Để cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời Hiền Lương

Để cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời Hiền Lương
9 giờ trướcBài gốc
Kỳ đài Hiền Lương trong ngày hội
Tôi về làng Hiền Lương vào giữa vụ gặt. Cả cánh đồng ngào ngạt, vàng rực một màu lúa chín. Dòng sông Sa Lung uốn quanh như một dải lụa thiên thanh ôm lấy lưng làng. Và trước mặt là đường thiên lý Nam-Bắc mượt mà, óng ả, tựa một mái tóc thiếu nữ. Được người làng giới thiệu, tôi tìm gặp ông Hoàng Kha, cựu dân quân làng Hiền Lương.
Ông Hoàng Kha nhớ lại: “Cờ Tổ quốc ở đầu cầu Hiền Lương trong những năm chia cắt hai miền Nam-Bắc là sức mạnh và là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là niềm hy vọng bỏng cháy và niềm tin son sắt của đồng bào miền Nam hướng về miền Bắc; là nỗi ám ảnh kinh hoàng, sự sợ hãi tột độ của kẻ thù.
Bởi vậy nên ngay từ lúc mới leo thang đánh phá miền Bắc, đánh phá Vĩnh Linh, mục tiêu số một của Mỹ-ngụy là phải ngay lập tức dùng không quân và pháo binh phá gãy cột cờ Hiền Lương. Không ai có thể tính được rằng có tất cả bao nhiêu tấn bom đạn mà giặc Mỹ đã trút xuống Hiền Lương chỉ nhằm mục đích phá gãy cột cờ. Quân và dân Vĩnh Linh đã anh dũng đánh trả bọn xâm lược để bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc...”.
Thượng tá cựu chiến binh Trần Biên, nguyên chiến sĩ Khu đội Vĩnh Linh ngày ấy thì kể: “Địch đánh phá Hiền Lương ác liệt nhất là vào năm 1967. Chúng một mặt cho máy bay liên tục ném bom, một mặt cho phi pháo từ hạm đội 7 bắn vào, đại bác từ Dốc Miếu bắn ra. Và một quả tên lửa của chúng đã làm gãy cột cờ.
Thấy cột cờ Hiền Lương bị gãy, bọn địch hí hửng lắm! Nhưng niềm vui của chúng kéo dài không lâu, vì chỉ sau một đêm trôi qua, các chiến sĩ của chúng ta đã dựng lên ở vị trí cũ một cột cờ bằng gỗ phi lao rất cao, và sáng ra trên đỉnh cột đã thấy một lá cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ tung bay. Thế là chúng lại đánh ngày đánh đêm, Hiền Lương thêm một lần nữa chìm ngập trong khói lửa đạn bom.
Ngày nào cũng lúc nhúc hàng đàn “quạ sắt” Mỹ từ F105, đến AD6, F4...tung hoành bắn phá. Nhưng kỳ lạ thay trên bầu trời Hiền Lương lúc nào cũng chói lọi, rực rỡ một màu cờ đỏ sao vàng. Để bảo vệ cờ, ta đã xây dựng quanh Hiền Lương từ Vĩnh Giang đến Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Vĩnh Nam... hàng chục trận địa chiến đấu, hàng chục cây số hào giao thông.
Từ cuối năm 1966 đến đầu năm 1970 ta đã đánh rả kẻ thù trên 300 trận lớn nhỏ, mà trận tiêu biểu nhất, gây cho kẻ thù tổn thất nhất là trận xảy ra ngày 20/3/1967. Trận này, hàng trăm khẩu pháo, ĐKZ, hỏa tiễn của ta từ khắp các trận địa ở Vĩnh Linh đã đồng loạt nhả đạn vào căn cứ Dốc Miếu tiêu diệt 1.070 tên địch.
Trong trận này, một chiến sĩ của ta đã leo lên đỉnh cột cờ, quấn quanh mình một góc lá cờ Tổ quốc để ngụy trang rồi dùng ống nhòm hướng về phía địch điều chỉnh cho pháo binh ta nã pháo chính xác vào kẻ thù. Để trả đũa đòn tấn công của ta, địch lại điên cuồng cho máy bay bắn phá Hiền Lương. Cột cờ lại bị gãy, lá cờ lại bị rách. Ta phải tiếp tục thay cột, thay cờ.
