Góp ý nội dung phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá năm 2024, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 cao thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, nếu xét trên thế giới, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới. Trong quý 1-2025, kinh tế tiếp tục tăng 6,93%, đạt mức cao nhất so với quý 1 các năm trong giai đoạn 2020 - 2025, tiếp tục cao nhất khu vực ASEAN (theo sau là Phillippines GDP tăng 5,4%; Indonesia là 4,87%; Singapore đạt 3,8% và Thái Lan là 3,1%).
Đặc biệt, về thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 944,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng cùng năm trước, với con số này sẽ là dư địa rất lớn để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng.
Tuy vậy, theo đại biểu đoàn Hà Nội, tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2025 là mục tiêu ngắn hạn, nên không thể tìm các động lực mới mà vẫn phải dựa vào những động lực hiện hữu đang đóng góp và tăng trưởng hiện nay.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ
Nhấn mạnh 3 động lực truyền thống, gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng ngay trong năm 2025, xuất khẩu đang chịu tác động từ chính sách thương mại đối ứng của Hoa Kỳ và phụ thuộc vào kết quả đàm phán thời gian tới.
Cụ thể, trong thời gian chưa có kết quả toàn diện về chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, nền kinh tế sẽ bị tác động trên 2 phương diện, đó là sản xuất sụt giảm, kéo theo giảm việc làm và thu nhập của người lao động. Ngoài ra, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và giải ngân vốn FDI sẽ giảm, cùng với xuất khẩu giảm sẽ gây áp lực cả lên tỷ giá.
Do vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị tập trung cho những một số giải pháp tức thời, trong đó về xuất khẩu, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đàm phán với Hoa Kỳ, cần tiếp tục giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới ở Trung Đông và châu Âu. Đặc biệt, phải giữ vũng thị trường Trung Quốc, trong đó các mặt hàng nông sản, cần có “bàn tay” dẫn dắt của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất của nông dân nhằm đưa ra hướng dẫn, tiêu chuẩn cũng như thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
“Nhà nước cần áp dụng chính sách “thưởng xuất khẩu” để khuyến khích các doanh nghiệp nhưng không vi phạm quy định tài trợ bán phá giá,” ông Cường nêu ý kiến.
Đặc biệt, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh việc giữ vững thị trường nội địa, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, cần áp dụng chính sách tài khóa mở rộng, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, cụ thể là áp dụng việc giãn thời gian thi hành tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sang năm 2028, đồng thời tiếp tục giãn, hoãn các khoản thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và tăng khách du lịch quốc tế thông qua chính sách miễn thị thực…
“Cần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm bằng các chính sách hỗ trợ mặt bằng, miễn thuế, nới lỏng các biện pháp kiểm soát, không giới hạn thời giam các hoạt động kinh tế đêm ở các trung tâm du lịch", đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.
Đồng tình với đẩy mạnh đầu tư công, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần thay đổi, khuyến khích sang các khu vực đầu tư tư nhân, chấp nhận tăng trưởng nóng thông qua bất động sản (thị trường đang thiếu cung nên giá tăng cao).
“Số liệu thống kê cho thấy hiện có 2.200 dự án bất động sản với 5,9 triệu tỷ đồng đang bị dừng lại, do đó cần giải phóng nguồn lực này. Bên cạnh đó cần tập trung phát triển nhà ở xã hội; Đặt hàng các doanh nghiệp lớn; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ” - đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Huệ Linh