Trong văn hóa Việt Nam, đạo hiếu là lòng kính trọng, biết ơn và sự chăm sóc đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Đây là một trong những giá trị đạo đức cốt lõi, được truyền từ đời này sang đời khác.
Đạo hiếu không chỉ giúp gia đình gắn kết mà còn là nền tảng cho một xã hội vững mạnh, nơi con người biết yêu thương, kính trọng nhau.
1. Chị Võ Khắc Huyền Vy (phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An) lớn lên trong gia đình nề nếp, giàu truyền thống văn hóa. Là hậu duệ của dòng họ Võ Khắc, có ông cố là cụ Võ Khắc Triển - vị Tiến sĩ Nho học cuối triều Nguyễn, chị Vy thấm nhuần đạo lý làm người, đặc biệt là lòng hiếu thảo và biết ơn đối với tổ tiên.
"Gia đình tôi có 4 thế hệ, tổng cộng 24 thành viên. Cha tôi là con út, hiện trông coi nhà thờ của dòng họ. Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến sự quan tâm, yêu thương giữa các thành viên, điều đó giúp tôi biết thấu hiểu và sẻ chia với người khác" - chị Vy chia sẻ.
Gia đình nhiều thế hệ của chị Võ Khắc Huyền Vy (phường 1, TP.Tân An) ấm êm, hạnh phúc
Mặc dù xã hội ngày càng thay đổi nhưng chị Vy vẫn cố gắng giữ gìn và phát huy các giá trị của đạo hiếu qua việc duy trì, chu toàn nghi lễ vào các dịp giỗ chạp, lễ, tết. Khoảng cách tuổi tác chênh lệch và có nhiều khác biệt trong lối sống, tư tưởng nhưng chị Vy luôn học cách thấu hiểu, chăm sóc ông bà, cha mẹ.
"Tôi không muốn những giá trị đạo hiếu bị mai một trong thời đại số. Vì vậy, tôi cố gắng tận dụng công nghệ để kết nối với gia đình, thường xuyên gửi cho cha mẹ những bài viết về sức khỏe, dinh dưỡng, nhắc nhở họ chăm sóc bản thân. Khi không ở nhà, tôi gọi điện thoại, video call hỏi thăm sức khỏe cha mẹ và bà nội" - chị Vy cho biết.
Theo chị Vy, cha mẹ và bà nội khá thành thạo các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook. Gia đình chị còn tạo một group Zalo với đầy đủ các thành viên để cập nhật tin tức cho nhau.
“Tôi nhận ra có lẽ cha mẹ học cách dùng mạng xã hội không chỉ để giải trí mà còn để kết nối với thế hệ chúng tôi dễ dàng hơn. Nhìn mẹ từ không rành công nghệ, không thể nhắn tin trên điện thoại, giờ đây thường nhắn tin cho tôi đầu tiên, tôi thật sự cảm thấy yêu gia đình rất nhiều” - chị Vy thổ lộ.
2. Gia đình chị Nguyễn Huyền Trang (xã Lương Bình, huyện Bến Lức) hiện có 4 thành viên với 2 thế hệ gồm cha, mẹ, em trai và chị. Dù đôi lúc có những bất đồng nhưng mọi người luôn tìm cách giải quyết để duy trì sự hòa thuận.
Với chị Trang, đạo hiếu là sợi dây gắn kết các thế hệ, tạo nên sự yêu thương và trách nhiệm. “Tôi luôn thảo kính với ông bà, cha mẹ, ghi nhớ công ơn dưỡng dục, sinh thành. Đối với tôi, ông bà, cha mẹ là động lực để tôi cố gắng làm việc và phát triển” - chị Trang nói.
Gia đình chị Nguyễn Huyền Trang (xã Lương Bình, huyện Bến Lức) luôn quan tâm, hỗ trợ nhau trong cuộc sống
Với ông bà, cha mẹ, chị hay mua tặng những món quà chăm sóc sức khỏe vào các dịp đặc biệt. Mỗi ngày hoặc 2-3 ngày/lần, chị Trang lại gọi điện thoại thăm hỏi cha mẹ, ông bà. Khi ở nhà, chị sẽ hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ, dành thời gian ăn cơm, tâm sự những điều vui, buồn cùng gia đình.
“Trong thời đại số, việc giữ gìn và phát huy đạo hiếu đòi hỏi sự nỗ lực từ cả 2 phía: Thế hệ trẻ và thế hệ lớn tuổi. Trong đó, thế hệ trẻ cần ý thức được tầm quan trọng của đạo hiếu, biết cách sử dụng công nghệ hợp lý để kết nối với gia đình. Thế hệ lớn tuổi cũng cần cởi mở, tiếp cận công nghệ để gần gũi hơn với con cháu” - chị Trang cho biết.
Giữa sự phát triển mạnh mẽ của bối cảnh hiện đại, đạo hiếu vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi. Dù công nghệ có phát triển đến đâu, sự quan tâm chân thành, tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình vẫn là những yếu tố then chốt để gìn giữ và phát huy đạo hiếu./.
Ngọc Hân