Đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tại phiên thảo luận Tổ 8 chiều ngày 22/5.
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 22/5 Quốc hội tiến hành thảo luận Tổ với 03 nội dung: (1) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miền, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; (2) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; (3) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đối, bố sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh tham gia thảo luận, kiến nghị, đề xuất nội dung quan trọng đối với Dự thảo Nghị quyết “về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”.
ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng, chính sách về miễn, hỗ trợ học phí được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa các nội dung kết luận của Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư, thể hiện tính ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thống nhất, công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội… Qua lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri, nhiều người dân kỳ vọng chính sách sẽ góp phần giảm gánh nặng tài chính cho gia đình, nhất là trong bối cảnh còn nhiều hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt là đối với những hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tạo động lực học tập, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến lớp; góp phần thực hiện đúng chủ trương về giáo dục là quốc sách hàng đầu và phổ cập giáo dục toàn dân.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 22/5.
Góp ý cụ thể vào nghị quyết, ĐBQH Trần Quốc Tuấn nêu 03 vấn đề quan tâm:
Thứ nhất,cần làm rõ khái niệm “cơ sở giáo dục khác” nêu trong khoản 2 Điều 1, Dự thảo Nghị quyết
Theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn, phạm vi điều chỉnh dự thảo nghị quyết được quy định khá rõ, bao quát đối tượng thụ hưởng chính là trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân. Đây là phạm vi phù hợp, đảm bảo bao phủ phần lớn các đối tượng cần được hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục phổ thông.
Riêng tại khoản 2, Điều 1, cần làm rõ khái niệm “cơ sở giáo dục khác” để tránh sự hiểu lầm hoặc lạm dụng trong thực tiễn, đồng thời đảm bảo việc thực hiện chính sách được thống nhất, rõ ràng tại các địa phương trên toàn quốc.
Thứ hai, về chính sách miễn, hỗ trợ học phí nêu tại Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết
ĐBQH Trần Quốc Tuấn cho rằng, việc xây dựng chính sách miễn học phí cho người học tại cơ sở giáo dục công lập và hỗ trợ học phí cho người học tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục là phù hợp với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội trong giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục phổ cập và các đối tượng yếu thế, những hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ có thu nhập dưới mức trung bình, những hộ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số…
Tuy nhiên, nếu không thiết kế chính sách một cách hợp lý, minh bạch và có giới hạn, thì nội dung trong dự thảo có thể vô tình gây ra xung đột hoặc làm suy giảm động lực xã hội hóa giáo dục như: (1) Làm tăng gánh nặng ngân sách: việc mở rộng hỗ trợ tài chính cho cả trường ngoài công lập nếu không đi kèm điều kiện ràng buộc, có thể khiến ngân sách nhà nước phải "bao cấp ngược" cho cả khối ngoài công lập, vì đáng lẽ ra khối này phải trực tiếp vận hành chủ yếu bằng nguồn lực xã hội hóa. (2) Làm "mất tính xã hội hóa thực chất": khi ngân sách chi trả học phí cho người học tại trường ngoài công lập, có thể làm méo mó định hướng xã hội hóa - nghĩa là thay vì huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục, nhà nước lại tiếp tục bao cấp, khiến mô hình xã hội hóa mất đi vai trò chủ động… bởi lẽ khối ngoài công lập sẽ là nơi có thể đành cho những phụ huynh có mức thu nhập trên trung bình, có đủ điều kiện cho các con em của họ học ở đó, để được cung cấp thêm các dịch vụ khác kèm theo ngoài chương trình giáo dục phổ thông được quy định thống nhất toàn quốc.
Từ đó, ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề xuất chỉ quy định hỗ trợ học phí tại cơ sở ngoài công lập cho một số nhóm đối tượng ưu tiên, như: trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo; học sinh vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số; trẻ em khuyết tật; học sinh không có khả năng học tại trường công lập do thiếu cơ sở vật chất. Nhưng đồng thời cũng cần quy định giới hạn mức hỗ trợ không vượt quá mức học phí bình quân của các trường công lập tại cùng địa bàn, để tạo sự công bằng
Ngoài ra, cần giao HĐND các tỉnh, thành có hướng dẫn, quy định chi tiết mức hỗ trợ, kèm điều kiện bắt buộc với cơ sở ngoài công lập khi nhận học sinh được hỗ trợ phải công khai mức thu học phí, không được thu thêm các khoản ngoài quy định, không từ chối tiếp nhận các em học sinh thuộc nhóm yếu thế…
Chính sách trong dự thảo sẽ không mâu thuẫn với chủ trương xã hội hóa nếu được thiết kế đúng cách. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện ràng buộc và kiểm soát mục tiêu hỗ trợ, thì có thể vô tình triệt tiêu động lực xã hội hóa, tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước và khiến mô hình giáo dục tư thục mất tính tự chủ.
Thứ ba, về kinh phí thực hiện, nêu tại Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết
ĐBQH Trần Quốc Tuấn đề nghị, khi Chính phủ hướng dẫn chi tiết thực hiện nghị quyết này, cần quy định cụ thể, rõ ràng về cơ chế cấp bù học phí khi thực hiện chính sách hỗ trợ học phí cho các em học sinh học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chi trả học phí đảm bảo công khai, minh bạch, để tránh phát sinh thủ tục hành chính gây khó khăn cho học sinh, hay khó khăn cho các trường học. Đặc biệt là tránh trường hợp yêu cầu các đối tượng được hỗ trợ phải đóng học phí tạm ứng trước, sau đó nhà trường sẽ hoàn trả lại, gây nhiều khó khăn cho các gia đình khó khăn. Như thế sẽ vừa hạn chế thủ tục rườm rà cho phụ huynh, nhưng cũng vừa tránh lạm dụng chính sách gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước.
“Chính sách miễn, hỗ trợ học phí không chỉ mang ý nghĩa kinh tế - xã hội mà còn là một bước đi chiến lược để đầu tư cho tương lai, cho nguồn nhân lực của đất nước. Việc ban hành Nghị quyết này sẽ tạo nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm công bằng xã hội và thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam trong tương lai” - ĐBQH Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Báo Trà Vinh Online