Chủ trì Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN
Chiều 3/4, tại tỉnh Hà Tĩnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Công bố Quyết định và ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8 và hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8.
Hội nghị do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đồng chủ trì. Tham dự có đại diện lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; đại diện các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội ngành nghề và một số doanh nghiệp... trên địa bàn.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thành việc sắp xếp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 63 tỉnh, thành phố thành 15 chi nhánh khu vực. Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8 gồm 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; trụ sở Ngân hàng Nhà nước Khu vực đặt tại Hà Tĩnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các Quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Khu vực 8, cụ thể: bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An giữ chức vụ Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 8 và giao Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 8; các Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 8 bao gồm: ông Lương Hải Lưu, ông Nguyễn Văn Trung, bà Hoàng Thị Minh Thu. Sau khi sắp xếp, tổng số công chức, người lao động Khu vực 8 là 134 người. Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8 sau sắp xếp gồm 7 phòng.
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng đã trao quyết định cho Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8 cùng các trưởng, phó phòng.
Phát biểu khai mạc hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, hội nghị nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Chính phủ đã xác định: Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030. Tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5/2/2025, Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cụ thể cho từng tỉnh tại Khu vực 8 đạt từ 8-10,5%.
Các mục tiêu kinh tế nêu trên thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo diễn biến phức tạp, khó lường đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với hoạt động ngân hàng cũng như điều hành của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện đa mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự an toàn hệ thống ngân hàng, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng trao quyết định bổ nhiệm cho Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8. Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 8 nhấn mạnh ba tỉnh thuộc Khu vực 8 (Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình) thuộc vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trong hành lang kinh tế Đông Tây; với đường bờ biển dài và đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch; có các cảng biển nước sâu thuận lợi giao thương hàng hóa xuất, nhập khẩu, công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản và các ngành kinh tế biển mới. Thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại khu vực và đã đạt kết quả khá tích cực Khu vực 8 có 253 tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng với đa dạng các loại hình tổ chức tín dụng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8, đến cuối tháng 2/2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Khu vực 8 đạt 535.688 tỷ đồng, tăng 7.957 tỷ đồng, bằng 1,5% so với cuối năm 2024 (bao gồm cả dư nợ của Ngân hàng Phát triển), chiếm khoảng 33% tổng dư nợ của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% (dư nợ tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng so với năm 2024) góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước (tối thiểu 8%) và 3 tỉnh của Khu vực (8%-10,5%) trong năm 2025 đòi hỏi toàn ngành Ngân hàng nói chung và tại Khu vực 8 nói riêng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp; trong đó ngoài việc cân đối, đảm bảo “cung” tín dụng, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, người dân để góp phần thúc đẩy yếu tố “cầu” và đẩy mạnh kết nối cung - cầu tín dụng, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý phù hợp.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức Hội doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã đề xuất các kiến nghị liên quan việc thúc đẩy tín dụng xanh, tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng như đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, các chương trình tín dụng trong lĩnh vực ưu tiên…
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng đã trả lời một số kiến nghị của các doanh nghiệp về các chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất, thủ tục cho vay, nguồn vốn tín dụng…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà nhấn mạnh, năm 2024 và quý I/2025, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều khó khăn và thách thức vẫn hiện hữu; tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã có những chuyển biến tích cực.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh đạt 7,48%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 18.133 tỷ đồng, vượt 103% dự toán HĐND tỉnh giao; sản xuất công nghiệp đang dần phục hồi với mức tăng trưởng toàn ngành đạt 6,54%; huy động vốn tăng trưởng ổn định, dư nợ tín dụng có xu hướng tăng tích cực hơn. Quý I/2025, GRDP của tỉnh ước đạt từ 6,5 - 7%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 2,5%; tổng thu ngân sách đạt 4.555 tỷ đồng, đạt 26% dự toán.
Những kết quả đạt được có sự đóng góp quan trọng của ngành ngân hàng với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, cung ứng vốn kịp thời, định hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Khu vực 8 theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chính sách tín dụng phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh trong khu vực; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo định hướng phát triển của địa phương, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh tín dụng ưu đãi hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng, nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; phối hợp đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh...
Hoàng Ngà/TTXVN