Quyết tâm của ta là không một ngày nào, thậm chí không một giây phút nào để cờ Tổ quốc ngừng bay trên bầu trời Hiền Lương. Hồi đó ta có một cơ sở chuyên may cờ cho Hiền Lương đặt ở xã Vĩnh Nam. Ta đã phải ngày mấy lượt thay cờ, có những ngày thay đến tám lần, mười lần. Rồi khi cờ bị rách nhiều quá không còn đủ để thay, ta phải vá cờ. Bắt đầu từ đây xuất hiện một người mẹ làng Hiền Lương chuyên làm việc vá cờ...
Mẹ Ngô Thị Diệm ngày ấy tròn 45 tuổi, là một trong bốn phụ nữ làng Hiền Lương lớn tuổi nhất còn bám trụ lại làng, không tản cư ra Tân Kỳ, Nghệ An. Ở lại quê hương, các mẹ được phân công làm cấp dưỡng, nấu cơm cho bộ đội, công an, dân quân giới tuyến, chăm sóc thương binh và cả giặt giũ, khâu vá áo quần cho các chiến sĩ.
Vào một chiều chạng vạng, khi mẹ Diệm đang một mình giặt quần áo ở sông Sa Lung thì có một người đàn ông lạ mặt, nói giọng Bắc hỏi mẹ đường ra sông Bến Hải. Ban đầu, mẹ nhầm tưởng ông ta là cán bộ đi công tác nên đã định chỉ đường, nhưng nhìn kỹ, mẹ nhận thấy thái độ ông ta có vẻ không tự nhiên, mẹ đã cảnh giác, lừa được ông ta đưa về nhà mình.
Nhà mẹ thường xuyên có các chiến sĩ Công an vũ trang Đồn Hiền Lương đến ở, làm việc. Tại đây, qua điều tra của các anh công an, người lạ mặt đã phải thú nhận mình là một gián điệp của Mỹ-ngụy đang tìm đường trở vào Nam. Tên gián điệp bị bắt, dân quân, bộ đội, công an... ai cũng chúc mừng cho chiến công của mẹ.
Thời gian này các anh bộ đội, công an trở thành những đứa con yêu của mẹ. Mỗi lần chiến sự xảy ra, cờ Tổ quốc ở đầu cầu Hiền Lương bị rách vì bom Mỹ, các anh công an lại mang về lán để khâu vá lại. Nhìn những đôi tay con trai vụng về cầm kim vá cờ, mẹ vừa buồn cười, vừa thương yêu các anh, vừa căm thù giặc Mỹ. Từ hôm đó mẹ tự nguyện nhận thêm công việc vá cờ.
Mỗi một lá cờ Tổ quốc bị bom Mỹ phá rách, bao giờ cũng được đôi bàn tay mẹ nâng niu giặt giũ, cẩn thận với từng đường kim mũi chỉ. Bom đạn kẻ thù ngày một ác liệt hơn, làng Hiền Lương bị cày xới lên, biết bao chiến sĩ chúng ta đã ngã xuống cho cột cờ đứng thẳng và lá cờ tung bay. Mẹ nén lại nỗi đau và như quên đi tất cả để chỉ tập trung toàn bộ tâm trí cho việc vá cờ. Mẹ cần phải vá nhanh hơn, đường chỉ cũng cần phải chắc chắn, cẩn thận hơn.
Lá cờ của Tổ quốc dù bị rách vá lại, nhưng cũng cần phải đẹp đẽ, thẳng thắn, thơm tho. Mẹ vá ngày, vá đêm, vá cả lúc đang ngồi trong hầm trú ẩn, dưới giao thông hào; vá cả khi máy bay địch đang lồng lộn gầm rú trên bầu trời. Chưa bao giờ mẹ thấy yêu Tổ quốc như khi mẹ vá cờ Tổ quốc. Và cũng chưa bao giờ mẹ thấy Tổ quốc lại gần gũi, thiêng liêng như trong những ngày nước sôi lửa bỏng này.
Qua những câu chuyện kể về mẹ Ngô Thị Diệm của các cựu dân quân làng Hiền Lương, tôi đã hình dung một khoảng thời gian vá cờ của mẹ như thế. Có lẽ đó chưa phải là đầy đủ, càng không phải là tất cả những gì mẹ đã làm, đã yêu đối với ngọn cờ Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến.
