Thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Điểm thi Trường THPT U Minh (Cà Mau).
Không để khoảng trống, gián đoạn
Từ ngày 1/7, ngành Giáo dục các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai phương án quản lý Nhà nước về giáo dục khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động với tinh thần không để xảy ra khoảng trống, không để gián đoạn, chia cắt nhiệm vụ quản lý Nhà nước; bảo đảm chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục. Đồng thời, ngành chủ động làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền về tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Trao đổi về việc vận hành sau sáp nhập, ông Lê Truyền Thống - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Ngành tập trung triển khai theo Công văn số 03 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã định hướng đối với đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có y tế, giáo dục).
Theo đó, đối với lĩnh vực giáo dục: Giữ nguyên các trường mầm non công lập, tiểu học, THCS và chuyển giao chính quyền địa phương cấp xã quản lý. Đối với trung tâm GDNN, GDTX chuyển về sở GD&ĐT quản lý và tổ chức lại để thực hiện cung ứng dịch vụ theo liên xã, phường.
Ông Lê Truyền Thống cho biết thêm, trong công tác chuyên môn, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo về việc rà soát, điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình GDPT 2018 nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn và bối cảnh phát triển mới. Một số môn học chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.
“Ngành nghiêm túc triển khai, chuẩn bị phương án tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy các môn này sẽ thực hiện các bước theo quy định để chỉnh sửa chương trình môn học làm căn cứ để thực hiện chỉnh sửa sách giáo khoa, như cập nhật yêu cầu cần đạt, nội dung kiến thức, địa danh, số liệu, bản đồ, biểu đồ và thông tin kinh tế - xã hội...”, ông Lê Truyền Thống nhấn mạnh.
Học sinh sinh hoạt hè tại Trường THPT Châu Văn Liêm (Ninh Kiều, Cần Thơ). Ảnh: T. Thật
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh: Sở cần chủ động rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy sau sáp nhập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo sự kế thừa, ổn định và thông suốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành; giữ vững đoàn kết nội bộ, ổn định công chức, viên chức, người lao động; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số toàn diện trong toàn ngành…
Đặc biệt, sau khi sáp nhập, cán bộ từ Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng (cũ) về Sở GD&ĐT TP Cần Thơ công tác cần quán triệt tinh thần người một nhà, tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ để cùng nhau hoàn thành tốt nghiệm vụ.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, sau khi sáp nhập, toàn tỉnh có hơn 770 trường học. Sở đang rà soát lại tất cả điểm trường trên địa bàn tỉnh trùng tên gọi để xem xét việc đổi tên cho phù hợp địa giới hành chính mới. Song song đó, rà soát lại cơ sở vật chất, điều kiện dạy học 2 buổi/ngày của các điểm trường để có giải pháp đầu tư, đảm bảo chất lượng dạy và học trước khi bước vào năm học mới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau một số trường có chữ xã gắn với địa danh, tuy nhiên khi sáp nhập địa giới hành chính những xã này không còn. Đơn cử như Trường Tiểu học 2 xã Viên An, nay xã Viên An được sáp nhập vào xã Đất Mũi, lấy tên xã Đất Mũi.
Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 xã Viên An, cho biết: “Tôi nghĩ những trường có chữ xã khi xã cũ không còn thì tên trường phải thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, việc thay đổi cần thời gian để hoàn thiện thủ tục pháp lý, con dấu và lựa chọn tên gọi cho phù hợp.
Về việc phân quyền quản lý cấp tiểu học về chính quyền xã theo tôi phù hợp. Xã quản lý số lượng trường trên địa bàn ít hơn so với phòng trước đây nên sẽ nắm chặt tình hình hoạt động của các trường, từ đó có sự hỗ trợ kịp thời”.
