Đẩy lùi vấn nạn hàng giả: Tái lập niềm tin, làm sạch thị trường

Đẩy lùi vấn nạn hàng giả: Tái lập niềm tin, làm sạch thị trường
6 giờ trướcBài gốc
Những ngày qua, dư luận cả nước chấn động trước thông tin Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên - một gương mặt được yêu mến với hình ảnh tích cực và nhiều hoạt động thiện nguyện bị khởi tố, tạm giam để điều tra hành vi “Lừa dối khách hàng” theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. Vụ việc không chỉ gây sửng sốt bởi danh tiếng của người vi phạm, mà còn hé lộ một phần góc khuất của thị trường thực phẩm chức năng và tình trạng quảng cáo thổi phồng, gian dối đang tồn tại.
Đạo đức kinh doanh đang bị... "bào mòn"
Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), Thùy Tiên không chỉ là người quảng bá sản phẩm mà còn là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt (CER), đơn vị sản xuất kẹo bổ sung chất xơ “Kera Super Greens Gummies”. Dù biết rõ sản phẩm có hàm lượng chất xơ thực tế chỉ 0,935% - rất thấp so với công bố quảng cáo - nhưng hoa hậu vẫn góp phần đưa ra thông tin sai lệch, đánh lừa hàng chục ngàn người tiêu dùng. Tệ hơn, thành phần chủ yếu giúp “nhuận tràng” lại là sorbitol - một loại rượu đường tạo ngọt chiếm tới 35%, nhưng không được công bố
Vụ kẹo rau củ Kera từ một nghi vấn quảng cáo sai sự thật đã trở thành vụ án hình sự với nhiều người nổi tiếng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Kết quả, hơn 135.000 hộp kẹo đã được bán ra cho hơn 30.000 khách hàng, thu về gần 18 tỷ đồng. Hiện, 10 người đã bị khởi tố trong vụ án này để điều tra hành vi "Sản xuất hàng giả là thực phẩm" và "Lừa dối khách hàng". Trong đó, trước Thùy Tiên, hai người nổi tiếng khác là Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục cũng bị khởi tố, tạm giam.
Ngành tiếp thị bằng người nổi tiếng và người ảnh hưởng (key opinion leader - KOL) đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Sự xuất hiện của người nổi tiếng và KOL trong quảng cáo tạo hiệu ứng lan truyền, giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận và thu hút sự chú ý từ thị trường.
Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở một vài KOL cá biệt. Đáng lo hơn cả, nếu những người nổi tiếng, được công chúng tin tưởng và ngưỡng mộ còn dễ dàng “bán rẻ” hình ảnh để trục lợi như vậy thì câu hỏi đặt ra là: Trong bóng tối, những cá nhân vô danh đang làm gì với hàng hóa trôi nổi?
Không phải ngẫu nhiên mà vụ việc kẹo Kera được đánh giá là “giọt nước tràn ly”. Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều vụ việc nghiêm trọng như đường dây sữa giả ở Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hóa, thực phẩm chức năng giả ở Phú Thọ, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc ở TP.HCM đã bị phát hiện, khiến dư luận hoang mang về mức độ lan rộng của hàng giả, hàng nhái, và đạo đức kinh doanh đang bị bào mòn.
Trao đổi với Vnbusiness, luật sư Hoàng Văn Hà, Giám đốc công ty luật ARC Hà Nội (HNLAW) cho biết, chế tài xử lý hành vi vi phạm an toàn thực phẩm đã được quy định rõ tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc thực thi thiếu nghiêm minh, xử lý thiếu sức răn đe, cộng với công tác hậu kiểm - truy xuất nguồn gốc còn lỏng lẻo chính là điểm yếu khiến nhiều người bất chấp pháp luật. Thêm vào đó, vai trò kiểm duyệt nội dung quảng cáo, đặc biệt trên mạng xã hội còn buông lỏng, tạo điều kiện cho những sản phẩm độc hại len lỏi vào thị trường.
Trước thực trạng đáng báo động, trong vòng một tháng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó, nổi bật là chỉ đạo mở chiến dịch cao điểm toàn quốc từ 15/5 - 15/6 nhằm truy quét hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đây không đơn thuần là một chiến dịch kiểm tra mà là tuyên bố hành động mạnh mẽ của một Chính phủ không chấp nhận thỏa hiệp với bất lương và vi phạm pháp luật.
Cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội.
Theo thông tin tại cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 17/5, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng), từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm liên quan buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Trong đó, hơn 8.200 vụ liên quan buôn bán, vận chuyển hàng cấm; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế; và trên 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Gần 1.400 vụ đã bị khởi tố với hơn 2.100 bị can. Đáng chú ý, tổng số tiền thu nộp ngân sách vượt 4.897 tỷ đồng - một con số cho thấy mức độ phổ biến và nguy hiểm của các hành vi này.
