Mục tiêu của Chương trình nhằm thực hiện kiên quyết, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hữu hiệu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Năm 2025, Bộ Nội vụ tập trung 10 nhiệm vụ trọng tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, thời gian và nguồn nhân lực; tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
Chương trình đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 cần tập trung thực hiện:
Một là, phấn đấu thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác năm 2025 của Bộ đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt.
Hai là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, ngân sách. Thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Ba là, tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy.
Bốn là, đẩy mạnh triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm theo phương án phân bổ đã được phê duyệt.
Năm là, hoàn thành sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ.
Sáu là, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc.
Thực hiện tinh giản biên chế gắn với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; đồng thời tập trung đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đủ phẩm chất, trình độ và năng lực ngang tầm với nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, địa phương. Tiếp tục sắp xếp, đẩy mạnh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương bảo đảm mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra.
Bảy là, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế vận hành, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đầy đủ, đồng bộ bảo đảm thực hiện mục tiêu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp, tổ chức bộ máy. Tổ chức triển khai hiệu quả các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính các cấp.
Tám là, tiếp tục, hướng dẫn đôn đốc 51 địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; khẩn trương sắp xếp, tổ chức, bố trí cán bộ, công chức, viên chức , xử lý đối với tài sản công sau sắp xếp bảo đảm sớm ổn định để tổ chức đại hội đảng các cấp năm 2025; tiếp tục rà soát, đề xuất phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đối với những đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Chín là, thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách công vụ.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, đồng bộ, hiệu quả, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục cập nhật, bổ sung làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức để đưa vào sử dụng, khai thác phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức.
Mười là, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức , người lao động trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị./.
Minh Diễn