Mẹ Hoàng Thị Tuất, một trong ba người mẹ ở làng Hiền Lương tham gia vá cờ Tổ quốc trong những ngày ấy xúc động kể lại: “Ban đầu tui không tham gia vá cờ mà chỉ chuyên công việc nấu nướng cho bộ đội, dân quân, sau rồi vì máy bay đánh quá dữ, cờ rách quá nhiều, một mình mụ Diệm vá không kịp, rứa là phải gọi thêm tui và mụ Viễn.
Trong ba chị em tui, mụ Viễn là người lớn tuổi nhất, rồi tới tui. Mụ Diệm vừa ít tuổi, vừa đẹp người, đẹp nết và lại có tài khâu vá. Mấy cái áo, cái quần của bộ đội bị rách mụ ấy vá tay mà đẹp như vá máy. Mụ ấy vá cờ thì vừa nhanh vừa kỹ, tui với mụ Viễn theo hoài không kịp. Hồi đó đạn bom cực khổ nhưng vui...!”
Tôi hỏi ông Hoàng Kha: “Bác có nhớ cờ của ta hồi đó ở đầu cầu Hiền Lương rộng khoảng bao nhiêu không?”. Ông Kha suy nghĩ một lúc mới trả lời: “Khi cột sắt chưa bị gãy vì bom Mỹ thì cờ của ta rộng hơn một trăm mét vuông, còn cái cột cao tới hai mươi mấy mét. Cờ của ta lớn hơn nhiều so với cờ của địch bên bờ Nam.
Sau này do giặc Mỹ ném bom liên tục, cột cờ luôn bị gãy, nhưng để cờ Tổ quốc không một giây phút ngừng tung bay trên bầu trời Hiền Lương, ta phải tạm thay bằng cột gỗ phi lao cao mười lăm mét, lúc ấy cờ của ta chỉ rộng khoảng vài chục mét vuông...”. “Công việc vá cờ của mẹ Diệm kéo dài khoảng bao nhiêu năm?”. Ông Kha trả lời: “Khoảng hai năm hay hơn hai năm gì đó”.
Tôi đã thử làm phép tính để biết trong từng ấy năm trời những người mẹ làng Hiền Lương, mà tiêu biểu là mẹ Ngô Thị Diệm đã phải vá cả thảy bao nhiêu mét cờ bị rách vì bom Mỹ. Một nghìn mét, năm nghìn mét, mười nghìn mét hay nhiều hơn? Tôi đã không thể nào tính được. Tôi chỉ biết rằng, công việc vá cờ của mẹ ngày ấy bên dòng sông lịch sử này, bây giờ đã trở thành huyền thoại-một huyền thoại thấm đẫm máu của biết bao đồng bào đồng chí trên mảnh đất Vĩnh Linh vốn chịu nhiều mất mát, thương đau nhưng anh dũng, quật cường và huyền thoại ấy sẽ mãi mãi lưu truyền đến mai sau.
Tôi thầm ước, giá như mẹ còn sống đến hôm nay để tận mắt chứng kiến những đổi thay nhanh chóng trên quê hương của mẹ. Làng Hiền Lương bây giờ đã là một làng quê thanh bình, yên ả. Sắc ngói đỏ tươi từ những mái nhà đang hòa lẫn, quấn quyện trong màu xanh biêng biếc của ruộng lúa, vườn rau, hồ tôm, ao cá.
Cầu Hiền Lương đã được xây dựng lại đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Còn mẹ-người mẹ vá cờ Tổ quốc ngày ấy-cũng đã được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi trầm ngâm bên mộ mẹ, thắp lên mấy nén hương, lòng cầu mong cho linh hồn mẹ thanh thản nơi chín suối. Ngoài kia, tiếng sóng vẫn vỗ về, dập dìu, êm ả. Cây cầu Hiền Lương của mẹ ngày xưa giờ đã được phục chế lại đang vắt mình qua sông và công trình bảo tồn, tôn tạo. Cờ Tổ quốc trên kỳ đài ngày ngày tung bay trong gió là biểu tượng của một đất nước độc lập, thống nhất và khát vọng hòa bình.
Bút ký: Nguyễn Ngọc Chiến
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/de-co-to-quoc-tung-bay-tren-bau-troi-hien-luong-193302.htm