Dạy thêm miễn phí cho học sinh trong trường học: Quy định liệu có khả thi?

Dạy thêm miễn phí cho học sinh trong trường học: Quy định liệu có khả thi?
6 giờ trướcBài gốc
Ba nhóm đối tượng học sinh gồm: Nhóm có kết quả học tập môn học cuối kỳ chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp (lớp 9, 12) tự nguyện đăng ký ôn luyện theo kế hoạch của nhà trường. Kinh phí tổ chức dạy thêm lấy từ ngân sách. Theo Bộ GD&ĐT, việc này nhằm hạn chế tình trạng học sinh dù không muốn vẫn phải học thêm, hướng tới "trường không có học thêm, dạy thêm". Tuy vậy, nhiều ý kiến băn khoăn việc dạy thêm miễn phí, không thu tiền học sinh liệu có “làm khó” các nhà trường?
Ngân sách hạn hẹp vẫn là bài toán khó đối với các nhà trường trong việc triển khai dạy thêm miễn phí. Ảnh minh họa
Mặc dù ngày 14/2, Thông tư 29 mới chính thức có hiệu lực thi hành song tại một số thành trên cả nước, nhiều trường học đã cho học sinh nghỉ học thêm tại trường ngay từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 vì theo quy định mới, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ được thực hiện với 3 nhóm đối tượng, không được triển khai đại trà như trước.
Theo các nhà trường, đây là thời điểm bắt đầu học kỳ II, dù có cố dạy tới ngày 14/2 rồi dừng theo quy định thì cũng không hiệu quả. Tại Hà Nội, nhiều trường THCS đã thông báo dừng dạy thêm, học thêm ngay từ trước Tết song cũng có một số trường vẫn tổ chức bán trú nên tiếp tục duy trì việc dạy 2 buổi 1 ngày và chờ hướng dẫn mới của Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT.
Thực tế cho thấy, các trường THCS và THPT vẫn tổ chức dạy thêm tại trường vào buổi chiều từ lâu do học sinh chỉ học một buổi mỗi ngày. Mức thu đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trong trường ở hầu hết các địa phương đều rất thấp nếu so với việc phụ huynh phải cho con đi học thêm ở ngoài tại các trung tâm.
Điều này mang lại một số lợi ích cho học sinh như: Đáp ứng nhu cầu học thêm với chi phí rẻ, an toàn cho học sinh; nâng chất lượng giáo dục; tăng nguồn thu cho trường để trang trải chi phí cho nhiều hoạt động ngoài ngân sách; tăng thu nhập cho giáo viên. Tuy nhiên, với quy định tại Thông tư 29, việc dạy thêm trong nhà trường chỉ được thực hiện với 3 nhóm đối tượng học sinh và không được thu tiền đã khiến phụ huynh và các trường lo lắng.
Chị Nguyễn Thúy Hà ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: Trong nhiều năm qua, gia đình chị đều đăng ký cho con học thêm tại trường buổi chiều. Mức học phí rẻ hơn rất nhiều so với trung tâm bên ngoài, chưa kể, gia đình có thể yên tâm về chất lượng dạy học khi con được học với chính những thầy cô trên lớp.
Theo chị Hà, với hầu hết các gia đình bố mẹ phải đi làm cả ngày như hiện nay, rất khó để quản lý con buổi chiều. Gửi con đi học thêm ở trường vừa để con có kiến thức, vừa để nhà trường kiểm soát, tránh việc các cháu “cắm mặt” vào máy tính hoặc chơi điện tử. Nếu sau 14/2, các trường dừng tổ chức dạy thêm buổi chiều, chị sẽ phải tìm trung tâm để con đi học dù chi phí học thêm chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với ở trường.
Hiệu trưởng một trường THCS tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) cũng cho biết: Hiện nay, các trường công lập không có nguồn thu đáng kể nào ngoài ngân sách nên sẽ rất khó tổ chức dạy thêm miễn phí. Nhà trường mong sớm có hướng dẫn cụ thể của ngành giáo dục về vấn đề này.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, ngân sách hạn chế là thách thức lớn với nhiều trường học. Nếu các chi phí cơ bản không được đảm bảo, trường học rất khó có thể duy trì được các hoạt động hỗ trợ giáo dục ngoài giờ. Nhưng ngược lại, việc dạy thêm miễn phí trong nhà trường nếu được triển khai sẽ tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, đảm bảo học sinh khó khăn hoặc cần bồi dưỡng năng lực được hỗ trợ mà không bị hạn chế bởi điều kiện kinh tế. Vì vậy, các trường nên khắc phục bằng cách chủ động, sáng tạo trong huy động nguồn lực xã hội, kết hợp với chính sách động viên giáo viên để duy trì và nâng cao chất lượng. Ngoài ra, cơ quan chức năng tại các địa phương cần hỗ trợ các trường về nguồn lực và tài chính…
Chia sẻ tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW, Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết:
Thông tư 29 quán triệt 5 nội dung phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019 và chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018; hình thành khả năng tự học, xây dựng xã hội học tập suốt đời; học thêm không ảnh hưởng đến học chương trình phổ thông chính khóa trong nhà trường như không cắt xén, trùng lắp; phù hợp lợi ích của học sinh, không ép buộc học sinh học thêm bất cứ hình thức nào; từng bước hình thành phương pháp tự học, thói quen tự học của học sinh. Ngoài ra, quy định học thêm tại Thông tư còn nhằm giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và ngành giáo dục bởi thầy cô tâm huyết, chân chính, đủ năng lực không bao giờ có hành vi ép buộc học sinh học thêm.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT không cấm nhà giáo dạy thêm mà chỉ cấm những hoạt động dạy thêm không đúng quy định. Quan điểm của Bộ là trong các trường công lập, giáo viên không dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh. Ở trong trường công lập có 3 đối tượng được bổ trợ kiến thức (không phải học thêm): Phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh thi cuối cấp.
Trách nhiệm của Sở GD&ĐT, nhà trường là đảm bảo tất cả học sinh thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT phải đạt chuẩn kiến thức. Học sinh nào chưa đạt phải được bổ trợ để đạt. Do vậy, Bộ GD&ĐT khuyến khích Sở GD&ĐT tham mưu cho tỉnh hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia dạy bổ trợ kiến thức cho 3 đối tượng học sinh ở trong trường công lập. Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Văn phòng Thủ tướng có công điện gửi các tỉnh thực hiện vấn đề này, trong đó có nội dung UBND các tỉnh/thành phố bố trí kinh phí nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo Báo điện tử Công An Nhân Dân
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/dien-dan/202502/day-them-mien-phi-cho-hoc-sinh-trong-truong-hoc-quy-dinh-lieu-co-kha-thi-1033826/