Một góc Khu công nghiệp Mai Sơn.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết: Khu công nghiệp Mai Sơn có quy mô 150 ha, trong đó, giai đoạn I là 63,7 ha, giai đoạn II là 86,3 ha. Đến tháng 6/2025, KCN Mai Sơn đã thu hút được 8 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1.270 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy giai đoạn I đạt khoảng 60%. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý đang phối hợp với các đơn vị hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng lớn.
Ngay sau khi được chấp thuận chủ trương, Công ty CP chế biến nguyên liệu thực phẩm BHL Sơn La đã khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường và khởi công nhà máy chế biến tinh bột biến tính BHL Sơn La vào tháng 2/2025. Nhà máy có công suất 90.000 tấn sản phẩm/năm, tương đương 300 tấn sản phẩm/ngày đêm, tổng vốn đầu tư trên 244 tỷ đồng.
Bà Chử Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La, thông tin: Sau 4 tháng thi công, dự án đã cơ bản hoàn thành nhà xưởng, nhà điều hành, hệ thống cấp nước sạch, phòng cháy chữa cháy, đang tiếp tục lắp đặt máy móc, hoàn thiện bể xử lý nước thải, hệ thống điện và thoát nước. Chúng tôi đang huy động nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ và khánh thành nhà máy trong tháng 9/2025 như cam kết với tỉnh.
Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy, Công ty cổ phần sản xuất thương mại đầu tư VFI, đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự án Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy do Công ty cổ phần sản xuất thương mại đầu tư VFI làm chủ đầu tư, sau 120 ngày thi công, đến nay, đạt hơn 80% khối lượng xây dựng. Dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 8 và sẽ lắp đặt dây chuyền từ giữa tháng 8/2025.
Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến nông sản Mavin Mai Sơn do Công ty TNHH Mavin Mai Sơn làm chủ đầu tư có tổng vốn hơn 350 tỷ đồng. Dự án gồm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 200.000 tấn/năm và nhà máy chế biến nông sản (ngô, sắn, cám gạo...) công suất 300.000 tấn/năm. Hiện nay, doanh nghiệp đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để khởi công trong tháng 8/2025.
Dây chuyền chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Mavin Mai Sơn, chia sẻ: Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp. Mục tiêu hoàn thành dự án đúng tiến độ và đưa vào sản xuất từ năm 2026.
Ngoài các dự án đã được cấp chủ trương, nhiều nhà đầu tư lớn khác đang khảo sát như: Công ty TNHH Dream Plastic (Hàn Quốc), Công ty VINA KI Global (Hàn Quốc), Công ty TNHH Risuntek Việt Nam (Trung Quốc)... Nhu cầu lao động cho các dự án hiện tại và tương lai ước tính khoảng 1.000 - 1.500 người.
Hiện nay, KCN Mai Sơn giai đoạn I vẫn còn khoảng 17,7 ha chưa có mặt bằng sạch, trong khi nhu cầu đầu tư đã vượt diện tích hiện có. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với xã Chiềng Mung thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận của các hộ sớm bàn giao mặt bằng còn lại để hoàn thiện hạ tầng KCN. Thường xuyên kiểm tra hiện trường, giám sát tiến độ, chất lượng thi công từng dự án; rà soát các hạng mục xây dựng, môi trường, an toàn lao động để kịp thời phát hiện và xử lý vướng mắc. Phối hợp đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật chung của KCN về giao thông, cấp điện, cấp nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đảm bảo đồng bộ với tiến độ xây dựng của các doanh nghiệp thứ cấp.
Mô hình Tổ hợp Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến nông sản Mavin Mai Sơn, Công ty TNHH Mavin Mai Sơn.
Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục rà soát thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa tại chỗ” đối với các thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án. Đôn đốc nhà đầu tư và nhà thầu tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn lao động; phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất để đảm bảo chất lượng thi công và giảm thiểu rủi ro.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước, đóng góp thiết thực vào phát triển công nghiệp, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2025-2026.
Bài, ảnh: Minh Thu