TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&MT).
Thưa ông, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp được các chuyên gia đánh giá là một trong những sáng kiến lớn, điển hình trong ngành lúa gạo của Việt Nam và khu vực. Ông nhận định thế nào về vai trò của HTX trong việc thực hiện Đề án?
Hiện nay, trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, vai trò của HTX là hết sức quan trọng. HTX không chỉ là nơi tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, đồng bộ, mà còn là cầu nối quan trọng giữa người nông dân với các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm và cung ứng đầu vào.
Thông qua HTX, chúng ta có thể triển khai sản xuất theo vùng, theo cánh đồng lớn, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, và đặc biệt là tạo điều kiện để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
HTX đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa của ĐBSCL. Trong Đề án này, HTX đóng vai trò là tổ chức đại diện cho nông dân, trong đó có các mô hình như nhóm nông dân, tổ hợp tác thì HTX đóng vai trò quan trọng nhất.
Sở dĩ vậy bởi vì trong sản xuất giảm phát thải đòi hỏi từ thời điểm ban đầu, đó là làm cách nào để thay đổi nhận thức của người nông dân trong quá trình trồng lúa: Từ giống, giảm 120 – 150 kg/ha xuống còn 60 kg/ha. Để làm được điều đó, cần phải có mô hình HTX để làm dịch vụ cơ giới, như vậy người nông dân mới có thể thay đổi được. HTX cần có sự đầu tư máy xạ, máy bay không người lái (drone)... như vậy mới có thể gieo giống được.
Về quy trình sản xuất, để tiến hành giảm phát thải, đương nhiên chúng ta không thể đo từng hộ nông dân, mà sẽ đo đại diện của nông dân trong cùng một điều kiện đồng ruộng.
Ví dụ, trên một cánh đồng 70ha của 50 hộ nông dân khác nhau, nếu tổ chức được tốt trong cùng một điều kiện về đê bao, thủy lợi, giống, chế độ chăm sóc..., sẽ dễ dàng đặt một thiết bị để đo mực nước tại một điểm, từ đó có thể tính toán các phương án trên cánh đồng quy mô 70ha thậm chí cả 100 – 200ha.
Để làm được hiệu quả những công việc trên thì tổ chức của HTX đóng vai trò rất quan trọng, đó là tổ chức cho nhiều thành viên tham gia trong cùng một HTX, tiếp đến là vận động các thành viên thống nhất trong một quy trình dùng giống lúa gì, ngày nào xuống giống, ngày nào bơm nước, ngày nào rút nước, dùng cơ giới như thế nào, thiết bị đặt ở đâu, ai là người phụ trách việc ghi chép và chụp hình theo dõi các minh chứng để điều tiết phù hợp,... Đây là một việc làm rất quan trọng – nằm trong vai trò tổ chức người nông dân của HTX.
Điểm thứ ba, đó là với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cuối cùng mục tiêu là giúp tăng thu nhập của người trồng lúa. Như vậy, HTX đóng vai trò là một trong những tác nhân quan trọng trong việc liên kết và tiêu thụ lúa đối với DN.
DN cần HTX đủ năng lực để làm dịch vụ cho DN. HTX cần chứng minh cho DN thấy đang liên kết sản xuất theo chuỗi, từ đó mới có lợi cho các thành viên HTX, nếu không thì hợp đồng mua bán không có nghĩa lý gì nữa.
Từ đó yêu cầu HTX phải đủ năng lực làm dịch vụ cho thành viên, nhận lúa giống phân phát, nhận vật tư đầu vào; ghi chép sổ sách điện tử để từ đó DN có thông tin làm căn cứ để đi bán hàng, tìm đầu ra. HTX tổ chức máy cơ giới để thu hoạch cho DN, phương tiện vận chuyển từ cánh đồng về kho thu mua.
HTX cũng là nhân tố ký hợp đồng với DN thay các thành viên HTX, từ đó giúp DN giảm thời gian, giảm nhân lực, giảm chi phí... và giúp nâng cao giá cả cho các sản phẩm của HTX.