Thiệt hại không thể đo đếm chỉ bằng tiền, quan trọng hơn là sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng đang bị bào mòn. Khi người tiêu dùng hoang mang không biết nên tin vào ai, dùng sản phẩm nào; khi doanh nghiệp tử tế bị lấn át bởi các “chiêu trò giá rẻ” và hành vi tiếp thị lừa dối thì không thể xây dựng một nền kinh tế lành mạnh.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 19/5, Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng buôn lậu, sản xuất và tiêu thụ hàng trăm tấn hàng giả không thể tồn tại nếu không có sự tiếp tay, dung túng hoặc buông lỏng trách nhiệm. "Chỉ có hai khả năng: hoặc không còn ý chí chiến đấu, hoặc bị mua chuộc, có tiêu cực. Cả hai điều này đều phải xử lý nghiêm", ông nói.
Trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý đã tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm và bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cũng đang được Quốc hội thảo luận và dự kiến biểu quyết thông qua ngày 11/6 tới. Trong đó có nội dung đề xuất tăng trách nhiệm của người nổi tiếng và người ảnh hưởng trong quảng cáo.
Góp ý, dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất cần có một hệ thống chế tài mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, kết hợp giữa xử phạt tài chính, xử lý hình sự và các biện pháp bổ sung khác nhằm xử lý triệt để vấn nạn này.
Nhưng Chính phủ không thể hành động một mình. Để cuộc chiến chống hàng giả đạt hiệu quả bền vững, cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội.
Các doanh nghiệp Việt cần chủ động trong việc bảo vệ thương hiệu, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tăng cường minh bạch thông tin sản phẩm. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc, sẵn sàng tố giác hành vi gian lận thương mại.
Các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành hàng cần lên tiếng, giám sát và hỗ trợ pháp lý. Truyền thông và người có ảnh hưởng cần giữ đạo đức nghề nghiệp, chỉ đồng hành với sản phẩm có giá trị thật.
Quan trọng hơn, đây là thời điểm để nhìn nhận lại và củng cố chiến lược phát triển thị trường nội địa. Một thị trường trong nước lành mạnh, minh bạch không chỉ bảo vệ người tiêu dùng, mà còn là nền tảng để các thương hiệu Việt vươn lên, khẳng định vị thế trên khu vực và thế giới.
Niềm tin của người tiêu dùng được tái lập, sẵn sàng lựa chọn sản phẩm nội địa, chính là động lực mạnh mẽ để kinh tế trong nước phát triển bền vững.
“Chiến dịch truy quét buôn lậu, hàng giả lần này nếu được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ sẽ không chỉ dẹp bỏ được một loạt đường dây vi phạm, mà quan trọng hơn, sẽ tái lập lại niềm tin vào thị trường và pháp luật. Đó là điều mà đất nước đang rất cần để bước vào kỷ nguyên mới”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn thiếu đồng bộ, chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chưa đáp ứng mục tiêu kiểm soát chặt chẽ theo Luật An toàn thực phẩm. Đặc biệt, một số quy định tại Nghị định 15/2018 hướng dẫn thi hành luật còn kẽ hở, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để sản xuất, buôn bán hàng giả, sử dụng các thủ đoạn tinh vi nhằm lừa dối người tiêu dùng và trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Công tác quản lý nhà nước về cấp chứng nhận đạt chuẩn, kiểm nghiệm và hậu kiểm để kiểm soát chất lượng hàng giả còn nhiều tồn tại, thậm chí có tình trạng buông lỏng, móc nối với các đối tượng vi phạm.
TS Bùi Quốc Liêm, Đại học RMIT Việt Nam
Công chúng thường có xu hướng “mặc định tin tưởng” vào những lời giới thiệu của người nổi tiếng. Khi một người nổi tiếng giới thiệu một sản phẩm, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe hoặc sắc đẹp, người tiêu dùng thường coi đó là một lời khuyên đáng tin cậy. Hành vi vi phạm của một người nổi tiếng có thể gây ra ảnh hưởng lan tỏa, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với toàn bộ ngành nghề liên quan. Ví dụ, nếu một người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, điều này có thể làm giảm niềm tin của người tiêu dùng vào tất cả các sản phẩm thực phẩm chức năng khác, kể cả những sản phẩm chất lượng và uy tín.
Đại biểu Trịnh Minh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long
Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là thực phẩm và dược phẩm, đang diễn ra ngày càng phổ biến, tinh vi, có tổ chức và quy mô lớn. Cần tăng mạnh chế tài hình sự, mở rộng phạm vi truy cứu với các hành vi tổ chức, có tổ chức và tái phạm. Với hành vi tổ chức sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức, gây thiệt hại lớn, cần truy cứu hình sự thay vì chỉ phạt hành chính. Thậm chí có thể hình sự hóa thêm nhiều hành vi nhẹ hơn nếu tái phạm nhiều lần (để ngăn chặn từ đầu).
Đỗ Kiều
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//viet-nam/day-lui-van-nan-hang-gia-tai-lap-niem-tin-lam-sach-thi-truong-1106952.html