Thời khắc lịch sử - ngày 1/7/2025, mô hình địa phương 2 cấp và bộ máy mới chính thức hoạt động. Người dân tại vùng ĐBSCL rất tin tưởng và kỳ vọng công cuộc sáp nhập tỉnh, thành và thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tạo tiền đề để bứt phá, phát triển trong thời gian tới.
Người dân vùng ĐBSCL chung niềm tin cuộc sáp nhập lịch sử sẽ giúp đất nước phát triển nhanh trong thời gian tới
Kỳ vọng từ Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã
Trước thời khắc lịch sử vận hành bộ máy mới, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL cũng có sự vào cuộc quyết liệt. Trong đó, việc thí điểm hoạt động cấp xã được lưu tâm đặc biệt, nhất là việc vận hành thử Trung tâm Phục vụ hành chính công. Bởi lẽ, đây chính là nơi gần dân nhất và người dân cần nhất.
Tại phường Tân Thành, tỉnh Cà Mau, Trung tâm Phục vụ Hành chính công đã được trang bị các thiết bị công nghệ tiên tiến, có thể tự nhận diện khuôn mặt người làm thủ tục, cung cấp các hồ sơ, giấy tờ hoàn toàn được số hóa, và luôn có cán bộ công nghệ thông tin hỗ trợ.
Trung tâm Hành chính công phường Tân Thành, tỉnh Cà Mau sẽ đẩy mạnh số hóa hồ sơ thủ tục hành chính
Ông Võ Minh Tân, Chủ tịch UBND phường Tân Thành, chia sẻ về định hướng: “Tới đây, phường sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, nhất là những cán bộ ở Trung tâm Phục vụ hành chính công, lựa chọn những cán bộ có trình độ, năng lực, am hiểu về các lĩnh vực liên quan đến thủ tục hành chính của dân để bố trí vào trung tâm hành chính công này, để đảm bảo phục vụ cho người dân tốt hơn liên quan đến công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Trong quá trình đó, tiếp tục sắp xếp để đảm bảo bộ máy tinh gọn, theo chỉ đạo của Trung ương và tỉnh”.
Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh sẽ tập trung phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử. Trung tâm hành chính công sẽ là nơi ứng dụng để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ.
“Chúng tôi đã thực hiện nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng truy cập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để giảm thiểu giấy. Trong thời gian tới, tăng cường hơn nữa chất lượng dịch vụ công trực tuyến để góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh”, ông Thanh cho biết thêm.
Vĩnh Long mới sẽ quan tâm xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số để phục vụ người dân
Để bộ máy mới thực sự tinh gọn, hiệu quả, việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang rất quan tâm giải quyết chế độ nghỉ hưu, nghỉ việc cho cán bộ có nguyện vọng. Như tỉnh Đồng Tháp đã giải quyết cho 207 đối tượng; Vĩnh Long 227 đối tượng và Cà Mau 473 đối tượng... Phần lớn trong số này thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178, tạo điều kiện cho việc sắp xếp bộ máy theo hướng trẻ hóa, đưa những cán bộ có trình độ về cấp xã để thực hiện mục tiêu đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ.
Trẻ hóa bộ máy, hướng tới chính quyền điện tử
Ông Phạm Thành Ngại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi tiến hành rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ; trong chỉ thị của Trung ương về Đại hội Đảng các cấp cũng yêu cầu có tỷ lệ cán bộ tri thức trong Ban chấp hành các cấp; đồng thời giới thiệu nguồn ứng cử, tham gia vào cấp ủy các cấp để triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ. Ngoài ra, cũng rà soát lại đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh bố trí phù hợp với từng xã, để cấp xã đủ mạnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân trong giai đoạn mới”.
Cà Mau thực hiện tốt chính sách nghỉ hưu để rộng đường đưa cán bộ trẻ có năng lực lên giữ chức vụ lãnh đạo
Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng, hoạt động chính quyền hai cấp ở quy mô lớn hơn, đòi hỏi năng lực cán bộ cao hơn rất nhiều. Nếu bộ máy không nhanh chóng chuyển sang chính quyền số, chính quyền điện tử và khai thác tốt dữ liệu mở thì có nguy cơ quá tải về thủ tục hành chính ở cấp cơ sở.
