ĐBQH: Đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội

ĐBQH: Đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội
3 giờ trướcBài gốc
Quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Vì vậy, đại biểu tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử. Đại biểu nêu quan điểm, các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép. Đại biểu cho rằng, sau khi Luật được thông qua, Bộ Y tế có Thông tư hướng dẫn, chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Theo đại biểu, dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể quy định rằng Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.
Đại biểu cũng cho rằng, cần thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, nhưng cần ý thức rõ vị trí của ngành dược trong nước, tránh việc các hãng dược lớn của thế giới không thể tiếp cận được thị trường, trong khi dược phẩm trong nước chưa đảm bảo được chất lượng, người dân không sử dụng được dược phẩm đạt chất lượng như mong muốn.
Cần xem xét lại quy định về đấu thầu thuốc
Góp ý về vấn đề về số lượng đăng ký thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện nay Việt Nam có hơn 800 hoạt chất và 22.000 số đăng ký thuốc, là quá nhiều so với các quốc gia khác. Đồng thời số đăng ký thuốc trong nước đang bị trùng lặp rất nhiều do đó đại biểu đề nghị cần có chủ trương hạn chế số lượng đăng ký thuốc để quá trình cấp số đăng ký được hoàn chỉnh, minh bạch hơn và cần phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Về vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, đại biểu cho rằng các điều khoản ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước trong dự thảo luật tương tự như Luật Dược 2016, nhưng chưa rõ ràng về việc áp dụng cho các doanh nghiệp cụ thể. Do đó đề nghị cần xem lại việc ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, đặc biệt trong quá trình đấu thầu mua thuốc tại bệnh viện.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh
Về quản lý hệ thống phân phối và bán lẻ thuốc, đại biểu cho biết số lượng công ty phân phối và nhà thuốc bán lẻ tăng nhanh, nhưng chưa có biện pháp quản lý như biên chế thanh tra, quy định về vốn, khoảng cách giữa các nhà thuốc. Tình trạng mua bán, trà trộn thuốc giả, kém chất lượng vẫn có thể xảy ra do thiếu quản lý hiệu quả hệ thống phân phối…
Vấn đề đấu thầu thuốc, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng Luật Đấu thầu hiện nay chỉ tập trung vào mục tiêu chọn thuốc giá rẻ, gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và phát triển bền vững của ngành công nghiệp dược. Đề nghị cần xem xét lại quy định về đấu thầu thuốc để đảm bảo cung cấp đủ thuốc, vaccine cho người dân và phát triển bền vững ngành dược.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong dự thảo sửa đổi Luật Dược, liên quan đến quản lý số lượng đăng ký thuốc, ưu đãi cho doanh nghiệp dược trong nước, quản lý hệ thống phân phối và bán lẻ thuốc, đấu thầu thuốc, cũng như quản lý mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Đại biểu đề xuất cần có giải pháp tổng thể và hiệu quả hơn để giải quyết các bất cập này, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dược và bảo vệ sức khỏe người dân.
Cần bổ sung các quy định về chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành dược
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đánh giá cao Bộ Y tế đã thể hiện tinh thần quyết liệt trong lần sửa đổi Luật Dược này, tích cực tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời bày tỏ thống nhất cùng các nội dung trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần bổ sung các quy định về nội dung chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành dược ở Việt Nam. Theo đại biểu, chuyển đổi số cần được bổ sung vào Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành Dược. Cụ thể, việc triển khai kê đơn thuốc qua mạng cần được thực hiện từng bước và quyết liệt để đảm bảo quản lý tốt hơn chất lượng kê đơn, hình thức kê đơn, theo dõi tốt hơn hiệu lực kê đơn, hiệu quả của đơn thuốc, kinh phí, tài chính.
Về ưu đãi đầu tư, đại biểu bày tỏ đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, lựa chọn phương án 1, với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô đầu tư từ 1.000 tỷ trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 500 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội bày tỏ băn khoăn về dự thảo quy định tại Điều 107 chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn. Vậy đối với thuốc không kê đơn của cơ sở nhập khẩu và cơ sở sản xuất thì quản lý giá thế nào?
Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, khi quản lý về giá thì phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc. Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc.
Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn tỉnh thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ rất khác nhau.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội
Hơn nữa, với với một số tỉnh, thành phố có quy mô lớn như Hà Nội gần 10.000 cơ sở bán lẻ và gần 1.500 cơ sở bán buôn. Quy định này sẽ tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược.
Trong khi đó thì ngay từ năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về việc kết nối liên thông của các cơ sở cung ứng thuốc. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định về chuẩn dữ liệu đầu ra, trong đó có đầy đủ trường thông tin về giá thuốc để quản lý. Hơn nữa, mục đích của kê khai giá chỉ là tổng hợp, dự báo thị trường theo quy định tại Luật giá.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc. Vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.
Xuân Trường - Thế Công
Nguồn Tổ Quốc : https://toquoc.vn/dbqh-day-lui-tinh-trang-quang-cao-thuoc-kem-chat-luong-bua-bai-tran-lan-tren-mang-xa-hoi-2024102210124891.htm