Để đời sống công nhân ngày càng cải thiện

Để đời sống công nhân ngày càng cải thiện
16 giờ trướcBài gốc
Công nhân mua hàng bình ổn giá tại Chợ Tết Công đoàn năm 2025. Ảnh: N.Hòa
Hiện phần lớn người lao động (NLĐ) đều mong tiền lương tối thiểu (LTT) vùng có thể đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Ngoài ra, doanh nghiệp có thêm các chính sách hỗ trợ nhà ở, nuôi con nhỏ để NLĐ có động lực cống hiến và gắn bó.
Mức lương chưa đảm bảo mức sống
Làm việc cho một công ty dệt may tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2 hơn 4 năm nhưng thu nhập của chị Nguyễn Thị Hạnh vẫn “giậm chân tại chỗ” ở mức 5,3 triệu đồng/tháng. Để duy trì cuộc sống gia đình, chị phải cật lực tăng ca, không có thời gian nghỉ ngơi. Theo chị Hạnh, hàng năm, công ty không tăng lương định kỳ mà chỉ tăng khi mức LTT vùng điều chỉnh. Do đó, thu nhập, đời sống của những NLĐ như chị còn nhiều khó khăn, lương tăng không theo kịp giá cả thị trường.
Tương tự, anh Lương Văn Chính (quê tỉnh Hà Giang) cũng đối diện nhiều thách thức với cuộc sống xa quê. Theo anh Chính, 2 năm qua, công ty anh làm việc không có đơn hàng khiến thu nhập của anh giảm mạnh. Dịp Tết Nguyên đán 2025, anh không về quê mà ở lại Đồng Nai làm thêm để tăng thu nhập.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 7 triệu lao động đang làm việc tại 370 khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, nhà ở phục vụ công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Phần lớn công nhân lao động nhập cư đang phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.
Anh Chính chia sẻ: “Trước đây, công ty có đơn hàng ổn định, nếu tính cả tăng ca thì thu nhập của tôi khoảng 9 triệu đồng/tháng. Nay không được tăng ca, thu nhập giảm còn trên 5 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ tiền nhà trọ, điện, nước, các khoản chi tiêu ăn uống, xăng xe… phải tiết kiệm hết sức nhưng vẫn thiếu trước hụt sau”.
Để cải thiện thu nhập, nhiều lao động buộc phải tăng ca liên tục bởi nếu nghỉ việc, họ khó xin việc làm mới khi tuổi đã cao. NLĐ chỉ hy vọng mức LTT sẽ sớm được điều chỉnh để cuộc sống gia đình “dễ thở” hơn.
Chị Đoàn Thị Hạnh (quê tỉnh Hà Tĩnh) vừa được Công đoàn hỗ trợ vé xe 2 chiều về quê đón Tết cùng người thân, cho biết năm qua, chị phải cật lực tăng ca mới đủ lo nuôi con nhỏ ăn học.
“Tôi không sợ vất vả, chỉ mong thu nhập được cải thiện hoặc doanh nghiệp có thêm chính sách hỗ trợ như: phụ cấp nhà trọ, chi phí đi lại để cuộc sống ổn định hơn” - chị Hạnh bộc bạch.
Để công nhân yên tâm gắn bó
Thời gian qua, giá thực phẩm, điện, xăng... tăng đã tạo áp lực không nhỏ đến đời sống công nhân lao động ngoại tỉnh. Theo các cán bộ Công đoàn, từ năm 2020 đến nay, LTT vùng mới được điều chỉnh 3 lần. Trong đó, 2 lần gần nhất, mức điều chỉnh đều giữ ở 6%. Hiện mức LTT vùng cao nhất gần 5 triệu đồng/tháng (vùng I). Qua tìm hiểu đời sống NLĐ tại doanh nghiệp, khu nhà trọ thì mức tăng này thực tế không đủ bù trượt giá.
ông nhân Công ty TNHH Topband Smart Đồng Nai Việt Nam (huyện Long Thành) trong giờ sản xuất. Ảnh:Nguyễn Hòa
Trong khi đó, khoảng gần 400 ngàn công nhân lao động hiện nay đang phải ở trọ. Các dự án nhà ở xã hội tại Đồng Nai hiện mới đáp ứng được khoảng 26 ngàn người (6,5% nhu cầu). Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho thấy, có khoảng 95% số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung phải thuê nhà trọ của tư nhân. Các phòng trọ cho thuê hầu hết chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3-4m2/người, không đảm bảo những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước, môi trường sinh hoạt chật chội, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.
Theo tính toán, mức LTT vùng hiện tại chỉ vừa đủ các khoản chi bắt buộc dành cho một người. Trong trường hợp NLĐ đã có gia đình và 2 con thì lương không đáp ứng được. Họ buộc phải tìm mọi cách để tăng thu nhập như tăng ca, làm thêm khiến thời gian làm việc thực tế kéo dài và kéo theo nhiều hệ lụy.
Để hỗ trợ công nhân, đầu năm 2025, một số công ty trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh lương cho NLĐ. Tiêu biểu như Công ty CP TKG Taekwang Vina (thành phố Biên Hòa, đơn vị sử dụng trên 35 ngàn lao động), dù chưa có thông tin cụ thể về việc điều chỉnh LTT vùng năm 2025 nhưng đã chủ động san sẻ khó khăn với NLĐ, quyết định tăng lương sớm với mức 100 ngàn đồng/người từ ngày 1-1-2025 vào lương cơ bản.
Ban giám đốc công ty cũng cam kết trường hợp Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh LTT vùng trong năm 2025, nếu mức điều chỉnh cao hơn 100 ngàn đồng, công ty sẽ bổ sung số tiền chênh lệch vào lương cơ bản cho NLĐ từ thời điểm nghị định này có hiệu lực. Không chỉ vậy, công ty quyết định tăng lương cơ bản 4%/năm cho NLĐ khi đến kỳ hạn nâng lương năm 2025. Qua đó, góp phần cải thiện thu nhập, giúp NLĐ ổn định cuộc sống.
Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ đề xuất mức tăng LTT vùng vào thời điểm tháng 3 hàng năm sau khi đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, năm 2025, các bộ, ngành đang tập trung cao độ cho việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Do đó, đầu tháng 3, sau khi các cơ quan hoàn thành việc hợp nhất, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chính thức đề xuất mức LTT vùng. Hiện cơ quan này đã có khảo sát ban đầu về nhu cầu việc làm, thị trường lao động, giá cả hàng hóa...
Đồng hành cùng NLĐ, các cấp Công đoàn Đồng Nai đang đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bằng nhiều cách làm hiệu quả. Minh chứng cho điều này thể hiện qua đợt chăm lo Tết Nguyên đán 2025 cho trên 700 ngàn lao động có hoàn cảnh khó khăn. Công đoàn tổ chức đưa 10 ngàn công nhân về quê đón Tết trên các chuyến xe sum vầy. Bên cạnh đó, với 65 ngàn lao động ở lại Đồng Nai đón Tết, các cấp Công đoàn tổ chức đến nhà trọ thăm hỏi, tặng quà và tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ công nhân.
Lan Mai
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202502/de-doi-song-cong-nhanngay-cang-cai-thien-8c8684e/