối hợp cùng nhà trường để hình thành tính cách cho trẻ. Từ khi đứa trẻ lọt lòng đến năm 16 tuổi, việc chọn môi trường hình thành tính cách cho con rất quan trọng. Môi trường nuôi dưỡng, học ở đâu, chơi với ai, gia đình ứng xử như thế nào… cha mẹ phải phối hợp, trao đổi với nhà trường để biết, quan tâm và điều chỉnh, không thể phó mặc việc dạy con cho nhà trường. Ba mẹ cần vun bồi phẩm chất cho con hằng ngày chính từ những bài học trong gia đình, hướng đến điều tử tế. Ngoài ra, phụ huynh cố gắng thực hành đồng cảm giáo dục. Con cái là sản phẩm hạnh phúc của cha mẹ, vì thế, con cần được tham gia vào quá trình gìn giữ hạnh phúc gia đình, là sợi dây kết nối tình cảm của cha mẹ.
Nghe chia sẻ của TS. Nguyễn Thanh Tùng, nhiều phụ huynh nhận ra những điều quan trọng đã bị bỏ qua trong hành trình giáo dục con. Anh Nguyễn Trường Sơn, một phụ huynh ở Trường Tiểu học Vỹ Dạ nói rằng: “Chia sẻ của TS Nguyễn Thanh Tùng rất ý nghĩa. Đôi khi vì những áp lực trong cuộc sống, vô tình bố mẹ cũng tạo áp lực với con cái, bắt con phải giống mình, thực hiện ước mơ của mình. Chương trình hôm nay giúp chúng tôi nhận ra và thay đổi”.
Ông Phan Thiên Định, Bí thư Quận ủy quận Thuận Hóa phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề: Tôi nghĩ, thành công của mỗi con người được đo bằng hạnh phúc và gia đình có vai trò vô cùng lớn. Gia đình nào biết cách dạy con đều tạo động lực cho con mình phát triển bền vững. Trong khi làm gì chúng ta cũng được học nhưng làm cha, làm mẹ thì lại không có trường lớp nào. Vì vậy, mỗi người phải tìm một cách thức nào đó để nuôi dạy con. Tại sao một nhu cầu lớn như vậy của xã hội lại không trở thành một trong những hoạt động của hệ thống chính quyền? Tôi hy vọng và mong muốn, buổi nói chuyện của TS. Nguyễn Thanh Tùng như một sự khởi động, mở đầu cho kế hoạch mở các lớp đào tạo kiến thức, kỹ năng đồng hành cùng con cho phụ huynh.
MINH HIỀN