Sáng nay (20/11), điều hành phiên thảo luận Luật Nhà giáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án luật này. Đây là sự trân trọng của Quốc hội, UBTVQH gửi đến các thế hệ nhà giáo và ngành giáo dục.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận.
Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Trần Văn Thức – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo báo cáo Tổng kết thi hành pháp luật về nhà giáo kèm theo Hồ sơ dự án luật cũng như ý kiến của cử tri, đánh giá của xã hội cho thấy: Mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo (đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông) hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn.
Lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ, mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố.
ĐBQH Trần Văn Thức – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.
"Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình sách giáo khoa mới…", ông Trần Văn Thức nói.
Đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo với những quy định về chính sách tiền lương, đãi ngộ tại Chương V cho thấy rõ việc luật hóa những chủ trương của Đảng trong việc quan tâm với đội ngũ nhà giáo.
Đặc biệt, dự thảo quy định rõ: lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng...
"Tôi mong muốn và đề nghị Quốc hội, các vị ĐBQH xem xét đồng tình ủng hộ để chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo tại dự thảo Luật sớm đi vào cuộc sống", ông Trần Văn Thức đề xuất.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.
Còn ĐBQH Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tán thành với quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo tại dự thảo luật. Để chính sách thi hành hiệu quả, đại biểu đề nghị: Việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp phải đi đôi với chất lượng giáo viên để đáp ứng yêu cầu mới.
Đối với quy định tại điểm c khoản 1, điều 27 dự thảo luật: Nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bãi ngang, ven biển, ngành đặc thù, chuyên biệt… được ưu tiên chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo khác, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thêm.
Ngoài ra, ông Dương Khắc Mai đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định tại khoản 1 Điều 27 dự thảo luật quy đinh: Nhà giáo tuyển dụng lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
ĐBQH Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.
ĐBQH Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đóng góp về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo (Điều 30 dự thảo luật) quy đinh, Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 5 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi. Theo đại biểu, quy định như vậy là phù hợp và mang tính nhân văn. Để việc này phù hợp với quy tắc đóng/hưởng của BHXH thì đại biểu đề nghị cần có chính sách nào đó hợp lý và xem xét thêm cho các giáo viên bậc tiểu học.
Lê Bảo