Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về Dự thảo Luật Nhà giáo. Đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ Nhà giáo và Ngành Giáo dục – những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc"- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Dự thảo Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng, phạm vi điều chỉnh khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật. Tại phiên thảo luận Tổ cũng đã có 90 lượt ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội.
Tại phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm 8 vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đó là: Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; Quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; Tuyển dụng, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo; Chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; Chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo; Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Thiếu cơ chế cụ thể ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù
Tham gia thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) cho rằng, theo điều 27 Dự thảo Luật, chính sách tiền lương cho nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp là chưa rõ ràng, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau; các phụ cấp ưu đãi nghề chưa đủ hấp dẫn, đặc biệt đối nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu nhấn mạnh, việc ưu tiên nhà giáo ở các ngành nghề đặc thù còn thiếu cơ chế cụ thể về mức độ ưu tiên, khiến chính sách khó thực thi đồng bộ. Từ đó nhà giáo không cảm thấy được bảo đảm về thu nhập, đặc biệt ở vùng ở các vùng khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên ở những nơi này.
Từ thực tế đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo, bảo đảm mức lương cao hơn rõ ràng so với các ngành khác trong khối hành chính sự nghiệp. Đồng thời, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đặc biệt ở các khu vực khó khăn, với tỷ lệ phụ cấp từ 50-100% tùy theo mức độ đặc thù của từng địa phương; quy định rõ mức độ ưu tiên và cơ chế thực thi cho nhà giáo ngành nghề đặc thù, bảo đảm công bằng, hiệu quả.
Cùng với đó, góp ý về chính sách hỗ trợ nhà giáo tại điều 28 Dự thảo Luật, đại biểu cho rằng quy định này còn chung chung về chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chính sách khác là chưa rõ ràng về cách triển khai, đối tượng áp dụng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn chính sách chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp như: khám sức khỏe định kỳ, miễn phí hỗ trợ điều trị bệnh nghề nghiệp. Nâng mức phụ cấp lưu động và mở rộng phạm vi hỗ trợ cho nhà giáo biệt phái hoặc dạy liên trường, đảm bảo tối thiểu 50% chi phí đi lại.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) - Ảnh: Quochoi.vn
Cần cân đối chính sách ưu tiên cho nhà giáo với ngành khác
Cùng quan tâm đến thu nhập của nhà giáo, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, đời sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, chưa thể sống bằng nghề, chưa được quan tâm và bảo vệ xứng đáng từ xã hội.
Đại biểu đề nghị cần quy định rõ về quyền của nhà giáo liên quan đến việc làm, môi trường làm việc được bảo vệ an toàn, được tôn trọng. Đồng thời, về tiền lương và chế độ đãi ngộ cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, tại điểm d, khoản 1, điều 27 Dự thảo Luật quy định về tiền lương và phụ cấp quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, tại điều 18 Dự thảo Luật quy định: đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thính giảng thì chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào lại chưa được quy định cụ thể. Do vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định này…
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) - Ảnh: Quochoi.vn
Về các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong Dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. Đại biểu băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không, bởi “Nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng". Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đề nghị Quốc hội xem xét một cách thấu đáo, cân đối các nguồn lực, cân đối chính sách ưu tiên cho nhà giáo với ngành khác, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác, đảm bảo sự hài hòa, hợp lý. Đại biểu đề nghị, việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Thịnh An