ĐBQH ủng hộ thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật ngoài ngân sách

ĐBQH ủng hộ thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật ngoài ngân sách
4 giờ trướcBài gốc
Sáng 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Thiếu cơ chế chủ động về tài chính cho công chức tham gia xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật
Các ĐBQH nhất trí cho rằng, công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là công tác có tính chất đặc biệt quan trọng, quyết định trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, từ khâu hoạch định chính sách, soạn thảo văn bản cho đến tổ chức thi hành đang gặp không ít khó khăn.
Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. (Ảnh: Media Quốc hội)
Nhiều cơ quan, đơn vị thiếu cơ chế chủ động về tài chính, nhân sự; không có đủ điều kiện đãi ngộ xứng đáng cho những người trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật; việc thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức giỏi còn bị bó hẹp trong khuôn khổ cứng nhắc; ứng dụng công nghệ vào quy trình xây dựng pháp luật còn chậm so với yêu cầu đổi mới.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), chính đây là lý do để Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt, có tính đột phá, nhằm tạo cơ chế đặc thù về tài chính, nhân lực, công nghệ cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hoàn toàn xứng đáng và đúng tầm với vai trò quan trọng, chiến lược của công tác này.
Đại biểu Việt Nga cho rằng, khoản 1 Điều 7 của Dự thảo Nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật. Quy định này đã thể hiện sự ghi nhận và quan tâm xứng đáng tới đội ngũ làm công tác tham mưu, xây dựng pháp luật, khi quy định mức hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp) cho một số đối tượng trực tiếp, thường xuyên làm công tác này. Tuy nhiên, qua rà soát danh mục các đối tượng được hỗ trợ tại Phụ lục I kèm theo dự thảo Nghị quyết, bà Nga cho rằng, chế độ, chính sách này đã bỏ sót một số nhóm đối tượng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). (Ảnh: Media Quốc hội)
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách và đội ngũ công chức tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là bộ phận trực tiếp phục vụ các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương: "Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu, hỗ trợ cho đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội, từ nghiên cứu, tổng hợp thông tin, góp ý xây dựng chính sách đến hỗ trợ giám sát việc thi hành pháp luật ở cơ sở".
Cũng quan tâm đến chế độ chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) đồng tình đề nghị bổ sung các đối tượng được hưởng hỗ trợ hằng tháng. Bao gồm Chánh VP và phó Chánh VP phụ trách lĩnh vực công tác Quốc hội và công chức Phòng công tác Quốc hội của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Theo đại biểu, hiện nay, nhiệm vụ của nhóm đối tượng này trong công tác xây dựng pháp luật rất lớn, không chỉ tham gia thảo luận góp ý về các nội dung theo yêu cầu của UBTVQH mà còn tham mưu hoạt động giám sát, khảo sát của đoàn ĐBQH, ĐBQH; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương.
Ngoài ra họ còn có nhiệm vụ phối hợp phục vụ đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; phục vụ ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận tham mưu xử lý, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến đoàn ĐBQH, ĐBQH; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, khiếu nại, tố cáo của công dân đưa đoàn ĐBQH đề nghị Quốc hội chuyển tới các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Trong bối cảnh, công chức Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành hiện nay đều bị giảm biên chế so với trước đây 50%; nữ đại biểu cho rằng, cường độ công suất làm việc của công chức văn phòng Quốc hội rất lớn, gần như tăng gấp đôi so với trước, tuy nhiên, họ lại không nhận được phụ cấp nào.
"Với trách nhiệm là ĐBQH chuyên trách, là người gắn bó chia ngọt sẻ bùi, trực tiếp và thường xuyên cùng các công chức Phòng công tác Quốc hội tham gia công tác xây dựng pháp luật, tôi đề nghị bổ sung họ vào đối tượng được hưởng chính sách", nữ đại biểu nghẹn ngào, nêu ý kiến.
Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng). (Ảnh: Media Quốc hội)
Ngăn trục lợi trong huy động quỹ xây dựng chính sách pháp luật
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng ủng hộ quy định thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật ngoài ngân sách tuy nhiên, đề nghị cần có các điều khoản đảm bảo quỹ hoạt động đúng mục đích, tôn chỉ, ngăn trục lợi.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn TP. Hà Nội) đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc thành lập quỹ phải đảm bảo chống lợi ích nhóm, chống lãng phí trong xây dựng thể chế và kể cả trong tổ chức thi hành pháp luật.
Bà Mai cho rằng, cần có các quy định ràng buộc để khi đưa quỹ này vào hoạt động phải đúng mục đích, đúng tôn chỉ và rút kinh nghiệm được các vấn đề mà nhiều quỹ tài chính ngoài nhà nước đã thành lập nhưng sử dụng không hiệu quả trước đây.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP. HCM) cho biết, dự thảo Nghị quyết đã bổ sung nguyên tắc chống trục lợi để kiểm soát trong việc thành lập và sử dụng Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật ngoài ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cần làm rõ quỹ này có yếu tố nước ngoài hay không, và phải được huy động từ những đơn vị, tổ chức, cá nhân không liên quan đến các dự án Luật.
"Có như vậy, mới kiểm soát được vấn đề không trục lợi cũng như việc hướng lái chính sách trong xây dựng quy định pháp luật", đại biểu Đức nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP. HCM)
Quan tâm đến quy định ngân sách chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn TP. Huế) đề nghị bổ sung quy định cho phép điều chỉnh tăng dần theo yêu cầu phát triển và tình hình cân đối ngân sách Nhà nước, có phương án điều chỉnh khi kinh tế - xã hội biến động lớn.
Đồng thời, bà cho rằng, khoản chi ngân sách này cần được quy định rõ ràng và công khai, bao gồm cả nội dung chi, đối tượng chi, hình thức quản lý và cần được kiểm toán độc lập, công khai quyết toán hằng năm. Quy định rõ trách nhiệm giải trình, kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với người đứng đầu cơ quan sử dụng ngân sách, để tăng cường phòng chống lạm quyền, ngăn chặn lợi ích nhóm.
Lê Hoàng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/dbqh-ung-ho-thanh-lap-quy-ho-tro-xay-dung-chinh-sach-phap-luat-ngoai-ngan-sach-post1199808.vov