ĐBQH Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận tại Quốc hội
Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) góp ý, thời gian qua, việc đấu thầu đã bộc lộ nhiều bất cập, xảy ra "nhiều hiện tượng không hay".
Ông dẫn chứng, thực tiễn tại một số địa phương, có hiện tượng một nhà thầu duy nhất trúng thầu hàng chục dự án nhiều năm liền, mặc dù địa phương này tổ chức đấu thầu liên tục.
"Tôi biết một số nơi đấu thầu hoài nhưng chỉ một nhà thầu trúng liên tục. Giá trúng thầu chỉ thấp hơn so với giá nhà đầu tư đưa ra có 1%. Đấu thầu liên tục như thế thì Nhà nước chả được lợi gì, mất thời gian, tiền của" - ông Hòa nói.
Do đó, dự thảo luật lần này sửa đổi theo hướng cho phép chủ đầu tư căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện thực tế để lựa chọn áp dụng các hình thức chọn nhà thầu, đại biểu Hòa cho rằng, như vậy là phù hợp.
Vị ĐBQH đoàn Đồng Tháp kiến nghị cơ quan soạn thảo có quy định cụ thể để chủ đầu tư chọn những nhà thầu có tiềm lực về tài chính, tham gia nhiều dự án chất lượng.
Đặc biệt, phải phòng ngừa sự "móc nối" giữa chủ đầu tư và chủ dự án để làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Thực tế thời gian qua không ít trường hợp vướng vào vòng lao lý vì các quy định này, nên phải quy định rõ ràng.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) phát biểu thảo luận
Cũng quan tâm đến nội dung chỉ định thầu, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho biết, bất cập nhất khi thực hiện chỉ định thầu liên quan đến thời gian thực hiện và quy mô của gói thầu. Ví dụ, quy mô mua sắm dưới 500 triệu đồng hoặc các dự án xây lắp có gói thầu dưới 1 tỷ đồng thì được chỉ định thầu.
“Thời gian đấu thầu thường mất 3 đến 4 tháng, nên với những gói thầu mang tính cấp bách cần thực hiện nhanh thì sẽ không kịp. Cơ quan soạn thảo nên quy định những gói thầu có thời gian dưới 4 tháng thì phải áp dụng chỉ định thầu để kịp tiến độ” - đại biểu Trần Anh Tuấn kiến nghị.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) góp ý, cơ quan soạn nghiên cứu quy định chỉ định thầu đối với các gói thầu mang tính đặc thù liên quan đến văn hóa, thể thao, du lịch sao cho bảo đảm chất lượng, hiệu quả…
Cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật này đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề mà 17 ĐBQH nêu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu
Theo Bộ trưởng Tài chính, trong giai đoạn vừa qua, hiện tượng bỏ thầu giá thấp lại tiếp tục xuất hiện với tần suất nhiều, nhiều dự án dẫn đến chậm tiến độ, lãng phí, thất thoát. Có những dự án khi nhà thầu đấu thầu xong thì không làm được, dẫn đến chậm tiến độ.
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo luật đã bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp bất thường, đột biến, để đảm bảo đấu thầu công khai minh bạch và lựa chọn được nhà thầu có năng lực, chất lượng tốt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết dự thảo luật sẽ cụ thể hóa trách nhiệm của chủ đầu tư mời thầu, các bên liên quan. Đồng thời, quy định chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như cấm tham gia đấu thầu, xử phạt hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra với các hành vi vi phạm nghiêm trọng như thông thầu, gian lận...
Duy Tiến