ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phù hợp với xu thế thời đại. (Nguồn: Quốc hội)
Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, là một quyết sách thể hiện rõ tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược và tinh thần cải cách mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Đây không đơn thuần là một biện pháp hành chính, mà là bước đi lớn về thể chế nhằm tổ chức lại không gian phát triển, khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có, tạo đột phá trong quản trị và phát triển vùng, liên kết vùng.
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi phải quy hoạch và vận hành các nguồn lực từ đất đai, con người đến hạ tầng, công nghệ trên quy mô tích hợp, liên vùng. Việc duy trì quá nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh nhỏ lẻ với diện tích và dân số chênh lệch lớn không chỉ gây lãng phí mà còn cản trở đầu tư dài hạn và phát triển bền vững. Do đó, sáp nhập cấp tỉnh là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế thời đại và yêu cầu nội tại của đất nước.
"Lựa chọn cán bộ cần dựa trên năng lực và phẩm chất, không máy móc chia theo tỷ lệ vùng miền. Người cán bộ phải có khả năng kết nối, gắn kết các vùng và tạo dựng niềm tin chung cho cộng đồng. Trong thời điểm chuyển tiếp, họ chính là 'cầu nối' giữa cũ và mới".
Hơn thế, chủ trương này còn là minh chứng rõ ràng cho thấy Đảng ta đang hành động vì cải cách thực chất. Mục tiêu không chỉ là nâng cao hiệu lực của bộ máy hành chính mà còn nhằm kiến tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy sự kết nối giữa các địa phương để tiềm năng từng nơi được phát huy ở tầm cao hơn – tầm vùng và quốc gia.
Nhìn tổng thể, các yếu tố cốt lõi cho thấy sự đúng đắn và cấp thiết của chủ trương này có thể kể đến: Thứ nhất, đó là yêu cầu thực tiễn về tổ chức lại không gian phát triển kinh tế và hệ thống lãnh thổ. Tình trạng các địa phương "đứng cạnh nhau mà phát triển đơn độc", thiếu liên kết, dẫn đến tiềm năng bị chia cắt, quy hoạch chồng chéo là điều đã tồn tại từ lâu. Sáp nhập nhằm hình thành các đơn vị hành chính đủ quy mô, đủ tầm để thực hiện quy hoạch đồng bộ, khai thác hiệu quả hạ tầng, tài nguyên và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, là yêu cầu cấp bách trong tiến trình xây dựng nền hành chính hiện đại. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và cuộc CMCN 4.0 diễn ra sâu rộng, bộ máy hành chính cần tinh gọn, linh hoạt và thông minh hơn. Việc cắt giảm đầu mối, giảm trùng lặp chức năng sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí vận hành, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ số vào quản lý nhà nước. Không thể bước vào tương lai bằng những thiết kế cũ kỹ về thể chế.
Thứ ba, sáp nhập còn thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ của quốc gia. Một đất nước đang hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ XXI không thể tiếp tục phát triển theo tư duy địa phương hóa nhỏ lẻ. Việc hình thành các "siêu tỉnh" có quy mô đủ lớn sẽ là tiền đề để thu hút đầu tư chiến lược, phát triển các trung tâm đô thị, giáo dục, nghiên cứu và logistics quy mô vùng – những trụ cột cho phát triển quốc gia trong tương lai.
"Có thể giữ lại tên gọi quen thuộc của công trình công cộng, biểu tượng văn hóa… như một cách làm mềm lại quá trình thay đổi, để người dân không thấy mình đánh mất ký ức và bản sắc địa phương".
Tuy nhiên, để quá trình “sắp xếp lại giang sơn” diễn ra hiệu quả, yếu tố then chốt chính là tinh thần đoàn kết. Đoàn kết trước hết là sự đồng thuận trong tư tưởng giữa các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở các địa phương. Lãnh đạo các tỉnh cần đặt lợi ích lâu dài lên trên quyền lợi cục bộ, hướng đến cái “chung” thay vì cái “tôi”. Người dân cũng cần được thông tin đầy đủ, tham gia vào các quyết định quan trọng để cảm thấy mình là chủ thể cải cách, không bị gạt ra bên lề.
