ĐBQH. Bùi Hoài Sơn khẳng định, sáp nhập không phải để "trở lại như cũ" ở tầm vóc mới, mà là để “trở thành mới” một cách thực sự trong cách quản lý, cách phục vụ dân và cách hiện thực hóa giấc mơ phát triển. (Nguồn: Quốc hội)
Ngày 30/7, cả nước công bố Nghị quyết, Quyết định sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, chỉ định nhân sự. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, có tính lịch sử của đất nước, khi giang sơn được sắp xếp lại không chỉ để gọn hơn mà còn để phát triển mạnh mẽ hơn. Đây cũng được xem là bước chuyển mình lịch sử của đất nước, là khởi đầu cho một vận hội phát triển mới, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và bền vững.
Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ĐBQH. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội về ý nghĩa chiến lược của sự kiện lịch sử này.
Bước chuyển mình lịch sử
Từ ngày 1/7, các tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chính trị - hành chính của đợt sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính lần này? Vì sao có thể coi đây là một bước chuyển mình mang tính lịch sử của đất nước?
Tôi thấy, chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại của đất nước ta, một cuộc sắp xếp đơn vị hành chính lại diễn ra ở quy mô lớn đến vậy với 23 tỉnh, thành, hàng nghìn xã, phường được hợp nhất, tổ chức lại một cách bài bản. Đây không chỉ là quyết định về địa giới hành chính, mà là một sự kiện chính trị có ý nghĩa chiến lược, thể hiện tầm nhìn xa và tinh thần cải cách mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta. Tôi cho rằng, đây chính là bước chuyển mình lịch sử không phải vì cái tên địa phương thay đổi, mà bởi vì chúng ta đã dũng cảm đặt lợi ích dài hạn, lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên cảm xúc địa phương, để mở đường cho một mô hình quản trị mới: tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và kiến tạo phát triển.
Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên mà thể chế phải đồng hành cùng khát vọng hùng cường. Sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là “thu gọn giang sơn” cho dễ quản lý, mà là cách để chúng ta tái cấu trúc hệ thống quản lý, giảm tầng nấc trung gian, tối ưu hóa nguồn lực, mở ra không gian mới để tư duy phát triển lan tỏa. Khi giang sơn được sắp xếp lại cho hợp lý hơn, dòng chảy của đổi mới sẽ được khơi thông, năng lượng sáng tạo sẽ được khơi dậy, từ đó mục tiêu về một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, bền vững sẽ gần hơn bao giờ hết.
Đây là một dấu ấn lịch sử bởi nó đặt nền móng cho một tương lai dài lâu. Một cuộc cải cách hành chính chưa từng có tiền lệ, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ, một xã hội hiệu quả, một quốc gia vươn mình trong dòng chảy toàn cầu. Tôi tin, sau sự kiện này, người dân sẽ không chỉ nhớ những địa danh cũ với sự trân quý, mà sẽ cùng nhau viết nên những trang mới về một quê hương được mở rộng không gian phát triển, được củng cố niềm tin và được tiếp thêm khát vọng vươn lên.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính không chỉ là sắp xếp lại địa giới mà còn tác động trực tiếp đến tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và đời sống người dân. Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất đặt ra trong quá trình thực hiện?
Không ai có thể đánh giá thấp những thách thức mà quá trình sáp nhập mang lại bởi đây không chỉ là bài toán kỹ thuật về địa giới, mà là một cuộc đại chỉnh lý hệ thống hành chính, can dự sâu vào đời sống tổ chức và tâm lý xã hội. Từ việc hợp nhất bộ máy, sắp xếp nhân sự, phân bổ lại nguồn lực cho đến điều hòa các phong tục, tập quán, cách thức điều hành và cả niềm tự hào địa phương, tất cả đều cần sự thấu cảm, trí tuệ và bản lĩnh.
Thách thức đầu tiên và dễ thấy nhất chính là tổ chức lại đội ngũ cán bộ, ai sẽ giữ vị trí gì, vai trò của ai được giữ lại, ai sẽ được bố trí công tác khác. Đây không chỉ là vấn đề về chức danh, mà còn là câu chuyện về công bằng, minh bạch, động lực và sự đoàn kết nội bộ. Nếu không xử lý khéo léo, dễ dẫn đến tâm lý hụt hẫng, hoang mang hoặc thậm chí là mất ổn định tạm thời trong đội ngũ. Do đó, phải đặt yếu tố con người ở trung tâm để mỗi cán bộ, công chức hiểu rằng, họ không bị “giảm giá trị” mà đang được “tái định vị” trong một tầm nhìn lớn hơn.
