Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Bơm tiền để nâng vốn điều lệ
Liên quan đến Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) cho biết, dự Luật sửa đổi nêu hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng cần có báo cáo vốn điều lệ đóng góp trong thời gian 10 năm tính đến thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập.
Ông Toàn cho rằng, việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là một nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực góp và tổng số vốn, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng và số cổ phần này sẽ được lưu hành tiếp tục ở thị trường thứ cấp.
"Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo", ông Toàn nói.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn. (Ảnh: quochoi.vn)
Vị đại biểu Quốc hội lấy ví dụ công ty Faros của FLC từ vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng, sau 5 lần tăng vốn điều lệ trong 3 năm (2014 - 2016) đã tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng. Việc này gây hệ lụy rất lớn cho cả thị trường.
Gần đây, trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh, ông Nguyễn Cao Trí nhiều lần phù phép tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỷ đồng.
"Cách phù phép của họ là bơm một số tiền nhất định vào các tài khoản, sau đó lại rút ra, bơm vào cho đến khi đạt được doanh số tổng bằng tổng số vốn điều lệ", ông Toàn chỉ rõ.
Vì vậy, vị đại biểu khẳng định yếu tố kiểm toán rất cần thiết, đảm bảo cho thị trường chứng khoán minh bạch, trong sạch. Nếu quy định có kiểm toán vốn điều lệ thì sẽ không xảy ra như những trường hợp trên.
Về thời gian kiểm toán góp vốn điều lệ Chính phủ đề xuất là 10 năm, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn đề nghị là rút ngắn lại, có thể 5 năm để đảm bảo tiết kiệm chi phí, nhưng mục tiêu cuối cùng là để phát triển thị trường chứng khoán công bằng, minh bạch, hiệu quả.
Tăng mức xử phạt vi phạm kiểm toán
Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đồng tình với các đề xuất tăng cường các đối tượng cần kiểm toán bằng việc bổ sung khoản 5, khoản 6 vào Điều 37 của Luật Kiểm toán độc lập, đó là "doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán, báo cáo tài chính theo quy định của Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức khác theo quy định của luật có liên quan".
Đại biểu Thái Thị An Chung. (Ảnh: quochoi.vn)
Theo bà Chung, luật hiện hành không quy định điều này dẫn tới một số doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn hay các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng, không cần kiểm toán đã gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội trong thời gian qua.
Nữ đại biểu chỉ ra thời gian qua, qua điều tra, xử lý đối với một số vụ án lớn xảy ra tại SCB, Vạn Thịnh Phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, trong đó có các tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đối với các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực.
"Tôi đồng tình cần phải tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kế toán, kiểm toán để đảm bảo tính răn đe đối với các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm. Tuy nhiên, việc tăng như thế nào thì cần phải cân nhắc để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và đảm bảo tương quan chung đối với các lĩnh vực khác", bà Chung đề nghị.
Đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, ngành kiểm toán độc lập Việt Nam đang cần số nhân sự gấp 3-4 lần so với quy mô của thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt là 2 năm.
Minh Tuệ