Ông Hiệp đề xuất đẩy mạnh cải cách thể chế. Cụ thể là trong 3 năm tới, chính quyền tỉnh mới cần kiên quyết cắt giảm từ 30% thủ tục hành chính và nên thí điểm ngay mô hình một cửa không giấy tờ để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất.
Bên cạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cán bộ, việc quy hoạch và phát triển hạ tầng chiến lược cũng là yếu tố không thể thiếu để ĐBSCL bứt phá. Cần quy hoạch tích hợp cả vùng ĐBSCL mở cửa ra biển, ưu tiên hoàn thiện các hành lang ven biển Đông và Tây, tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam nối dài đến TP. Cần Thơ, cùng với hạ tầng logistics để kết nối nội vùng Cửu Long với TP.HCM và cả miền Đông Nam bộ.
“Tăng cường huy động nguồn lực đa dạng, mở rộng các hình thức phát triển hợp tác PPP cho hạ tầng trọng điểm; phát hành trái phiếu xanh địa phương; thiết lập quỹ phát triển về biển đảo để tận dụng cơ hội cho kinh tế biển khi mà các tỉnh vùng ĐBSCL phát triển hướng biển. Tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; liên kết các viện trường, đặc biệt là vai trò của các trường đại học mang tính dẫn dắt, đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt coi trọng các ngành, phục vụ cho sự phát triển kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích start-up trong lĩnh vực nông thủy sản, du lịch xanh”, ông Hiệp nêu ý kiến.
Quyết tâm tháo gỡ "điểm nghẽn" để chuyển mình
Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cũng bày tỏ nỗi lo, khi các tỉnh, thành ở quy mô lớn, không gian lớn mà quy hoạch không bài bản sẽ tạo ra "đại công trường rời rạc", kéo theo rủi ro lãng phí đất đai, đầu tư dàn trải, không hiệu quả thì hệ quả sẽ rất lớn. Đâu đó sẽ xuất hiện tâm lý "tỉnh tôi, tỉnh anh", nguy cơ xảy ra so bì lợi ích, nhất là trong đầu tư và cả sắp xếp, tinh giảm bộ máy địa phương.
Những lo ngại vừa nêu đã được Trung ương dự báo trước và cũng rất được quan tâm. Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhắc nhở.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và Thường trực Tỉnh ủy An Giang, Tổng Bí thư cũng lưu ý, quá trình sắp xếp phải tạo ra bộ máy mới thật sự hiệu lực, hiệu quả: “Trong quá trình sắp xếp việc lựa chọn, bố trí cán bộ phải dựa trên tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, trình độ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, được tín nhiệm trong nhân dân. Phải giữ được cán bộ tốt, có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuyệt đối, không để xảy ra tình trạng cục bộ, chia rẽ, mất đoàn kết. Cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về môi trường kinh doanh, quy hoạch hạ tầng, nguồn vốn, chuyển đổi số và chất lượng nguồn nhân lực.
Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, số hóa thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp, tạo động lực phát triển thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển năng động, đặc biệt là khu vực tư nhân và phát triển kinh tế số”.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang và Thường trực Tỉnh ủy An Giang
Rõ ràng, việc sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành phố và thực hiện chủ trương địa phương hai cấp của Đảng không chỉ là bỏ cấp trung gian, giảm đầu mối mà còn để tạo ra những không gian đủ lớn để phát triển kinh tế - xã hội. Việc sáp nhập cũng mở ra cơ hội lớn cho liên kết vùng, thúc đẩy hình thành các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Tại vùng ĐBSCL, các cực tăng trưởng mới đã hiện rõ, đặc biệt cả 5 tỉnh, thành ở vùng đất Châu Thổ đều đã vươn ra biển với đầy triển vọng. Tuy vậy, những thách thức trong tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế, chất lượng nguồn nhân lực,… vẫn còn đó.
Đặt trong bối cảnh cả nước chuẩn bị để bước vào kỷ nguyên vươn mình, mang theo khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì kỳ vọng các địa phương vùng ĐBSCL bứt phá phát triển cùng cả nước trong thời gian tới là rất lớn. Bước ngoặt lịch sử đã diễn ra, các địa phương trong vùng đất Cửu Long cần thật sự vào cuộc, khơi dậy tinh thần và quyết tâm vươn lên mạnh mẽ để bước vào kỷ nguyên mới.
Nhóm PV/VOV-ĐBSCL