Thứ hai, quản lý và ổn định đời sống người dân trong giai đoạn đầu. Khi tên xã, tên tỉnh thay đổi, khi đơn vị hành chính mới hình thành sẽ nảy sinh nhiều câu hỏi: Giấy tờ cũ còn hiệu lực không? Trường học có thay đổi tên không? Bệnh viện, trung tâm hành chính chuyển đi đâu? Đó là những băn khoăn rất thật và rất con người. Nếu không có sự chuẩn bị tốt về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin và nhất là truyền thông, thì người dân dễ cảm thấy bối rối, khó chịu, thậm chí lo lắng.
"Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên mà thể chế phải đồng hành cùng khát vọng hùng cường. Sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là 'thu gọn giang sơn' cho dễ quản lý, mà còn là cách để chúng ta tái cấu trúc hệ thống quản lý, giảm tầng nấc trung gian, tối ưu hóa nguồn lực, mở ra không gian mới để tư duy phát triển lan tỏa".
Thách thức thứ ba thầm lặng nhưng lâu dài hơn là làm sao để thống nhất văn hóa hành chính và tạo nên một bản sắc mới cho địa phương sáp nhập. Mỗi vùng đất đều có niềm tự hào riêng, phong cách lãnh đạo riêng, thậm chí là cách giao tiếp, xử lý công việc riêng. Khi ba thành một, bốn về một mối, sự va chạm văn hóa là điều khó tránh. Nhưng nếu vượt qua được, chính điều này sẽ là điểm cộng bởi nơi nào biết kết hợp hài hòa tinh hoa của các vùng đất, nơi đó sẽ có nền tảng phong phú để phát triển bền vững.
Vì vậy, thách thức là có thật nhưng nếu chúng ta nhìn nhận nó bằng tinh thần cầu thị, trách nhiệm và sáng tạo, thì mỗi thách thức sẽ trở thành chất xúc tác, giúp bộ máy mới vận hành trơn tru hơn, người dân an tâm hơn, và quê hương phát triển bứt phá hơn.
Sáp nhập là thời điểm vàng để cải cách mạnh mẽ thể chế nội bộ từ tư duy lãnh đạo, cách thức điều hành đến cơ chế huy động nguồn lực. (Nguồn: VGP)
Lựa chọn những người đủ tâm, đủ tầm, có tư duy kết nối
Trong bối cảnh mới, việc chỉ định nhân sự có vai trò quan trọng như thế nào trong việc bảo đảm ổn định và thúc đẩy phát triển ở các đơn vị hành chính mới, dưới góc nhìn của ông? Cần chú trọng điều gì để lựa chọn được đội ngũ lãnh đạo phù hợp?
Chúng ta đang đứng trước một cột mốc thay đổi lớn về tổ chức hành chính – nơi mà nhân sự không chỉ là người vận hành bộ máy, mà còn là người kiến tạo tinh thần cho cộng đồng mới được hình thành. Chỉ định nhân sự lúc này không đơn thuần là “phân công công việc”, mà là lựa chọn những người đủ tâm, đủ tầm, có tư duy kết nối, biết làm việc vì cái chung, để giữ cho con thuyền địa phương mới vượt qua giai đoạn đầu còn nhiều xáo trộn, chông chênh.
Trong thời khắc chuyển giao, lãnh đạo không chỉ cần bản lĩnh mà còn cần sự bao dung, tinh tế. Họ phải là người dám "đứng mũi chịu sào" nhưng cũng biết lắng nghe để đoàn kết đội ngũ; biết truyền cảm hứng nhưng cũng đủ bình tĩnh để điều hòa những khác biệt về văn hóa, cách làm và tâm lý giữa các địa phương sáp nhập.
Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết” (ngày 29/6/2025): “Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là tấm gương về giữ gìn đoàn kết nội bộ, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân". Chính vì vậy, việc lựa chọn nhân sự cần dựa trên tiêu chí không chỉ là năng lực quản lý, mà còn là phẩm chất kết nối cộng đồng, tinh thần phục vụ và khả năng lắng nghe. Đặc biệt, trong thời đại số và hội nhập, cán bộ phải không ngừng học hỏi, đổi mới tư duy, dám thử nghiệm những mô hình quản trị hiện đại, minh bạch, có trách nhiệm giải trình.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý tới tính đại diện vùng miền trong nhân sự lãnh đạo để không địa phương nào cảm thấy bị “mờ nhạt” trong đơn vị hành chính mới. Cán bộ lãnh đạo phải như chiếc cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa người dân với bộ máy chính quyền, giữa giá trị truyền thống và khát vọng hiện đại. Đó là lý do vì sao công tác chỉ định nhân sự lần này phải được làm rất cẩn trọng, công khai, minh bạch, dựa trên nguyên tắc lựa chọn người tài, người vì dân chứ không đơn thuần là sắp đặt theo cơ học.
Chúng ta đang khởi đầu cho một vận hội mới và lãnh đạo chính là người mở cánh cửa đầu tiên. Chỉ khi cánh cửa ấy được mở bằng một đôi tay vững chãi và một trái tim biết hòa hợp, thì hành trình mới có thể hanh thông.
Cơ hội vàng để các địa phương "lột xác"
Sự kiện này không chỉ là “thu gọn” mà còn là “mở rộng” theo nghĩa nâng cao chất lượng quản trị, phát triển toàn diện hơn. Vậy đâu là cơ hội lớn mà các địa phương cần nắm bắt để “vươn mình” mạnh mẽ?
Trong cái nhìn dài hạn, sáp nhập đơn vị hành chính không phải là câu chuyện đóng lại mà là hành trình mở ra. Thu gọn về hình thức, nhưng là để mở rộng về chất lượng, về tầm nhìn, về năng lực tổ chức và khả năng kiến tạo phát triển. Đây là cơ hội vàng để các địa phương “lột xác” từ bộ máy cồng kềnh sang tinh gọn; từ tư duy cục bộ sang hợp lực vùng; từ mô hình hành chính thuần túy sang mô hình phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách chủ động, thông minh.
Thứ nhất, cơ hội lớn nhất nằm ở việc tái thiết bộ máy hành chính theo hướng hiện đại và hiệu quả hơn. Ít tầng nấc hơn, rõ trách nhiệm hơn, quản trị linh hoạt hơn, đó là điều kiện tiên quyết để xây dựng một chính quyền phục vụ, kiến tạo. Các địa phương có thể tận dụng việc sắp xếp để mạnh dạn ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, địa chính, kinh tế - xã hội đồng bộ, từ đó hình thành nên một nền hành chính thông minh, không giấy tờ, không trì trệ.
"Cần đặc biệt lưu ý tới tính đại diện vùng miền trong nhân sự lãnh đạo để không địa phương nào cảm thấy bị 'mờ nhạt' trong đơn vị hành chính mới. Cán bộ lãnh đạo phải như chiếc cầu nối giữa quá khứ và tương lai, giữa người dân với bộ máy chính quyền, giữa giá trị truyền thống và khát vọng hiện đại".
Thứ hai, đây là dịp để các địa phương cấu trúc lại chiến lược phát triển kinh tế, xã hội theo không gian mở rộng hơn. Thay vì từng tỉnh, từng xã tự tìm hướng đi, thì nay là cơ hội để gắn kết lại thành một khối kinh tế quy mô hơn, đa dạng hơn và liên thông hơn. Nông thôn và đô thị có thể kết nối để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp – dịch vụ – công nghiệp; vùng cao và vùng thấp có thể bổ trợ nhau để phát triển du lịch, văn hóa, thương mại. Những địa phương mới có điều kiện để định vị lại thương hiệu, xây dựng bản sắc địa phương trên nền tảng đa dạng hóa, mở rộng dư địa phát triển.
Thứ ba, sáp nhập là thời điểm vàng để cải cách mạnh mẽ thể chế nội bộ từ tư duy lãnh đạo, cách thức điều hành đến cơ chế huy động nguồn lực. Không bị ràng buộc bởi thói quen cũ, các địa phương mới có thể áp dụng ngay các mô hình quản trị hiện đại, học tập từ kinh nghiệm trong và ngoài nước, thử nghiệm các chính sách đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, hạ tầng. Chính sự “mới mẻ” này nếu được tận dụng tốt sẽ trở thành động lực bứt phá.
