Sáng 20/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Cần chính sách ưu tiên về thuế cho hoạt động nghiên cứu khoa học
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đề cập: “Nghề giáo là nghề đặc biệt, đối tượng tác động là con người, sản phẩm giáo dục là tri thức, tư chất của con người. Do vậy, thái độ và cả hành vi của người làm thầy trong hoạt động nghề nghiệp, trong cộng đồng cũng phải có thái độ và ứng xử với xã hội cũng phải được điều chỉnh theo một cơ chế đặc biệt.
Bấy lâu nay, những yêu cầu về thái độ, hành vi ứng xử chỉ được hình thành như một văn hóa, quan niệm xã hội mang tính ước định trong nhận thức cá nhân của mỗi người, chưa mang tính pháp lý, nên các chuẩn mực chưa được đồng đều giữa những người làm thầy cô, cũng như các ứng xử của xã hội đối với nhà giáo”.
Vị đại biểu bày tỏ vui mừng vì Luật Nhà giáo được thông qua sẽ giúp các nhà giáo không cần loay hoay giữa các hoạt động chuyên môn và ứng xử xã hội, để thầy ra thầy, là yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp giáo dục.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: quochoi.vn.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, luật cần quy định thật khắt khe, đồng thời cần có chế độ đãi ngộ thật thỏa đáng để nhà giáo toàn tâm, toàn ý với nghề. Yêu cầu giảng viên nghiên cứu khoa học. Cụ thể:
Thứ nhất, về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu đề nghị bổ sung, nhà giáo không chỉ mẫu mực, nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp, mà phải mẫu mực trong sinh hoạt cộng đồng, chuẩn mực trong các hành vi ứng xử xã hội. Đồng thời, cần quy định nhà giáo được ưu tiên trong các hoạt động xã hội. Phải cấm các hành vi, lời nói xúc phạm đến nhà giáo trong mọi trường hợp. Nhà giáo phải được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, không chỉ trong hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp, mà phải được tôn trọng, bảo vệ mọi nơi, mọi lúc.
Nhà giáo phải chịu sự giám sát của xã hội trong các hoạt động chuyên môn, trong hoạt động cộng đồng và ứng xử xã hội. Do vậy, đối với quy định đánh giá giáo viên, cần quy định lấy ý kiến người học, cha mẹ học sinh theo phương thức đánh giá kín, chỉ người đánh giá và người quản lý biết được kết quả đánh giá. Đồng thời, để bảo vệ danh dự nhà giáo, những thông tin đánh giá, những hình ảnh giám sát xã hội đối với nhà giáo không được phát tán, lan truyền. Cần cấm đưa thông tin nhà giáo lên mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông khi chưa được sự đồng ý của nhà giáo hoặc được phép của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, việc quy định nhà giáo là giảng viên đại học phải có nghĩa vụ nghiên cứu khoa học là một điều xác đáng. Phải đặt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ngang tầm với giảng dạy, các trường đại học mới vươn tầm lên được mang tầm quốc tế. Trên thế giới, hầu hết các giải thưởng Nobel đều xuất phát từ môi trường đại học. Ở nước ta, khoảng 90% số bài báo quốc tế được công bố bởi giảng viên các trường đại học, nhưng số kinh phí các trường đại học nhận được chỉ chiếm 7% ngân sách khoa học của quốc gia.
Do vậy, luật cần quy định phải ưu tiên các đề tài nghiên cứu khoa học cho các nhà giáo, đồng thời, các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cần phải có chính sách ưu tiên về thuế. Đó là con đường cơ bản để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới, sáng tạo.
Thứ ba, nhà giáo phải có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức và nắm được các thành tựu khoa học - kỹ thuật mới. Luật cần phải quy định bắt buộc các cơ sở giáo dục phải có quỹ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; mỗi giáo viên phải được nghỉ định kỳ để tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ.
Về những điều nhà giáo không được làm, Đại biểu Hoàng Văn Cường bổ sung một số ý kiến như sau:
Nhà giáo không được trực tiếp kinh doanh một số hoạt động không phù hợp khi người bán hàng là người dạy và người mua hàng là người học. Ví dụ, giáo viên mở quán games cho học sinh chơi, hoặc giáo viên bán bảo hiểm cho phụ huynh học sinh… Bác sĩ có thể mở phòng mạch để khám chữa cho bệnh nhân, đó là điều rất tốt; nhưng giáo viên thì không thể mở lớp dạy thêm cho chính học sinh của mình.
Luật không cần quy định cụ thể hoạt động nào không được kinh doanh, mà nên trao quyền này cho các địa phương và nhà trường quy định.
