Tại sao tiền lương, phụ cấp của nhà giáo người dân tộc thiểu số lại cao hơn nhà giáo khác?

Tại sao tiền lương, phụ cấp của nhà giáo người dân tộc thiểu số lại cao hơn nhà giáo khác?
3 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Hoàng Ngọc Định đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Quy định chế độ tiền lương, phụ cấp của nhà giáo người dân tộc thiểu số cao hơn so với các nhà giáo khác là chưa phù hợp
Quan tâm đến quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, tại điểm c khoản 1 Điều 27 dự thảo luật quy định nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Theo đại biểu, việc ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên đối với người dân tộc thiểu số nói chung đã có nhiều chế độ ưu tiên trong học tập, đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng….
Đại biểu Hoàng Ngọc Định nêu quan điểm: Việc quy định nhà giáo là người dân tộc thiểu số có chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác là chưa phù hợp.
Theo đại biểu các nhà giáo có cùng trình độ chuyên môn, cùng năng lực như nhau, cùng công tác trong môi trường như nhau, hoàn thành khối lượng công việc như nhau nhưng tiền lương của nhà giáo là người dân tộc thiểu số tại sao lại cao hơn?
Đại biểu nêu vấn đề và cho rằng điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về lao động và trái với các quy định của pháp luật về lao động hiện hành. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ nội dung này.
Đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà
Về nhà ở, tại khoản 2 Điều 28 dự thảo luật quy định: Nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể, các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của luật nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn quốc còn thiếu khoảng 11.000 nhà ở công vụ giáo viên; nhiều công trình nhà ở tập thể, nhà công vụ đã xuống cấp, hư hỏng hoặc rất tạm bợ, chật hẹp.
Đối với các địa phương không có nhà ở công vụ, nhà ở tập thể hầu hết giáo viên phải đi thuê nhà ở tư nhân.
Để bảo đảm điều kiện nhà ở, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục xem xét nghiên cứu bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 28 dự thảo luật theo hướng bên cạnh việc quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu, hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở.
Đại biểu đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn./.
Nguồn Chính Phủ : https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tai-sao-tien-luong-phu-cap-cua-nha-giao-nguoi-dan-toc-thieu-so-lai-cao-hon-nha-giao-khac-11924112010124287.htm