Thứ tư, đây là cơ hội để khơi dậy tinh thần đoàn kết, niềm tin và khát vọng trong cộng đồng dân cư. Khi địa phương mới được hình thành, mỗi người dân sẽ không còn mang tâm lý “tỉnh tôi", "xã tôi” mà bắt đầu nghĩ tới “chúng ta”, tới một tương lai chung. Chính sự thay đổi ấy về nhận thức và tinh thần là tiền đề quan trọng để tạo nên một cộng đồng phát triển bền vững, vươn lên bằng chính nội lực của mình.
Vấn đề không phải là chúng ta sáp nhập để "trở lại như cũ" ở tầm vóc mới, mà là để “trở thành mới” một cách thực sự trong cách quản lý, cách phục vụ dân và cách hiện thực hóa giấc mơ phát triển.
Viết lại tên quê hương trong một trang sử mới
Vậy để người dân đồng thuận và tích cực tham gia vào quá trình thay đổi này, cần có những giải pháp truyền thông – tuyên truyền, lắng nghe và hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
Sự đồng thuận của nhân dân là điều kiện tiên quyết để thành công bất kỳ cuộc cải cách nào, đặc biệt quan trọng trong một cuộc sắp xếp hành chính quy mô lớn như lần này. Không ai khác, chính người dân là chủ thể trực tiếp bị tác động bởi những thay đổi về địa giới, bộ máy, thủ tục hành chính, thậm chí là tên gọi quê hương. Vì thế, nếu không làm tốt công tác truyền thông, nếu để người dân cảm thấy bị “đặt ra ngoài” tiến trình cải cách, thì những rạn nứt về niềm tin, về tâm lý có thể để lại hệ lụy lâu dài.
Truyền thông phải đi trước một bước không chỉ để “giải thích”, mà để “truyền cảm hứng”. Phải giúp người dân hiểu rằng sáp nhập không làm mất đi bản sắc, mà là cơ hội để cùng nhau xây dựng một bản sắc rộng hơn, mạnh hơn. Phải nói rõ rằng những cái tên thân thuộc không biến mất, mà đang được đặt vào một không gian phát triển lớn hơn, với kỳ vọng cao hơn. Trên hết, phải khơi dậy được tinh thần tự hào, tự tin rằng mỗi người dân đang cùng đất nước bước vào một chương mới, trang sử của đổi mới và khát vọng.
Bên cạnh truyền thông, cần đặc biệt chú trọng lắng nghe cả những tâm tư nhỏ bé nhất. Mỗi địa phương sáp nhập nên thiết lập các kênh đối thoại công khai, cởi mở với người dân không chỉ để trấn an, mà để thực sự thấu hiểu, điều chỉnh những chính sách cho sát với thực tiễn. Chúng ta cần kiên nhẫn và chân thành, bởi niềm tin không thể xây trong một sớm một chiều, nhưng có thể được nuôi dưỡng từ những hành động giản dị: Một thủ tục hành chính được rút ngắn; sự tận tình hướng dẫn, giải thích của cán bộ; sự hỗ trợ đổi lại giấy tờ đối với mỗi người dân...
Hỗ trợ người dân trong giai đoạn chuyển tiếp cũng là điều không thể thiếu. Không nên để bất kỳ ai cảm thấy bị bỏ lại phía sau từ người cao tuổi đến học sinh, từ hộ nông dân đến doanh nghiệp nhỏ. Các chính sách về bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, giao thông… phải được rà soát kỹ lưỡng, cập nhật kịp thời và dễ tiếp cận. Đội ngũ cán bộ ở cơ sở cần được tập huấn tốt, với tinh thần “chính quyền phục vụ”, để biến giai đoạn chuyển đổi thành giai đoạn nâng cao chất lượng phục vụ.
Tôi tin rằng, nếu làm tốt truyền thông, lắng nghe và hỗ trợ, người dân không chỉ đồng thuận mà còn tự nguyện đồng hành. Và khi người dân đã đồng lòng, thì không có gì là không thể. Câu chuyện sáp nhập tỉnh, xã, từ chỗ là một quyết định hành chính, sẽ thực sự trở thành một cuộc cách mạng tinh thần, nơi mỗi người dân cùng nhau viết lại tên quê hương trong một trang sử mới, đầy khát vọng và hy vọng. Đó mới chính là thành công trọn vẹn nhất của cải cách.
Nguyệt Anh