HTX còn đóng vai trò trung gian để tổ chức sản xuất và làm dịch vụ cho DN để người nông dân cũng có lợi và DN cũng có lợi. Đơn cử, nếu HTX đủ năng lực tổ chức thu hoạch bằng máy cơ giới, sẽ đảm bảo chất lượng hạt gạo, tỷ lệ tấm ít giúp nâng cao giá bán từ 100 – 200 đồng/kg so với để cho thương lái tự thu mua. Qua đó cho thấy sự xuất hiện của HTX sẽ giúp nâng cao chất lượng hạt gạo, tốt cho người nông dân và họ sẽ đồng thuận.
Đặc biệt, sau này, khi người nông dân được thanh toán tiền từ các giao dịch tín chỉ carbon thì HTX cũng đóng vai trò là nhân tố đại diện để nhận và phân phối cho các hộ nông dân là thành viên.
Từ tiền đó, HTX có thể cùng bàn bạc với người nông dân để đầu tư hạ tầng, như san lấp mặt bằng, làm đường, kênh mương thủy lợi,...
Theo TS Trần Minh Hải, HTX đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.
Để góp phần phát huy hiệu quả từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giúp giảm phát thải trong sản xuất lúa gạo, theo ông, các HTX cần làm gì?
Điều khiến tôi trăn trở nhất ở Đề án này, đó là chúng ta đang tập trung nói nhiều về sản xuất giảm phát thải và bán tín chỉ carbon. Đó chính là điểm sai so với mục tiêu của Đề án.
Theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với Đề án 1 triệu ha lúa, mục tiêu chính là tổ chức lại ngành trồng lúa. Khi tổ chức lại ngành trồng lúa theo hướng bền vững, đó là giảm đầu vào, giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lần bơm nước. Thực hiện được những việc đó chính là mục tiêu lớn nhất mà Đề án hướng đến.
Điểm thứ hai của đề án này là sản xuất canh tác bền vững. Từ việc giảm phân, thuốc, giúp có lợi cho đất đai, dinh dưỡng, môi trường và đặc biệt là tốt cho sức khỏe của người nông dân.
Khi gieo sạ đúng tiêu chuẩn giúp hạt lúa đảm bảo đủ điều kiện để sinh trưởng, ít sâu bệnh và không phụ thuộc thuốc, mang lại năng suất cao,... Từ đó đủ điều kiện để bán sản phẩm với giá cao. “Giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị đầu ra” - đó chính là mục tiêu thứ hai của Đề án hướng đến, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.
Thông qua quá trình đó, chúng ta góp phần làm giảm phát thải. Việc bán tín chỉ carbon nếu đạt được là tốt, nếu không được thì chúng ta vẫn đạt được mục tiêu sản xuất bền vững.
Vậy, ông có lưu ý gì để nâng cao hơn nữa năng lực và vai trò của HTX, giúp phát huy hiệu quả trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo?
Một điểm nữa của Đề án này là các tỉnh hoặc một số kế hoạch của trung ương, hiện nay đang đầu tư hạ tầng, như đường, trạm bơm... nhưng phần phi công trình, đó là nâng cao năng lực quản lý và điều hành của HTX, mở rộng quy mô thành viên chính thức của HTX – hiện nay các tỉnh đang lơ là. Đây chính là điểm khiến tôi lo ngại.
Ví dụ, bình quân HTX trên toàn quốc hiện nay chỉ đạt 202 người/HTX, ở ĐBSCL chỉ là 80 người/HTX. Trong khi tại Thái Lan hiện là 1.500 người và Nhật Bản là 14.000 người và Hàn Quốc 2.500 người/HTX,... Vậy, để quy mô HTX càng lớn thì số thành viên chính thức trên mỗi HTX phải lớn.
Trong khi đó, để vận hành, phát triển tốt thì yêu cầu năng lực của các lãnh đạo HTX phải tốt. Do đó, ngoài mục tiêu của Đề án, chúng ta phải hiểu để thống nhất nâng cao năng lực các lãnh đạo HTX thông qua đội ngũ chuyên gia tư vấn từ Liên minh HTX Việt Nam và Bộ NN&MT...
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Hươngthực hiện