Đề học sinh giỏi Ngữ văn: Biển rộng mênh mông vì không cự tuyệt bất kì giọt nước nào

Đề học sinh giỏi Ngữ văn: Biển rộng mênh mông vì không cự tuyệt bất kì giọt nước nào
6 giờ trướcBài gốc
Câu nói của Lâm Tắc Từ được sử dụng vào đề thi học sinh giỏi Ngữ văn tại Quảng Trị.
Nội dung đề thi như sau:
Câu 1. Lâm Tắc Từ, một vị quan thời nhà Thanh từng nói: "Biển rộng mênh mông, không bờ, không bến, không có giới hạn là bởi nó không cự tuyệt bất kì một giọt nước nào. Núi có thể đứng cao sừng sững vạn trượng là bởi nó không từ chối dẫu chỉ một hòn đá nhỏ".
Suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.
Câu 2. K. Pauxtopxki cho rằng: "Chỉ có người nào nói được với mọi người những điều mới mẻ, có ý nghĩa và thú vị, nhìn thấy những gì mà người khác không nhận ra, người đó mới có thể là nhà văn".
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Gợi ý đáp án nghị luận xã hội
Giải thích: Hình ảnh biển rộng mênh mông, núi cao sừng sững là hình ảnh thiên nhiên mang vẻ đẹp kì vĩ, tráng lệ. Không cự tuyệt một giọt nước nhỏ, không từ chối một hòn đá nhỏ có nghĩa là sẵn sàng đón nhận tất cả mọi thứ dù là nhỏ bé, bình thường nhất. Điều này gợi liên tưởng đến một tâm hồn rộng mở.
Câu nói mượn quy luật của tự nhiên để ngụ ý khuyên răn con người rằng: Nếu biết sống bao dung, nhân hậu thì con người sẽ làm được việc lớn, trở nên vĩ đại.
Bình luận và chứng minh: Bao dung là sự hiểu biết của một nhân cách cao đẹp, thể hiện một tâm hồn rộng mở, giàu lòng yêu thương.
Lòng bao dung sẽ cảm hóa được lỗi lầm, là động lực thúc đẩy, khuyến khích họ nhận ra sai lầm và sửa chữa.
Không ai là không phạm sai lầm. Vì vậy khi ta bao dung với người khác cũng chính là là ta đang chuẩn bị cho mình "một lối đi về". Bởi cũng sẽ đến lượt ta sa ngã, phạm lỗi lầm. Ai sẽ tha thứ cho ta nếu ta không từng biết tha thứ?
Những người biết bao dung, vị tha sẽ luôn cảm thấy tâm hồn an yên, thanh thản; nhận được tình yêu thương, sự kính trọng của mọi người.
Nếu sống ích kỉ, bảo thủ thì con người trở nên nhỏ bé, tầm thường... (Học sinh lấy dẫn chứng trong thực tế để chứng minh).
Mở rộng, nâng cao vấn đề: Bao dung, vị tha là điều vô cùng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Nhưng bao dung không đồng nghĩa với việc chấp nhận, dung túng cho cái xấu, cái ác lộng hành. Vì như thế sẽ rất nguy hiểm đối với xã hội. Phê phán những kẻ còn sống ích kỉ, bảo thủ.
Bài học: Phải sống nhân hậu, mở lòng với tất cả mọi người. Rộng lượng, tha thứ lỗi lầm cho người khác và cho cả chính bản thân mình.
Nghị luận văn học
Giải thích: Những điều mới mẻ, có ý nghĩa và thú vị là vấn đề tư tưởng độc đáo, sâu sắc, có giá trị nhân sinh lớn lao,... được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật độc đáo. Nhìn thấy những gì mà người khác không nhận ra là cái nhìn cuộc sống mang tính khám phá và phát hiện của nhà văn.
Ý kiến của Pauxtopxki là một định nghĩa về nhà văn với phong cách nghệ thuật độc đáo.
Bình luận: Nhà văn cần phải có phong cách nghệ thuật độc đáo là bởi vì:
Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm. Nhà văn phải là những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có (Nam Cao).
Văn học lấy chất liệu từ cuộc sống. Hiện thực cuộc sống luôn là mảnh đất màu mỡ để nhà văn không ngừng sáng tạo. Nhưng cuộc sống dẫu đa dạng, phong phú vẫn có giới hạn. Vì vậy, có khi viết về một đề tài cũ nhưng nhà văn phải có cái nhìn khám phá những điều mới mẻ, thú vị mà người đọc không nhận ra. Có như vậy tác phẩm mới có giá trị và khơi gợi được hứng thú ở người đọc.
Hơn nữa, phong cách nghệ thuật là yếu tố góp phần tạo nên sự phát triển đa dạng, phong phú cho văn học; là một tiêu chí để đánh giá chính xác vai trò cũng như vị trí của nhà văn trên văn đàn. Bởi chỉ những nhà văn thực thụ, có tài năng và tâm huyết mới tạo nên cho mình những phong cách nghệ thuật độc đáo. Phong cách nghệ thuật của nhà văn được biểu hiện qua tác phẩm cả về nội dung lẫn hình thức. Tác phẩm ấy bao giờ cũng thể hiện cách nhìn nhận, khám phá đầy mới lạ, độc đáo về cuộc sống; hướng đến những nội dung, chủ đề mới; mang một giọng điệu riêng và có những sáng tạo nghệ thuật độc đáo.
Chứng minh: Qua tác phẩm ấy, tác giả đã mang đến những cái nhìn, phát hiện mới mẻ gì về hiện thực cuộc sống? Tác phẩm ấy đã gửi gắm đến bạn đọc những tư tưởng gì mới mẻ, sâu sắc? Tác giả đã chuyển tải bức thông điệp của mình bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo như thế nào? Từ đó đánh giá về tác phẩm và khái quát phong cách nghệ thuật của tác giả.
Đánh giá, mở rộng, nâng cao: Đây là ý kiến đúng đắn, giúp ta thấy được tầm quan trọng của cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật của nhà văn trong quá trình sáng tác.
Nhận định đã đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác và người tiếp nhận: Với người sáng tác: phải sống sâu sắc, có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, trí tưởng tượng phong phú và có tài năng nghệ thuật độc đáo. Với người tiếp nhận: phải biết trân trọng những đóng góp mới mẻ, giá trị của nhà văn qua tác phẩm.
Phan Anh
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/de-hoc-sinh-gioi-ngu-van-bien-rong-menh-mong-vi-khong-cu-tuyet-bat-ki-giot-nuoc-nao-179241002234404734.htm