Ảnh minh họa.
Đặc trưng của thơ Hàn là cảnh mộng tình chân với khuynh hướng tượng trưng siêu thực. Bài thơ này là một mảnh ghép hoàn thiện bức tranh siêu thực ấy. Xin chia sẻ cùng quý thầy cô, quý phụ huynh và các em học sinh một cách cảm nhận mảng thơ tượng trưng có yếu tố siêu thực này.
Có người nhận xét tinh tế về đời và thơ Hàn Mặc Tử: “Nếu các nhà thơ mới chỉ mới so với các nhà thơ cũ thì Hàn Mặc Tử mới ngay trong làng Thơ mới”. “Đây thôn Vĩ Dạ”, bài thơ có nhiều cảnh chân thực nhưng, còn có chất liêu trai ở hình ảnh mộng ảo mà rất đỗi gần gũi: Thuyền và thuyền chở trăng, sông và dòng sông trăng, áo trắng và áo em trắng quá, trắng tinh khôi khiến anh mơ màng, mơ ước được chạm mà càng xa cách.
Mộng ảo vì khu vườn thôn Vĩ mơn mởn, long lanh, lung linh, lộng lẫy nắng lộng nắng lan tỏa đến từng ngọn cỏ, cành cây, từng đường gân kẽ lá của khu vườn thôn Vĩ. Cảnh rất đời thường, rất tự nhiên ấy lại được tái hiện lại bằng kí ức khiến cảnh ấy bớt trong trẻo vài phần. Trong cái trong trẻo của thiên nhiên ban mai nắng vàng, tỏa rạng khắp vườn ấy, lại có sự bí ẩn bởi hình ảnh con người thôn Vĩ mờ mờ ảo ảo, ẩn giấu vẻ đẹp e ấp, kín đáo gợi chất Huế trầm mặc, Huế thâm trầm, khiến cho Vĩ Dạ thôn mộng mơ và nên thơ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
Trung tâm của bức tranh thôn Vĩ phải là con người, người thôn Vĩ tạo nên cái đẹp hài hòa giữa ngoại cảnh và tâm tình. Con người tôn cảnh, hay cảnh tôn người. Chẳng phải con người thôn Vĩ đã lấp ló sau vẻ đẹp xanh tươi, mỡ màng gợi cuộc sống trù phú của con người nơi đây đó sao. Hẳn, chủ nhân khu vườn thôn Vĩ phải yêu thiên nhiên, phải gắn bó chan hòa với cỏ cây vườn tược, và hẳn họ cũng có óc thẩm mỹ lắm, mới chăm sóc được khu vườn mà cây cối được đón nắng mai khôi nguyên như thế. Vì đâu đó ngoài kia, biết bao khu vườn khác bị những nhà máy, hay tường nhà cao tầng che mất ánh phương đông ban mai.
Nhưng, vẻ đẹp thực sự của bài thơ là ở những hình ảnh thơ gần gũi mà xa vời, tự nhiên như ngày và đêm mà trở nên lung linh, huyền hoặc. “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?” là một trong những hình ảnh thơ đến thế là cùng. Thơ vì thi nhân sáng tạo chứ không tái tạo. Thi nhân mần nghệ thuật chứ không mần thơ. Sáng tạo chưa đủ. Phải là sáng tạo độc đáo mới chính xác và tương xứng với hình ảnh thơ rất tương xứng với nhà thơ mới ngay trong làng Thơ mới. Thuyền, bến, sông, hay trăng đều là hình ảnh bình thường, quen thuộc, gần gũi trong thơ cổ.
Thuyền, bến, sông, trăng xưa nay là bạn của thi sĩ. Ca dao có những hình ảnh trăng đẹp như tình chàng trai, dù tình một phía:
“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Hay:
“Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre vừa đủ lá đan sàng nên chăng?
Chàng hỏi thì thiếp xin thưa,
Tre vừa đủ lá nên chăng hỡi chàng?”.
Cô gái trong bài ca dao trên trao quyền quyết định chuyện trăm năm cho chàng trai, vì nàng yêu chàng trai, hay vì chàng đêm trăng thanh đã mềm hóa lòng nữ nhi? Có lẽ chàng trai tinh tế, vì anh ta biết chọn đúng thời điểm để thổ lộ chuyện hệ trọng. Vậy, ánh trăng trong thơ cổ là duyên cớ tỏ tình.