Sở GD&ĐT Cà Mau rà soát lại các điểm trường trên địa bàn tỉnh trùng tên gọi để đổi tên cho phù hợp với địa giới hành chính mới. Trong ảnh, Trường THCS Võ Thị Sáu (Cà Mau). Ảnh. Q. Mến
Động lực để thầy, trò phấn đấu
Ở cấp cơ sở, cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường đang thể hiện tinh thần thích ứng mạnh mẽ. Thầy Cao Xuân Lương - giáo viên Ngữ văn (Trường THPT Hoàng Diệu, TP Cần Thơ), chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi gặp một chút bối rối, như di chuyển giữa các điểm trường, điều chỉnh thời khóa biểu... Nhưng đổi lại, chúng tôi có cơ hội giao lưu chuyên môn với đồng nghiệp nhiều hơn, học hỏi thêm kinh nghiệm giảng dạy. Quan trọng nhất là học sinh không bị gián đoạn việc học”.
Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc, An Giang) nằm ở vùng biên giới với đặc thù khoảng cách địa lý xa, khiến số lượng tuyển sinh thường ít hơn so với các trường chuyên khác. Tuy nhiên, sau sáp nhập, ban lãnh đạo và đội ngũ giáo viên nhà trường tràn đầy khí thế mới. Ông Trần Quốc Vũ - Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết:
Nhà trường đang sẵn sàng đón chờ các chỉ đạo mới từ Sở GD&ĐT tỉnh An Giang. Lãnh đạo và giáo viên của trường phấn khởi và tin tưởng lãnh đạo địa phương cũng như sở GD&ĐT sẽ quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà trường phát triển theo xu hướng mới.
“Theo tôi, sau khi sáp nhập, tỉnh An Giang trở nên giàu mạnh hơn. Đặc biệt, chế độ khen thưởng dành cho giáo viên và học sinh của tỉnh cao hơn. Đây là điều đáng mừng và động lực để thầy trò phấn đấu trong thời gian tới”, thầy Trần Quốc Vũ phấn khởi.
Không chỉ các trường cấp THPT, đội ngũ giáo viên mầm non cũng đón nhận những thay đổi tích cực. Cô Tô Như Quỳnh - giáo viên mới về công tác tại Trường Mầm non thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp, An Giang) gần 2 năm đã chia sẻ những cảm nhận chân thành của mình.
Theo cô Quỳnh, dù sẽ có những thách thức ban đầu, nhưng cô và các giáo viên của trường luôn nhìn nhận đây là cơ hội lớn để tiếp xúc với mô hình giáo dục mới, cách làm hay từ các trường, qua đó học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn.
Đặc biệt, cô Quỳnh tỏ ra hào hứng với điểm mới: “Sau sáp nhập, cấp xã bắt đầu được tổ chức thi giáo viên dạy giỏi. Những giáo viên đủ điều kiện sẽ đồng loạt thi, tạo tinh thần cạnh tranh cao hơn, do đó, giáo viên sẽ chuẩn bị kỹ càng cho việc thi cử để có được kết quả tốt nhất. Bản thân tôi cũng đặt quyết tâm cao, cố gắng phấn đấu để được dự thi”.
Theo chia sẻ của cán bộ quản lý, nhà giáo, trong giai đoạn chuyển mình hiện nay, dù có những bỡ ngỡ ban đầu, nhưng phần lớn giáo viên bày tỏ sự tin tưởng và lạc quan vào thay đổi sắp tới. Nhìn nhận việc sáp nhập không chỉ là sự kiện hành chính, mà còn là cơ hội để phát triển bản thân, nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
“Phân cấp xã quản lý là phù hợp, xã sẽ theo sát tình hình hoạt động các trường hơn, các trường cũng giảm bớt áp lực trong việc tham gia nhiều hội thi, hội diễn trong năm học, thay vào đó tập trung cho công tác chuyên môn.
Tuy nhiên, việc giao về xã quản lý, trách nhiệm của trường trong các hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học… sẽ lớn hơn, bởi có thể trường ít nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ về mặt chuyên môn từ cấp xã, so với trước đây chịu sự quản lý từ phòng GD&ĐT”. - Ông Nguyễn Như Hào - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Thạnh Tây (Phong Thạnh, Cà Mau)
Nhóm Phóng viên