Tăng trưởng cao hơn đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ hơn. Ảnh minh họa
Thảo luận tại phiên họp Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng bày tỏ sự đồng tình cao với Tờ trình và đề án bổ sung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 do Chính phủ trình lên. Ông nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng 8% là rất quan trọng và cần thiết, nhằm tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đó, Tổng thư ký Quốc hội đã đề xuất ba nội dung quan trọng cần xem xét, theo đó, việc đạt tăng trưởng tốc độ cao yêu cầu những giải pháp quyết liệt nhằm huy động nguồn lực đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp và thu hút vốn xã hội. Thứ hai, cần kiểm soát lạm phát trong ngường 4,5 - 5% trong bối cảnh tăng trưởng cao, chính sách ổn định chỉ số giá tiêu dùng trở nên quan trọng, nhất là khi tính đối xây đổi của kinh tế thế giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Thứ ba, trong điều chỉnh các chính sách tài chính, việc điều chỉnh ngân sách nhà nước, huy động các nguồn lực và xem xét giới hạn nợ công, nợ Chính phủ lên đến ngưỡng 5% cần được đặt ra với tư duy cẩn trọng.
Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh, thời gian còn lại của năm 2025 không nhiều, do đó, các giải pháp cần phải quyết liệt, tập trung vào các đối tượng có tác động nhanh nhất. Theo đó, thúc đẩy tiêu dùng và thu hút du lịch cần xem xét các chính sách như nới lỏng visa, hỗ trợ hàng không để thu hút du khách quốc tế; Tăng cường đầu tư vào các khu vực động lực là TP.HCM, Hà Nội, Đông Nam Bộ, Quảng Ninh... với các biện pháp gỡ khó kết hợp với giao chỉ tiêu tăng trưởng rõ ràng; Tập trung vào các lĩnh vực có tác động nhanh với việc triển khai ngay các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, thúc đẩy các ngành mũi nhọn như công nghệ cao, dịch vụ, du lịch...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thì đề nghị cần khẩn trương sửa Luật Lâm nghiệp và tháo gỡ vướng mắc trong chính sách. Trong đó, các bất cập trong Luật Lâm nghiệp đang gây ách tắc trong quy hoạch rừng, đất lâm nghiệp và khai thác tiềm năng kinh tế dưới tán rừng.
Theo ông, quy hoạch rừng hiện nay bị chồng lẫn giữa các loại rừng (phòng hộ, đầu nguồn, sản xuất), gây khó khăn cho các địa phương trong phát triển kinh tế. Nhiều khu vực bị gán danh rừng phòng hộ, dù trải qua nhiều năm không còn đủ chức năng bảo vệ.
Bên cạnh Luật Lâm nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nhấn mạnh vấn đề đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện nay, các địa phương đang gặp khó khăn trong việc chuyển nguồn kinh phí do chưa có hướng dẫn rõ ràng. Ông đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn chuyển nguồn kinh phí giữa các chương trình để các địa phương chủ động hơn trong thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh thì nhấn mạnh một số nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh chuyển đổi số và hoàn thiện thể chế pháp luật, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên theo kịch bản tăng trưởng của Chính phủ là tiền đề quan trọng để nền kinh tế hướng đến mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng trong hồ sơ trình Quốc hội, Chính phủ chưa kèm theo dự thảo nghị quyết cụ thể, do đó cần bổ sung để bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc.
Bên cạnh đó, việc giải quyết các điểm nghẽn kéo dài trong nền kinh tế là yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Đặc biệt, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chưa hiệu quả cần được khắc phục triệt để. Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất, nguồn cung nguyên vật liệu, cũng như quy trình giải ngân các dự án ODA cần có giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác được bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh là đẩy mạnh chuyển đổi số trên diện rộng, không chỉ trong hoạt động của Chính phủ, các bộ ngành mà còn lan tỏa đến các tổ chức, doanh nghiệp và đời sống xã hội. Bà đặc biệt lưu ý đến kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu khi coi trí tuệ nhân tạo (AI) là một công cụ phổ cập như xóa mù chữ, nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để "đi tắt đón đầu" trong cuộc cách mạng công nghệ.
