ĐBQH: Miễn, hỗ trợ học phí giúp các gia đình yên tâm sinh con, góp phần duy trì mức sinh thay thế

ĐBQH: Miễn, hỗ trợ học phí giúp các gia đình yên tâm sinh con, góp phần duy trì mức sinh thay thế
6 giờ trướcBài gốc
Chiều 22/5, phát biểu ý kiến tại Phiên thảo luận Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, các ĐBQH đều bày tỏ thống nhất với nội dụng trong Tờ trình.
Tạo nền tảng cho nguồn nhân lực tương lai
Cho ý kiến về dự thảo, ĐBQH Bùi Hoài Sơn – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, đây là một chủ trương lớn, thể hiện sinh động bản chất ưu việt của chế độ ta, và là bước tiến dài trên hành trình bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục công bằng, toàn diện cho mọi người dân.
Từ đó, ông Sơn phân tích, dự thảo đã bám sát tinh thần của Hiến pháp 2013 về phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục bắt buộc 9 năm, cũng như các Kết luận số 91-KL/TW (2024) và 13594-CV/VPTW (2025) của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc miễn học phí toàn bộ học sinh công lập, hỗ trợ học sinh tư thục.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.
Một điều nữa đó là, lần này Nghị quyết sẽ mở rộng diện thụ hưởng gồm: Trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, Học sinh THPT, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên và đặc biệt cả học sinh các cơ sở tư thục, dân lập.
"Chính sách này không chỉ xóa bỏ rào cản tài chính cho người học mà còn bảo đảm sự công bằng giữa trường công và trường tư, giữa khu vực đô thị và nông thôn, giữa học sinh chính quy và không chính quy", ông Bùi Hoài Sơn nói.
Ngoài ra, tại Tờ trình của Chính phủ, tổng chi phí ngân sách cần bổ sung là khoảng 8.200 tỷ đồng mỗi năm, trong đó Hà Nội – với quy mô dân số lớn, mật độ trường học cao – chắc chắn là địa phương chịu áp lực lớn về ngân sách.
Ông Bùi Hoài Sơn phân tích: "Tuy nhiên, đây là khoản đầu tư đúng, trúng và đáng. Khoản chi này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình – nhất là sau đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang – mà còn có tác động lan tỏa đến tiêu dùng xã hội, củng cố niềm tin vào chế độ, tạo nền tảng cho nguồn nhân lực tương lai".
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, đây là chính sách dài hạn, mở ra một "hành lang công bằng" để tiến tới phổ cập giáo dục 12 năm trong tương lai. Vì vậy, ông cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần song hành chính sách miễn học phí với cơ chế bảo đảm chất lượng giáo dục.
Một chính sách có tính nhân văn sâu sắc
Còn ĐBQH Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nêu quan điểm rằng, đây là một chính sách thể hiện tính nhân văn, sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; đồng thời khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.
"Nghị quyết này được ban hành không chỉ có ý nghĩa về giáo dục mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện chiến lược dân số quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp ở nhiều đô thị lớn và bước vào giai đoạn già hóa dân số, thì việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước", bà Lan nói.
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu quan điểm: "Đây là một chính sách có tính nhân văn sâu sắc, góp phần đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tiếp cận giáo dục – đúng với tinh thần Hiến pháp, Luật Giáo dục, và các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền học tập của trẻ em".
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.
Cho ý kiến vào dự thảo, bà Nga nêu quan điểm, cần có cơ chế phân bổ và quản lý ngân sách cần được thiết kế chặt chẽ, minh bạch. Việc xác định đối tượng, phạm vi, mức hỗ trợ, cũng như phương thức chi trả cần có hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng dàn trải, thất thoát, hay trục lợi chính sách.
Ngoài ra, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, chúng ta nên ưu tiên trước cho các cấp học phổ cập – đặc biệt là trẻ 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS. Đối với học sinh mầm non (dưới 5 tuổi) và THPT, có thể tính toán lộ trình phù hợp để mở rộng dần phạm vi miễn và hỗ trợ học phí, tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách.
Lê Bảo - Dương Tú
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/dbqh-mien-ho-tro-hoc-phi-giup-cac-gia-dinh-yen-tam-sinh-con-gop-phan-duy-tri-muc-sinh-thay-the-169250522152041459.htm