Đến thơ trung đại, Nguyễn Du mượn ánh trăng làm minh chứng cho đêm thề nguyền của Kiều - Kim “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song”.
Và rồi Thơ mới, Xuân Diệu xem tiệc trăng rằm là bi kịch cô đơn, cô độc của nàng kỹ nữ đáng thương và đáng yêu “Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa/ Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi/ Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời/ Khách không ở, lòng em cô độc quá!”.
Đến Thơ mới, thi sĩ phải lòng trăng là Hàn Mặc Tử, đã biến hình ảnh quen thuộc ấy thành sản phẩm của riêng mình, thành phương tiện để gửi gắm tình riêng, niềm riêng.
Riêng mà chung mới tài. Cái riêng ấy là thuyền chở khách trên sông hóa thành thuyền đời, thuyền tình. Biến hình ảnh sông Hương, đêm trăng, con thuyền, bến sông thực tế thành dòng sông đêm trăng chở đầy trăng, khiến người đọc rơi vào thế giới tưởng tượng kì ảo, tự hỏi: Trăng mọc dưới nước hay mọc trên trời? Hẳn thi sĩ đã rất yêu trăng, rất ngạc nhiên với trăng mới truyền cái ngạc nhiên ấy đến bạn đọc bao thế hệ. Sáng tạo có thể là tạo ra cái mới, sáng tạo cũng có thể là làm mới những điều đã cũ. Hàn Mặc Tử làm được cả hai. Thiên tài chăng!
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”?
Từ dòng sông thực của lòng Huế, hay con sông quê nào đó hóa thành sông trăng vằng vặc, dằng dặc, sáng quắc đến huyền hoặc, thật ma mị. Nhưng cái ma mị ấy dễ hiểu thôi. Những đêm trăng và bệnh nan y của thi nhân – bệnh do vi khuẩn Hansen có mối quan hệ ma mị.
Nếu những ngày trăng trầm tích, bệnh có thể chỉ mẩn ngứa, nặng thì lở loét, nhưng tuần trăng, nhất là ngày trăng sáng, chàng thi sĩ mang virus quái quỷ ấy chịu thêm bao đau đớn, như rã rời có lúc, gân co rút đến co quắp, thi sĩ nhiều lần thốt lên “Thịt da tôi rượng rần và tê điếng/ Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên”.
Cảnh ngộ ấy đau đớn chi bằng nhà thơ bị cách ly khỏi mái ấm, bè bạn của mình. Trăng hóa thành bạn, thành tình nhân, thành tri kỉ của Hàn như một cứu cánh. Nó trở nên lóng lánh, long lanh, lung linh, huyền hoặc.
Ảnh minh họa.
Trước đêm trăng, thi sĩ đã đón trăng từ chiều, nhận thấy: Gió nhè nhẹ thổi, mây nhẹ nhàng bay, dòng nước lững lờ trôi, hoa bắp khẽ khàng lay. Tất cả đôi bên bờ sông trăng dịu dàng, yên tĩnh, êm đềm.
Cảnh bình yên ấy lại chứa điều không yên bình: Tương phản giữa gió và mây lại tương đồng với dự cảm về cảnh ngộ của thi nhân. Buồn! Nếu gió là anh, mây là em thì anh và em đang chia lìa và sẽ chia lìa: “Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi/ Tình nghĩa đôi ta có thế thôi/ Đã quyết không mong sum họp mãi/ Bận lòng chi nữa lúc chia phôi” như nỗi buồn của thi nhân Thế Lữ.
Nếu gió là linh hồn anh thì mây là thể phách anh. Thể xác anh thì đau đớn, muốn giải thoát, linh hồn anh thì khao khát bám riết vườn trần. Cả hai cũng như rã rời, như tách bạch: “Gió theo lối gió, mây đường mây”. Dự cảm chia lìa có trong nhiều bài thơ khác của Hàn thi sĩ, “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Hàn cũng bỏ đám xuân xanh, về với thánh nữ đồng trinh như linh cảm, dự cảm trong bài “Mùa Xuân chín”. Và, “Một mai kia ở bên khe suối ngọc/ Với sao sương anh nằm chết như trăng/ Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc/ Đến thương anh và gửi vết thương tâm”.
Ngoại cảnh là tâm cảnh. Ngoại cảnh phi lý lại hợp logic tâm lý của thi nhân. Chính anh từng viết, “người thơ phong vận như thơ ấy”!
Hoa bắp khẽ lay kia cũng ám ảnh lắm. “Khẽ lay”, chỉ nhẹ nhàng lay thôi, nhưng từ lay đến rụng, đến rời, đến hóa hư vô vốn không khoảng cách. Hình ảnh thơ gợi buồn đến thế là cùng. Càng buồn hơn, khi người thơ ấy đang ở giữa thời trai trẻ, đang phải cảm thấy sự chia lìa ngay trên từng đường gân thớ thịt, ngay trong từng tế bào mình. Buồn hơn cả buồn là chàng thi sĩ ấy đang khao khát kết nối hơn bao giờ hết. Nhưng…
Thế nên, hình ảnh trăng trong thơ Hàn thật chứa nhiều ý nghĩa biểu tượng. Trăng có về kịp tối nay không, nếu không thì không kịp mất, tiếc quá. Tiếc hơn là đây có thể là cuộc chia lìa vĩnh viễn, nên đau. Yêu trăng đến thế mà không kịp nhìn nhau lần cuối, dù chỉ chào nhau trong lặng im thôi cũng khiến thi nhân thổn thức.
Thi sĩ hi vọng cuộc hội ngộ tối nay, là hạnh ngộ và sẽ kịp. Thi nhân còn khát khao bỏng cháy, không chỉ thuyền chở trăng về kịp tối nay mà tối mai, tuần trăng sau nữa. Nên, từ “kịp” và câu hỏi tu từ cùng đại từ phiếm chỉ “ai” trong câu thơ “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?” là hình ảnh rất Hàn Mặc Tử, gợi tâm trạng đau đớn, hi vọng lại vừa chờ mong khắc khoải của thi nhân. Ám ảnh nhất trong câu thơ là, nếu thuyền chở trăng không chở trăng về kịp tối này thì, có thể….
…Trăng, thi sĩ chờ trăng hay khao khát tri kỉ tri âm?
Hình ảnh sáng tạo, cách lạ hóa trong Thơ mới không ít. Nhưng đến thơ Hàn Mặc Tử thì ngay những hình ảnh thực nhất, đời thường nhất, gần gũi nhất cũng trở nên mờ ảo. Cái mờ ảo ấy tạo nên bí ẩn thơ trong hồn thơ bí ẩn Hàn Mặc Tử “Mơ khách đường xa khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra”. “Mơ”, giấc mơ hay mơ màng? Mỗi cách hiểu đều có cái hay.
Mỗi bạn đọc hãy tưởng tượng, khả năng vốn có để cảm thấu cái hay đó. Dù hiểu cách nào thì điệp ngữ “khách đường xa” cũng nhấn mạnh điều gì đó xa xôi, cách trở, khó nắm bắt. Khách đường xa ấy có thể là cô gái thôn Vĩ, có thể là người tri kỉ thấu hiểu cho cảnh ngộ của Hàn mà vẫn yêu Hàn, vị ấy cũng có thể là Trăng, như một thiên thần ban phát phép màu, như một tri kỉ tri âm sẻ chia cho những điều Hàn muốn chia sẻ.
Dường như, nhân vật trữ tình chờ mong hi vọng khách dù xa xôi cách trở. Xa xôi quá, không gian thôn Vĩ nơi cố nhân đang ở với Quy Nhơn vời xa, thời gian cũng vời xa, đã bao năm từ ngày “Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá/ Dám ôm hồn cúc ở trong mơ” như trong bài thơ “Hồn Cúc” anh đã thổ lộ tình yêu thầm kín. Trong mơ anh mới được có một giấc mơ đẹp với Hoa Cúc.
Dở dang nào mà không thành thơ!
Kí ức ấy xa vời quá, anh vẫn mơ thấu cảm áo trắng em, dù cho “áo em trắng quá”. Từ mong mỏi thuyền chở trăng hãy về với anh, dù chỉ tối nay thôi, đến mơ ước thấu cảm em và được em thấu cảm “áo em trắng quá nhìn không ra” là một logic tâm hồn. Đó là logic của niềm trông mong, chờ đợi đến khắc khoải, và thực tế chờ đợi ấy chỉ là ảo ảnh, nên anh gặp thiên thần áo trắng trong giấc mơ.