Nâng cao năng suất lao động, đặc biệt trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng là một nhiệm vụ cấp bách. Đây không chỉ là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế mà còn giúp gia tăng thu nhập của người lao động, từ đó thúc đẩy sức mua và tiêu dùng trong xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững
Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, hoàn thiện thể chế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay mới có đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi các luật quan trọng khác như Luật Doanh nghiệp, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa được đưa vào lộ trình sửa đổi. Bà đề nghị Chính phủ rà soát và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, đồng thời xem xét mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương để huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng kinh tế.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ bản thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như các ý kiến bổ sung. Những nội dung này sẽ được Chính phủ lưu ý trong quá trình hoàn thiện chính sách và chỉ đạo điều hành.
"Vấn đề lớn nhất chính là xác định nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ", ông Dũng phát biểu và chỉ ra rằng, Chính phủ nhận thức rõ rằng cần có hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính:
Thứ nhất, nhóm giải pháp ngắn hạn: Đây là những biện pháp có tác động trực tiếp và ngay lập tức trong năm 2025. Chẳng hạn, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy dòng vốn đầu tư hay triển khai nhanh các dự án trọng điểm sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực ngay trong ngắn hạn.
Thứ hai, nhóm giải pháp dài hạn: Đây là những nhiệm vụ mang tính nền tảng, có thể cần thời gian để triển khai và sẽ phát huy tác dụng trong giai đoạn 2026 - 2030. Các vấn đề về cải cách thể chế, sửa đổi khung pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng Nghị quyết 57... sẽ có độ trễ nhất định, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế trong trung và dài hạn.
Vì vậy, trong quá trình xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, sẽ kết hợp linh hoạt cả hai nhóm này để đảm bảo tính khả thi và đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra. Đây là thách thức rất lớn, và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá năm 2024, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, 15 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mức đề ra. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Được các tổ chức quốc tế ghi nhận triển vọng kinh tế Việt Nam tích cực, ổn định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với những khó khăn, thách thức được nêu trong các báo cáo và nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp đột phá để tiếp tục phát triển bền vững trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Về điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định các điều chỉnh quan trọng về chỉ tiêu tăng trưởng: Mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân duy trì trong khoảng 4,5 - 5%; Trong trường hợp cần thiết, cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức 4 - 4,5%; Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể chạm hoặc vượt ngưỡng cảnh báo 5%.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung triển khai quyết liệt Kết luận số 97 và Kết luận số 123 của Trung ương, được thể chế hóa trong các nghị quyết quan trọng của Quốc hội. Trong đó, cần lưu ý một số nội dung trọng tâm. Bám sát mục tiêu tăng trưởng trên 8% để xác định lộ trình, trách nhiệm cụ thể trong xây dựng và thực thi các luật, nghị quyết của Quốc hội. Cải cách thể chế, hành lang pháp lý: Đảm bảo chất lượng và tiến độ ban hành các văn bản pháp luật, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi luật, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp, Luật Doanh nghiệp và một số luật quan trọng khác. Theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị quốc tế, chủ động phản ứng trước các biến động, đặc biệt trong bối cảnh xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại và xu hướng bảo hộ của các nước lớn. Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì sự bền vững của hệ thống tài chính và an sinh xã hội.
Về đổi mới quản lý đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết triệt để những tồn tại kéo dài nhiều năm, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn và tiến độ các dự án trọng điểm. Thực hiện chủ trương “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, tạo đột phá trong thu hút nguồn lực xã hội, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, khai thác tiềm năng từ trí tuệ nhân tạo, tạo động lực phát triển mới. Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý, hỗ trợ tăng sức mua, phát triển du lịch và thương mại. Tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro bị ép giá, bảo vệ lợi ích doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Cũng với đó, Chính phủ cần tăng cường trách nhiệm, bảo đảm hiệu quả thực thi chính sách. Đảm bảo việc thực hiện chính sách phải đi đôi với trách nhiệm giải trình, có giải pháp cụ thể, thực chất để đạt mục tiêu đề ra. Xây dựng cơ chế bảo vệ và khuyến khích cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tinh gọn bộ máy hành chính nhưng không làm gián đoạn công việc, đảm bảo hiệu quả hoạt động của chính quyền và doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ, các cơ quan thẩm tra và Ủy ban Kinh tế để hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết trình Quốc hội. Dự thảo cần đảm bảo: Nội dung cụ thể, đi thẳng vào các chỉ tiêu, mục tiêu cần điều chỉnh. Đề xuất rõ ràng các nhiệm vụ, giải pháp bổ sung so với Nghị quyết 158 để thể chế hóa đầy đủ Kết luận 123 của Trung ương. Gắn trách nhiệm thực hiện với từng cơ quan, đơn vị để đảm bảo tiến độ và hiệu quả triển khai.
Trần Hương