Về chính sách đãi ngộ với nhà giáo, vị đại biểu cũng nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo chiếm 70% số lượng viên chức, trong khi đó, chúng ta đang áp bảng lương đội ngũ viên chức cho đội ngũ nhà giáo.
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, kể cả có nâng thành mức cao nhất trong bảng thì vẫn là không phù hợp. Vì vậy, tôi đồng tình với ý kiến cho rằng, cần xây dựng bảng lương riêng để phù hợp với đặc điểm, vị trí công việc của nhà giáo. Cần quy định nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội như đối với sĩ quan trong quân đội. Chế độ tiền lương cần bù đắp thỏa đáng hao phí lao động, để nhà giáo yên tâm công tác, không phải lo làm thêm để kiếm sống.
Để nhà giáo yên tâm công tác, đại biểu cũng đề nghị phải quy định nhà giáo là đối tượng mua nhà ở xã hội.
Về tuyển dụng, bổ nhiệm và thuyên chuyển giáo viên, vị đại biểu cho rằng: “Cơ quan quản lý giáo dục là người biết rõ nhất, cần tuyển người thầy như thế nào, cho đối tượng nào, qua đó cũng có thể điều động tạm thời từ nơi này sang nơi khác, cũng như biết rõ bổ nhiệm ai làm quản lý là phù hợp. Vì vậy, phải trao quyền cho các cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục được quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động và luân chuyển giáo viên.
Những giáo viên dạy giỏi thường không muốn rời vị trí công tác để sang làm công tác quản lý, tuy nhiên, để làm công tác quản lý chuyên môn của các cơ quan quản lý giáo dục, lại cần giáo viên giỏi. Do vậy, khi điều chuyển, tôi đề nghị phải giữ nguyên chế độ ưu đãi, phụ cấp thâm niên cho các giáo viên này ít nhất một nhiệm kỳ (5 năm) chứ không phải chỉ là 12 tháng”.
Cần quy định cụ thể các chính sách cho nhà giáo vùng khó khăn
Phát biểu góp ý tại phiên họp, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, quy định cụ thể hơn các chính sách ưu đãi đối với nhà giáo dạy ở các trường chuyên biệt, nhà giáo là người dân tộc thiểu số; cũng như các chính sách thu hút nhà giáo về công tác ở các vùng dân tộc thiểu số, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn… Cùng với đó, bổ sung chính sách hỗ trợ nhà giáo dạy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên do tính chất khó khăn, phức tạp tại các cơ sở giáo dục này.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước). Ảnh: quochoi.vn.
Cũng quan tâm đến nội dung này, Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) cho biết, tại khoản 2 Điều 28 dự thảo luật quy định: Nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể, các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của luật nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đại biểu nêu thực tế, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn quốc còn thiếu khoảng 11.000 nhà ở công vụ giáo viên; nhiều công trình nhà ở tập thể, nhà công vụ đã xuống cấp, hư hỏng hoặc rất tạm bợ, chật hẹp. Đối với các địa phương không có nhà ở công vụ, nhà ở tập thể hầu hết giáo viên phải đi thuê nhà ở tư nhân.
Để bảo đảm điều kiện nhà ở, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục xem xét nghiên cứu bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 28 dự thảo luật theo hướng bên cạnh việc quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu, hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở; đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang). Ảnh: quochoi.vn.
Thời gian soạn bài, chấm bài cần được xác định là thời gian lao động
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Thái Văn thành (đoàn Nghệ An) đánh giá, về cơ bản, hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng công phu, khoa học, bài bản, tuy nhiên, cần bổ sung thêm nội dung về cán bộ quản lý giáo dục là viên chức công tác ở cơ quan nghiên cứu khoa học đã là giáo viên, giảng viên vào khoản 5, Điều 4. Đồng thời, cần bổ sung nội dung làm rõ thuật ngữ “cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục” để phân biệt với “cơ quan quản lý giáo dục”, tránh hiểu nhầm đây là hai hệ thống giáo dục khác nhau.
Về chế độ làm việc của nhà giáo, do tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đầy đủ về chế độ làm việc, Đại biểu Thái Văn Thành đề nghị quy định thời gian soạn bài, chấm bài của nhà giáo cần được quy đổi thành giờ dạy, tiết dạy trong năm, trong tuần.
Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An). Ảnh: quochoi.vn.
Ngoài ra, vị đại biểu cho biết, nội dung về quản lý nhà giáo đã được quy định ở một số luật, do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung để tránh trùng lặp, bỏ sót nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo. Đồng thời, cần có quy định phân cấp quản lý nhà nước đối với nhà giáo.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho rằng, cần có quy định đối với nhà giáo viên chức và nhà giáo giảng dạy theo hợp đồng. Ngoài ra, cần nêu rõ đối với nhà giáo là người nước ngoài giảng dạy ở các trường học...