Áo em trắng quá, anh muốn thấu suốt, tình em trong sáng quá hay kín đáo quá khiến anh càng muốn hiểu càng không thể hiểu, nên đến bây giờ, anh vẫn mơ màng về em như một giấc mơ? Hình ảnh thơ thơ đến thế là cùng!
Không gian trong thơ tượng trưng thường là vườn mộng vườn mơ, nơi chốn của trực giác hơn là tri giác, của tình cảm hơn là lý trí, của tâm cảnh hơn là vị trí cụ thể. Đây thôn Vĩ Dạ cũng thế. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà” là không gian ma mị, tâm tưởng, huyền hoặc như thế. “Ở đây” có hơn một cách hiểu, có thể là ở Quy Nhơn nơi nhà thơ đang dưỡng thương. “Ở đây” cũng có thể là trong tâm tưởng của thi nhân, còn có thể hiểu là khi anh về với Chúa rồi thì anh vẫn… hoài mang.
Hiểu cách nào cũng chạm ngưỡng càng ảo mờ khó thấy khó chạm khó làm chủ ngoại cảnh (thiên nhiên, con người) thì càng rõ tấm chân tình của em. Ngay cả khi em ơ hờ thậm chí phụ bạc thì anh vẫn đậm đà, ngay cả em không biết tình anh thì anh vẫn chân tình với em. Đó chính là một tấm chân tình đáng trân trọng. Khi mờ ảo về danh phận, mờ ảo về vị thế là lúc hiểu rõ nhân tình. Dù sao, mọi thứ vụt khỏi tầm tay anh thì trong tim anh vẫn níu giữ điều anh cho là chân giá trị.
Và rồi…
Cảnh mộng ảo ấy dù anh càng chờ đợi, càng cố hiểu càng mờ ảo “nhìn không ra” khiến anh càng thiết tha “Ai biết tình ai có đậm đà”. Không cần biết em có đậm đà với anh không, anh thì vẫn. Tưởng sau khi chờ mong khắc khoải, đến gặp nàng áo trắng cả trong giấc mơ, thì anh mệt lả, buông xuôi, hoặc anh trách móc hờn dỗi như logic thông thường. Anh thì khác, anh vẫn vẹn nguyên một tấm chân tình sau em mộng ảo ấy: Anh biết tình anh vẫn đậm đà, mặc cho tình em bí ẩn như màu trắng ám ảnh kia…
Khổ thơ kết, âm “a” lặp lại: Khách đường xa…, nhìn không ra…, tình ai có đậm đà…là âm tiết mở, vang. Bài thơ kết thúc mà như mở ra, vang và tấm chân tình đậm đà của thi nhân thiết tha.
Cái hay của bài thơ ở cảnh mộng ảo, tấm chân tình, hay tình riêng của Hàn thi sĩ mà hợp với niềm chung của mọi người, muôn thờ, muôn đời, là: Khao khát thấu hiểu tấm lòng của mọi người có đậm đà, sâu sắc với mình hay không. Nhưng điều đó là một bí ẩn, nên “ai biết tình ai có đậm đà” như một lời khẳng định lòng tôi luôn thiết tha, chân tình, sâu đậm với cuộc đời tôi đang sống, dù cho với người tôi chỉ là thoáng qua…
Thiết tha với đời đến thế là cùng! Dễ hiểu thôi, còn ai yêu đời, yêu người hơn người đang cảm nhận được sự chia lìa ngay trên từng tế bào mình. “Đây thôn Vĩ Dạ” được khơi nguồn cảm hứng từ niềm vui bất ngờ liên quan đến tình cảm đơn phương, thầm kín của thi sĩ với cô gái Vĩ Dạ.
Cơ duyên ấy tạo nên bài thơ có nhiều hình ảnh ảo ảnh, cảnh mộng ảo như thuyền trăng, sông trăng, cô em áo trắng… tạo thành bí ẩn thơ trong hồn thơ bí ẩn Hàn Mặc Tử. Đó là cái duyên của thơ Hàn khiến bạn yêu thơ lưu luyến.
Trần Thị Thanh (Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ, Tân Uyên, Bình Dương)