Sản phẩm STEM của học sinh tham gia hội thảo Giáo dục STEM “Khơi nguồn sáng tạo”.
Hội thảo Giáo dục STEM "Khơi nguồn sáng tạo" có sự tham gia của ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT); ông Nguyễn Văn Khởi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; lãnh đạo Sở GD&ĐT; giáo viên cấp tiểu học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Hội thảo nhằm đánh giá việc thực hiện giáo dục STEM tại các trường học cũng như tạo điều kiện để giáo viên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động giáo dục STEM cấp tiểu học khu vực ĐBSCL.
Đại biểu tham dự Hội thảo Giáo dục STEM “Khơi nguồn sáng tạo”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng đổi mới giáo dục, linh hoạt áp dụng đa dạng phương pháp giảng dạy, trong đó giáo dục STEM được quan tâm đặc biệt.
Từ năm học 2018 - 2019, địa phương đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về việc xây dựng mô hình giáo dục STEM cho học sinh phổ thông.
"Việc đưa STEM vào giảng dạy bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức khoa học, kỹ thuật mà còn biết cách áp dụng vào thực tiễn. Đồng thời, các em được rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, tổng hợp, làm việc nhóm và phát triển tư duy sáng tạo trong học tập", theo ông Hồng.
Học sinh tham quan và trải nghiệm.
Hội thảo giới thiệu kết quả triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học tại tỉnh Sóc Trăng, với 100% cơ sở giáo dục đã áp dụng vào giảng dạy, tổ chức trải nghiệm và xây dựng góc STEM. Sở GD&ĐT phối hợp Sở KH&CN thí điểm tại một số trường, hướng đến thực hiện đại trà từ năm học 2024 - 2025.
Đại biểu các tỉnh chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục STEM, trong khi doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ giảng dạy.
Theo ông Trần Thanh Danh - Phó Giám đốc Tổ chức Giáo dục FPT tại Cần Thơ, Giám đốc Dự án Trường Phổ thông liên cấp FPT Sóc Trăng, hệ thống Trường Phổ thông FPT (FPT Schools) là một trong những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng giáo dục STEM vào giảng dạy.
Hội thảo lần này nhằm tạo cơ hội để các thầy cô giáo và chuyên gia giáo dục STEM trao đổi kinh nghiệm, cập nhật phương pháp giảng dạy tiên tiến.
Ông cho biết thêm, giáo dục STEM là một xu hướng tất yếu, giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và tinh thần chủ động trong học tập. Dự án Trường Phổ thông liên cấp FPT Sóc Trăng mong muốn đóng góp vào sự phát triển giáo dục STEM tại địa phương, giúp học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ và khoa học từ sớm...
Cán bộ, giáo viên tham quan và trải nghiệm giáo dục STEM tại hội thảo.
Hội thảo giáo dục STEM “Khơi nguồn sáng tạo” không chỉ là dịp đánh giá thực trạng giáo dục STEM tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mà còn tạo cơ hội để các đơn vị giáo dục chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục STEM.
Qua đó, hội thảo hướng đến sự phát triển bền vững, góp phần xây dựng môi trường học tập sáng tạo và hiện đại cho học sinh.
Quốc Ngữ