Khoản 1, Điều 8 và Khoản 1, Điều 9 dự thảo luật quy định, nhà giáo cho các cơ sở giáo dục công lập thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về viên chức. Một số điều khác trong dự thảo luật cũng đều quy định theo hướng nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập là viên chức.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú nhận thấy, trong các cơ sở giáo dục công lập, bên cạnh các nhà giáo là viên chức, còn một bộ phận các nhà giáo thực hiện theo hợp đồng lao động chưa được tuyển dụng viên chức.
Vì vậy, vị đại biểu đề nghị, trong dự thảo luật khi quy định về nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, cần quy định trường hợp nhà giáo là viên chức và trường hợp nhà giáo thực hiện theo hợp đồng lao động để bảo đảm bao quát tất cả các nhà giáo đang làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang). Ảnh: quochoi.vn.
Lý do chính để xây dựng Luật Nhà giáo là phát triển đội ngũ
Nhấn mạnh ngày 20/11 là ngày đặc biệt, hạnh phúc của hơn 1 triệu thầy, cô giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, điều này còn đặc biệt hơn khi vào ngày này, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Cảm ơn các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, các ý kiến bày tỏ đều thống nhất cao, nhất trí cao về sự ủng hộ dự án Luật này, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm đối với ngành giáo dục.
Các ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị nên tăng thêm các nội dung chi tiết, đối tượng, từ ngữ lập pháp để đảm bảo cụ thể hơn, khả thi hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, bên cạnh việc tiếp thu đầy đủ các ý kiến, một phần các nội dung này sẽ được chuyển sang các văn bản quy định tại Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Vì đối với hoạt động của ngành giáo dục, ngoài Luật Nhà giáo, còn một luật rất quan trọng, bao trùm khác là Luật Giáo dục và rất nhiều quy định liên quan đến các hoạt động chuyên môn (như dạy học, kiểm tra, đánh giá…) nên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dự án luật này không thể bao quát hết được. Đồng thời chúng ta cần chấp nhận một vài điểm quy định có thể khác với các luật khác.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: quochoi.vn.
“Ví dụ, quy định về độ tuổi nghỉ hưu sẽ khác với Bộ luật Lao động; hay giáo viên dạy liên trường, việc thuyên chuyển giáo viên có thể dạy hơn một cơ sở… sẽ là điểm khác với Luật Viên chức. Nhưng nhìn chung, một số quy định khác nhưng nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo. Sự khác biệt này đem lại điều tốt, tích cực thì nên sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Từ quan điểm, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngành giáo dục cũng sẽ nhìn nhận, xem xét cân đối với các ngành khác chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, ưu ái riêng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chia sẻ, thực tế, trong số 1,6 triệu giáo viên, có những nhà giáo chưa đủ sống, do đó, họ không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học.
Vì vậy, nếu xét “giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu” thì dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên, còn lại quy định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo thì ở dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.
Liên quan đến ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trương không cấm việc dạy thêm của nhà giáo, nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ nghiên cứu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường để tiếp thu tối đa, đồng thời khẳng định, việc phát triển đội ngũ nhà giáo mới là lý do chính yếu để xây dựng dự án Luật Nhà giáo.
Khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kết luận số 91-KL/TW.
Đồng thời, đề cập đến nhiều vấn đề sâu sắc từ thực tiễn nhằm hoàn thiện, xây dựng một đạo luật chuyên ngành cụ thể hóa đầy đủ, đúng mức sự quan tâm của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong phát triển đất nước, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh kết luận nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về chính sách nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là những chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp ngành nghề, phụ cấp khu vực; việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp; chính sách hỗ trợ nhà ở công vụ để thu hút đội ngũ nhà giáo; chức danh nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; việc đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng; chính sách điều động, thuyên chuyển; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; việc thu hút người giỏi, tạo nguồn đào tạo giáo viên, giảng viên; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong đào tạo, bồi dưỡng định kỳ và bồi dưỡng thường xuyên; vấn đề về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước và các cơ sở giáo dục trong việc đảm bảo kinh phí đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo…
Ngoài ra, các nội dung về đánh giá nhà giáo; khen thưởng, tôn vinh nhà giáo; hợp tác quốc tế đối với nhà giáo; trách nhiệm của người học và phụ huynh học sinh; vấn đề dạy thêm, học thêm… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: “Hầu hết các ý kiến góp ý đều mong muốn tạo ra chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29.
Ngay sau Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, khẩn trương hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9”.
Mộc Hương