Đồng thời, chính sách cũng phải công bằng, minh bạch, tránh tạo cảm giác phân biệt “tỉnh cũ – tỉnh mới”. Mọi cư dân trong đơn vị hành chính mới cần cảm thấy bình đẳng, có tiếng nói, có cơ hội phát triển. Những yếu tố ấy là nền móng vững chắc để tạo dựng niềm tin và đồng thuận xã hội.
Việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết đòi hỏi sự phối hợp giữa ba trụ cột: hệ thống chính trị, chính quyền và người dân. Trong đó, vai trò nêu gương, chủ động của lãnh đạo các cấp là đặc biệt quan trọng. Nếu người đứng đầu thể hiện được tinh thần đại cục, bao dung và đồng hành vì lợi ích chung, thì sự tin tưởng và hợp tác trong xã hội sẽ lan tỏa mạnh mẽ.
Chúng ta cũng cần hết sức khéo léo trong việc tổ chức lại các thiết chế hành chính, văn hóa, giáo dục… sao cho vừa tinh gọn, hiệu quả vừa giữ gìn được giá trị truyền thống. Có thể giữ lại tên gọi quen thuộc của công trình công cộng, biểu tượng văn hóa… như một cách làm mềm lại quá trình thay đổi, để người dân không thấy mình đánh mất ký ức và bản sắc địa phương. Như một nhà văn từng viết: “Con người gắn bó với tên gọi, với chốn quen, với những điều nhỏ bé đã trở thành máu thịt”. Những điều tưởng như bé nhỏ đó lại chính là điểm tựa của tâm lý xã hội trong các thời khắc chuyển tiếp.
"Từ nhiều mạch nguồn văn hóa và lịch sử khác nhau, chúng ta phải khơi dậy một điểm giao thoa – nơi mọi người có thể cùng nhau tự hào, cùng nhau kiến tạo tương lai".
Từ góc độ của một đại biểu Quốc hội, tôi đề xuất một số giải pháp để duy trì và củng cố tinh thần đoàn kết trong quá trình triển khai chủ trương: Trước hết, cần phân bổ nguồn lực đầu tư công một cách công khai, minh bạch và hợp lý giữa các vùng. Cần quan tâm đúng mức tới các trung tâm cũ để tránh tâm lý bị bỏ rơi, đồng thời có chính sách ưu tiên những vùng khó khăn để phát triển hài hòa.
Đồng thời, lựa chọn cán bộ cần dựa trên năng lực và phẩm chất, không máy móc chia theo tỷ lệ vùng miền. Người cán bộ phải có khả năng kết nối, gắn kết các vùng và tạo dựng niềm tin chung cho cộng đồng. Trong thời điểm chuyển tiếp, họ chính là “cầu nối” giữa cũ và mới, giữa truyền thống và đổi mới.
Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách đặc thù cho giai đoạn chuyển tiếp của tỉnh mới sau sáp nhập vừa để tháo gỡ khó khăn, vừa tạo “cú hích” phát triển. Các chính sách đó cần linh hoạt, có tính thích ứng cao và mang lại hiệu quả thực tế.
Cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất là xây dựng một “tinh thần tỉnh mới”. Đó là bản sắc chung, mục tiêu chung, khát vọng chung của toàn thể cư dân sau sáp nhập. Từ nhiều mạch nguồn văn hóa và lịch sử khác nhau, chúng ta phải khơi dậy một điểm giao thoa – nơi mọi người có thể cùng nhau tự hào, cùng nhau kiến tạo tương lai. Khi khát vọng được thống nhất, tinh thần đại đoàn kết sẽ trở thành nền tảng vững bền nhất cho phát triển bền vững.
ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga