Khi phòng khách không còn là không gian riêng
TV thông minh ngày nay không chỉ để xem truyền hình mà còn tích hợp hàng loạt tính năng thông minh, bao gồm cả camera. Dù bạn có dùng hay không, camera vẫn hiện diện, âm thầm theo dõi mọi thứ trước ống kính, từ gương mặt người thân, tài liệu đặt trên bàn, đến hoạt động sinh hoạt hằng ngày trong nhà.
Những thông tin tưởng chừng vô hại có thể trở thành dữ liệu để tin tặc khai thác, phân tích và bán đi.
Trên nhiều mẫu TV, camera được giấu kín ở viền màn hình, rất dễ bị bỏ qua nếu bạn không chủ động tìm hiểu. Một số hãng trang bị camera cho các tính năng như video call, điều khiển bằng cử chỉ hay nhận diện khuôn mặt. Nhưng thực tế, phần lớn người dùng không dùng tới các tính năng này, trong khi rủi ro vẫn luôn tồn tại.
TV thông minh có thể bị lạm dụng để theo dõi. Ảnh: AI
Nhiều bằng chứng đã cho thấy TV thông minh có thể bị tấn công. Năm 2017, tài liệu rò rỉ từ WikiLeaks tiết lộ một công cụ gián điệp do CIA phát triển, có khả năng biến TV Samsung thành thiết bị nghe lén bí mật. Một năm sau, Consumer Reports cho thấy hàng loạt mẫu TV sử dụng nền tảng Roku hoặc của TCL, Samsung dễ bị điều khiển từ xa mà người dùng không hề hay biết.
Gần đây nhất, Bitdefender phát hiện nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên dòng TV LG dùng webOS, cho phép tin tặc chiếm quyền điều khiển toàn diện thiết bị. Ngay cả FBI cũng từng đưa ra cảnh báo chính thức về việc camera và micro trên TV có thể bị kẻ xấu lợi dụng để theo dõi người dùng tại nhà.
Điều đáng lo là người dùng gần như không có cách nào phát hiện sớm một cuộc tấn công. TV thông minh không phát ra cảnh báo, nhưng một số dấu hiệu bất thường có thể gợi ý rằng thiết bị đang bị xâm nhập.
Chẳng hạn, đèn báo camera tự bật dù bạn không dùng đến, ứng dụng lạ xuất hiện trên màn hình chính, TV tự động mở hoặc tắt… Dù những dấu hiệu này không phải lúc nào cũng khẳng định có sự cố, nhưng chúng đủ để khiến bạn nên cảnh giác.
Cách bảo vệ quyền riêng tư tại nhà
Trong số các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư, việc che camera là cách đơn giản và hiệu quả nhất. Chỉ cần một miếng băng dính, một tờ giấy hay miếng che chuyên dụng vài chục ngàn đồng là đủ để chặn mọi hành vi theo dõi ngoài ý muốn.
Che camera trên TV thông minh nếu bạn không sử dụng. Ảnh: AI
Không giống như các phần mềm bảo vệ có thể bị vô hiệu hóa từ xa, lớp che vật lý là hàng rào bất khả xâm phạm. Và vì camera trên TV vốn không phải tính năng bạn cần mỗi ngày, do đó việc che chắn sẽ không ảnh hưởng gì đến trải nghiệm xem.
Ngoài ra, bạn vẫn nên thường xuyên kiểm tra lại cài đặt TV, tắt các tính năng không cần thiết như nhận diện giọng nói, chia sẻ dữ liệu hay phân tích hành vi người dùng.
Cập nhật phần mềm đầy đủ cũng là cách để bịt các lỗ hổng bảo mật. Nếu có thể, bạn nên tách TV thông minh ra khỏi mạng WiFi chính để ngăn chặn việc tin tặc lợi dụng nó làm cầu nối đến các thiết bị khác trong nhà.
Tiểu Minh