Để cánh đồng lớn không... bé dần

Để cánh đồng lớn không... bé dần
6 giờ trướcBài gốc
Theo tổng hợp từ các địa phương, nếu như năm 2011 có hơn 7.800ha cánh đồng lớn (CĐL) và tăng dần đến 2016 là 579.300ha, thì đến năm 2018 giảm còn 380.000ha, năm 2020 tiếp tục giảm còn 271.000ha và từ 2021 đến nay ước giảm chỉ còn hơn 100.000ha.
Nhiều kỳ vọng nhưng chưa bền vững
Những con số này cho thấy, những CĐL ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển, thậm chí dần bị thu hẹp. Trong khi, mô hình CĐL hướng đến tổ chức sản xuất quy mô lớn, áp dụng đồng bộ kỹ thuật, liên kết chặt chẽ giữa "4 nhà": nông dân, HTX, doanh nghiệp và Nhà nước. Dù được triển khai tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng mô hình này còn thiếu bền vững.
Một trong những nguyên nhân chính là liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và HTX còn lỏng lẻo. Hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ khi giá thị trường biến động. Nông dân vẫn giữ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, khó đồng bộ về giống, kỹ thuật, lịch thời vụ. Trong khi đó, doanh nghiệp thường gặp rủi ro khi không thu mua được đủ nguyên liệu đúng chuẩn chất lượng.
Ông Trần Văn Lô Ba, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thạnh (An Giang), cho biết một trong những mục tiêu quan trọng của CĐL là đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vậy nhưng HTX vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì các hợp đồng tiêu thụ dài hạn, ổn định với doanh nghiệp. Đi liền với đó, giá cả thường biến động theo thị trường, gây rủi ro cho cả HTX và nông dân.
Phát triển CĐL tạo thuận lợi cho cơ giới hóa đồng bộ.
Bên cạnh đó, các HTX đóng vai trò then chốt trong mô hình CĐL - là cầu nối tổ chức sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, tiếp nhận đơn hàng từ doanh nghiệp và phân phối lại cho nông dân. Tuy nhiên, phần lớn HTX hiện nay hoạt động còn chưa đủ mạnh về năng lực tài chính lẫn tổ chức.
Nhiều HTX không đủ vốn đầu tư máy móc, hạ tầng; cán bộ quản lý HTX phần lớn chưa qua đào tạo bài bản về quản trị kinh tế nông nghiệp; thiếu nhân lực trẻ có chuyên môn. Mặt khác, cơ chế hỗ trợ HTX chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo động lực thu hút nông dân tham gia lâu dài.
HTX Bình Thành (An Giang) đã mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng hệ thống tưới tiêu thông minh, sử dụng giống lúa chất lượng cao và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn. Nhờ đó, HTX đã liên kết ổn định với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, ngay cả một HTX được xem là điển hình như Bình Thành cũng chia sẻ rằng việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng vùng nguyên liệu hay đầu tư thêm máy móc vẫn còn rất khó khăn, do chưa có tài sản thế chấp hoặc thiếu cơ chế bảo lãnh tín dụng.
Hướng đi nào cho tương lai?
Việc phát triển CĐL là xu thế tất yếu nếu Việt Nam muốn nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia và hướng đến xuất khẩu bền vững.
Theo một chuyên gia nông nghiệp, những nước sản xuất nông nghiệp thành công, hiệu quả trên thế giới hiện nay đều chú trọng phát triển những CĐL, thậm chí là những cánh đồng rất lớn để thuận lợi trong đồng bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng.
Như ở Mỹ, để đầu tư cho ngành chăn nuôi, nước này đã phát triển những cánh đồng ngũ cốc, đậu tương quy mô lớn từ vài trăm ha đến hàng nghìn ha trở lên ở các vùng như Trung Tây và Tây nước Mỹ. Hiện, những trang trại quy mô gia đình ở Mỹ thường có diện tích từ 180-200ha; những trang trại lớn có diện tích trung bình 575 - 810ha.
Còn tại Úc, các trang trại trồng lúa mì, lúa mạch, cải dầu và chăn thả gia súc (bò thịt, cừu) thường rộng hàng nghìn hoặc thậm chí hàng chục nghìn ha. Ở những vùng xa xôi hơn, đặc biệt là ở Tây Úc và lãnh thổ phía Bắc, các trang trại (trang trại lớn) nhiều khi vượt quá 100.000 ha.
Theo vị chuyên gia này, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, Brazil có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, bằng phẳng và ít bị chia cắt bởi địa hình phức tạp như ở Việt Nam nên thuận lợi phát triển những CĐL hơn so với Việt Nam. Ngoài ra, các nước thường rất phát triển về khoa học, công nghệ, cơ giới hóa nên thúc đẩy phát triển những CĐL để tối ưu chi phí.
Một điều nữa đó là các chính sách liên quan đến phát triển CĐL ở các nước rất rõ ràng, thuận lợi, không giống như Việt Nam hiện nay. Các nước thường có quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp rõ ràng, tạo điều kiện cho người dân, HTX tích tụ đất đai và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn. Nông dân và các tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thường được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình trợ cấp, bảo hiểm nông nghiệp từ chính phủ.
Trong khi ở Việt Nam, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, tập trung đất đai dường như vẫn rất khó triển khai trong thực tiễn. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX Minh Tâm (Tuyên Quang), cho biết HTX phải mất rất nhiều thời gian họp bàn, vận động từng thành viên, thậm chí phải thuê lại đất của một số thành viên không muốn tham gia, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong mở rộng diện tích liền bờ, liền thửa. Điều này đồng nghĩa với việc HTX khó có thể đưa cơ giới hóa vào sản xuất, khó nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng lợi nhuận cho thành viên, người lao động.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&MT) cho biết các HTX ngày càng đóng vai trò trung tâm trong xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn. Tổ chức sản xuất quy mô lớn, có liên kết và kiểm soát đồng bộ là điều kiện tiên quyết để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây cũng là yêu cầu được đặt ra trong Luật HTX năm 2023, với định hướng HTX là đơn vị tổ chức sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Do đó, để mô hình CĐL phát huy hiệu quả, cần xem HTX là tổ chức kinh tế thực thụ, được hỗ trợ toàn diện như doanh nghiệp, có vai trò điều phối và chịu trách nhiệm rõ ràng trong chuỗi liên kết. Bài toán về tích tụ ruộng đất, cơ chế chính sách linh hoạt, đầu tư hạ tầng đồng bộ và nâng cao năng lực con người là những yếu tố then chốt để tháo gỡ các "nút thắt" đang cản bước mô hình CĐL tại Việt Nam.
Huyền Trang
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/de-canh-dong-lon-khong-be-dan-1106343.html