ĐBQH lo ngại giữ vàng ngày càng rủi ro, hàng giả hàng nhái bùng phát khắp nơi

ĐBQH lo ngại giữ vàng ngày càng rủi ro, hàng giả hàng nhái bùng phát khắp nơi
9 giờ trướcBài gốc
Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; vệc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.
Bóng bóng giá vàng có thể bị "xì hơi"
Góp ý tại thảo luận ở tổ Quốc hội sáng 23/5, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phân tích về xu hướng tăng giá của vàng và tác động cực kỳ to lớn của mặt hàng kim loại quý này đối với lạm phát, bất ổn của kinh tế. Bóng bóng giá vàng có thể bị "xì hơi".
Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024.
Ông Đồng lấy báo cáo của Chính phủ cho biết, từ đầu năm đến nay giá vàng đã tăng gần 30% và lập đỉnh 28 lần, chạm mốc 3.500USD/ounce ngày 23/4/2025. Ngân hàng JPMorgan dự báo đà tăng giá vàng vẫn tiếp tục và có thể đạt mốc 4.000 USD/ounce vượt xa các dự báo trước đó.
“Báo chí từng thông tin có người lỗ hàng trăm triệu đồng chỉ trong vài ngày do biến động khó lường của giá vàng. Giá vàng tăng mạnh tạo ra tác động sâu rộng, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân”, đại biểu Đồng nói.
Theo ông Đồng, những tác động tiêu cực của giá vàng không thể bỏ qua. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2024, giá vàng tăng khoảng 13,78%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2%. Đây là sự liên kết của giá vàng với hàng hóa tiêu dùng.
Vị đại biểu này cho rằng, vàng tăng sẽ dẫn đến áp lực lạm phát lớn: “Khi hàng hóa tiêu dùng đắt đỏ, sẽ dẫn đến chi phí sản xuất và phân phối tăng theo. Điều này sẽ gây suy giảm sức mua của người dân, đặc biệt là đối với các nhóm thu nhập thấp, đồng thời làm gia tăng chi phí sinh hoạt cho đại bộ phận người dân”.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu.
Theo ông Đồng, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo nếu giá vàng tiếp tục tăng mạnh, chúng ta có thể phải đối mặt với một đợt lạm phát phi mã, khiến giá hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và vật liệu xây dựng đẩy giá lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nền kinh tế.
Ông Đồng nêu quan điểm, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải điều hành vàng rõ ràng, giảm thiểu biến động và đồng thời thúc đẩy đầu tư vào sản xuất thay vì vào các tài sản dễ biến động.
Cùng quan điểm, đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) cũng đề cập tình trạng giá vàng tăng quá mức thời gian qua mà không được kiểm soát.
Theo địa biểu, khi giá vàng tăng, giá các mặt hàng thực phẩm cũng tăng theo gây khó khăn cho người dân, trong khi tỷ lệ người dân mất việc làm, thất nghiệp đang gia tăng. Giá vàng tăng hiện nay không phản ánh giá trị thực.
“Đặc biệt, khi giá vàng tăng cao, người dân tiếp tục đổ xô đi mua bán, đầu cơ càng làm cho giá vàng tăng đột biến. Khi giá vàng tăng đã kéo theo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo càng làm cho đời sống người dân gặp khó khăn, lạm phát càng tăng cao. Vì thế các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xem giá vàng tăng vì đâu để từ đó có giải pháp để ghìm cương giá vàng”, đại biểu Xương nói.
Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) phát biểu.
Hàng giả hàng nhái bùng phát khắp nơi
Thảo luận tại tổ ở Quốc hội về kinh tế xã hội sáng nay (23/5), đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nêu bật tình trạng hàng giả, hàng nhái đang tác động sâu rộng, nguy hại đến nền kinh tế, đời sống người dân và bất ổn dài hạn.
Ông Tuấn cho biết, với thị trường tiềm năng và đang bùng nổ, thương mại điện tử thay đổi cấu trúc kinh doanh, tập quán phân phối và tiêu dùng, đòi hỏi phải có quản lý hiện đại, từ sớm, từ xa, hiệu quả để bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, năm 2024 doanh thu TMĐT tại Việt Nam đã vượt mốc 20,5 tỷ USD tăng hơn 25% so với năm 2023. Có gần 70% người tiêu dùng đô thị mua hàng online ít nhất 1 lần/tháng. Dự báo đến năm 2030, nếu được quản lý và đầu tư bài bản, thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt quy mô từ 50–60 tỷ USD, trở thành 01 trong 10 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay đang diễn ra một thực trạng đáng báo động dó là, tỷ lệ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT vẫn ở mức cao, đặc biệt trong các ngành hàng như thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…. trong thời gian gần đây đã bị phát hiện, báo đài đã phản ánh thường xuyên, liên tục.
“Và khi TMĐT phát triển nhanh nhưng công tác quản lý chưa theo kịp đã xuất hiện nhiều hàng trôi nổi, làm giả thương hiệu nội địa, gây mất niềm tin người tiêu dùng Có nhiều doanh nghiệp bức xúc kêu rằng, họ liên tục bị làm giả thương hiệu và sản phẩm trên sán TMĐT Shopee, Tiktok Shop...”, ông Tuấn bày tỏ.
Phi Long/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/dbqh-lo-ngai-giu-vang-ngay-cang-rui-ro-hang-gia-hang-nhai-bung-phat-khap-noi-post1201605.vov