Hoạt động cảng biển Hải Phòng luôn tấp nập, sôi động.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hải Phòng cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý I ước tăng 11,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng dẫn đầu với mức tăng 12,74%, lĩnh vực dịch vụ tăng 9,40% và nông, lâm, thủy sản tăng 1,52%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cũng tăng mạnh 15,06%, cho thấy sự phục hồi và phát triển ổn định của ngành công nghiệp thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hải Phòng.
Hải Phòng tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm logistics quan trọng của miền bắc. Kim ngạch xuất khẩu trong quý I đạt 8,58 tỷ USD, tăng 5,45% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 39,16 triệu tấn, tăng 8,64%, cho thấy hệ thống hạ tầng cảng biển đang phát huy hiệu quả và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế thành phố.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý I đạt 43.958,6 tỷ đồng, bằng 18,32% kế hoạch năm. Thành phố đang tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết: Từ đầu năm tới nay, thành phố tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị nhưng vẫn bảo đảm thực hiện các công việc theo kế hoạch. Hải Phòng vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng GRDP hai con số, ở mức cao so với bình quân chung cả nước. Nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như thu ngân sách, sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng cao.
Là điểm đến du lịch hấp dẫn, Hải Phòng thu hút 1,8 triệu lượt khách trong quý I, tăng 12,29% so với cùng kỳ. Sự phát triển của du lịch đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm, với khoảng 14.900 lao động được giải quyết việc làm trong quý đầu năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng yêu cầu, các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp để giữ vững đà tăng trưởng. Trong đó, tập trung vào đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn FDI; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công để phát triển hạ tầng; thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ công và bảo vệ môi trường.
Công suất của Nhà máy Ô-tô VinFast dự kiến công suất đạt 950,000 xe/năm vào năm 2026.
Trong năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành quy hoạch chung Khu kinh tế ven biển phía nam Hải Phòng và điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Thành phố cũng khẩn trương triển khai các dự án đầu tư hạ tầng tại các khu công nghiệp mới như Tiên Thanh, Xuân Cầu, Nam Tràng Cát, Tràng Duệ 3, Nomura-Hải Phòng (giai đoạn 2) và Vinh Quang (giai đoạn 1).
Các tập đoàn, doanh nghiệp Vương quốc Bỉ thăm Khu Công nghiệp Deep C Hải Phòng.
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, tầm quan trọng của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và đề nghị các ngành, các địa phương ban hành kế hoạch, chương trình hành động nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và hiệu quả trong lĩnh vực này, coi đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thành phố.
Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính với tinh thần quyết tâm cao. Đây là việc lớn, rất hệ trọng, cần đặc biệt quan tâm.
PHẠM QUÂN