Bà Dung, 70 tuổi, quê ở Hà Nam, thấy bụng tức âm ỉ, chán ăn và sụt cân trong khoảng hai tháng. Nghĩ mẹ chỉ bị đau dạ dày thông thường, chị My (con gái bà) đưa mẹ đến Bệnh viện K khám. Kết quả khiến cả gia đình sụp đổ, bà bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.
Cầm tờ kết quả chẩn đoán, chị My tìm gặp bác sĩ, vừa khóc vừa xin: “Bác sĩ đừng nói với mẹ em là bà bị ung thư. Mẹ em có tiền sử bệnh tim, bà biết thì không chỉ bỏ điều trị mà còn sốc đến mức phát bệnh trở lại”.
Nam bác sĩ trước mặt chị My là tiến sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I, người từng đối mặt với hàng nghìn trường hợp ung thư nặng, nhẹ, từng chứng kiến những khoảnh khắc sinh tử không thể quên. Trước yêu cầu tha thiết của chị My, anh lưỡng lự.
“Nguyên tắc của bác sĩ là không được giấu bệnh”, TS Nam nói. Bệnh nhân có quyền biết mình mắc bệnh gì, giai đoạn nào, điều trị ra sao để chuẩn bị tâm lý và phối hợp điều trị.
Tuy nhiên khi nghe chị My nói và nhìn ánh mắt người phụ nữ này, bác sĩ hiểu đây không đơn giản là lời đề nghị che giấu sự thật. Đó là sự bất lực khi đối diện với nguy cơ mất đi người mình yêu thương, là mong muốn giữ lại một phần tinh thần cho bệnh nhân, dù chỉ là ảo tưởng ngắn ngủi.
Sau nhiều trăn trở, bác sĩ đồng ý nói với bà Dung rằng bà bị viêm loét dạ dày nặng, cần một phẫu thuật nhỏ để xử lý ổ loét. Ekip y tế đã cắt bỏ 3/4 dạ dày do khối u đã lan rộng, kích thước lớn. Ca mổ thành công, nhưng đây chỉ mới là chặng đầu trong hành trình điều trị.
Bác sĩ Nam tư vấn sức khỏe cho người bệnh. (Ảnh: BSCC)
Theo phác đồ, bà Dung cần tiếp tục hóa trị để ngăn ngừa di căn và kéo dài thời gian sống. Bác sĩ Nam một lần nữa khuyên gia đình nói thật để bệnh nhân biết và chủ động tuân thủ điều trị lâu dài. Nhưng chị My vẫn lắc đầu, kiên quyết giữ quan điểm ban đầu.
Chị xin chuyển mẹ về bệnh viện tuyến tỉnh, nói là “truyền vitamin, dinh dưỡng” để nâng cao thể trạng thay vì tiết lộ đó là truyền hóa chất. “Bác sĩ giúp em nói khéo với mẹ. Bà mà biết là hóa trị thì không sống nổi vì lo nghĩ”, chị My tha thiết.
Đây không phải là lần đầu bác sĩ Nam đối mặt với đề nghị giấu bệnh từ người nhà. Trong môi trường điều trị ung thư, ông và nhiều đồng nghiệp thường xuyên chứng kiến, cảm nhận sự giằng xé giữa lý trí và cảm xúc, giữa đạo đức nghề nghiệp và lòng nhân đạo.
Không ít gia đình xin bác sĩ nói giảm nhẹ tình trạng bệnh hoặc dùng những thuật ngữ dễ nghe, vì sợ người thân hoảng loạn, từ chối điều trị. “Tôi hiểu họ làm vậy vì thương, nhưng đôi khi chính sự bao bọc ấy lại vô tình tước đi cơ hội sống có trách nhiệm và ý nghĩa của người bệnh”, bác sĩ Nam nói.
Điều trị ung thư không chỉ là phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị. Tâm lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bệnh nhân cần ý chí để vượt qua nỗi đau, cần tinh thần để hợp tác điều trị, và cần niềm tin để sống tiếp.
Nếu bệnh nhân không biết mình mắc ung thư, họ có thể vẫn duy trì những thói quen xấu như ăn uống thất thường, hút thuốc, uống rượu, những yếu tố khiến bệnh tiến triển nhanh hơn. Một số trường hợp khi vô tình biết sự thật, họ bị sốc, khủng hoảng tâm lý, thậm chí tìm đến những phương pháp phản khoa học.
“Giấu bệnh chưa chắc là cách tốt. Đối diện với sự thật, dù đau, đôi khi lại mở ra cơ hội để người bệnh sống trọn từng khoảnh khắc còn lại”, bác sĩ Nam nói.
Luật Khám chữa bệnh và đạo đức y khoa đều khẳng định người bệnh có quyền được biết tình trạng sức khỏe của mình. Đây là cơ sở để họ quyết định việc điều trị, lên kế hoạch cho cuộc sống, và thậm chí chuẩn bị cho cái chết một cách thanh thản.
Với những người phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, việc được thông báo rõ ràng có thể là cơ hội để họ chiến đấu và khỏi bệnh. Theo các thống kê y tế, nhiều loại ung thư nếu được phát hiện sớm sẽ có tỷ lệ sống trên 5 năm rất cao, có loại vượt 90% như ung thư tuyến giáp, vú, tiền liệt tuyến.
Với những người phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, biết sự thật không đồng nghĩa với tuyệt vọng. Trái lại, đó có thể là động lực để họ sắp xếp cuộc sống, nói lời yêu thương, làm điều mình từng trì hoãn. Bác sĩ Nam kể, có bệnh nhân sau khi biết mình chỉ còn vài tháng đã đi du lịch khắp nơi cùng gia đình, viết di chúc, làm từ thiện, và mỉm cười lúc ra đi.
Không nên nói thật một cách đột ngột, cũng không nên giấu mãi, theo các chuyên gia tâm lý, cách tốt nhất là người thân và bác sĩ phối hợp để “chuẩn bị tinh thần từng bước” cho bệnh nhân. Hãy chọn thời điểm thích hợp, môi trường đủ an toàn và ngôn từ phù hợp để chia sẻ.
Như Loan