Hà Nội đang hướng đến giai đoạn 2024-2030, tỉ lệ chuyển đổi buýt chạy dầu diesel sang xe buýt xanh đạt khoảng 70-90%. Giai đoạn 2031-2035 sẽ là 100% xe buýt chạy tại Hà Nội là xe buýt điện.
Còn tại TP HCM, mục tiêu đến năm 2030 có 3.317 xe buýt phục vụ vận tải công cộng và 100% phương tiện sử dụng điện hoặc năng lượng xanh.
Nợ chồng nợ, lãi chồng lãi
Theo đánh giá của ngành giao thông, khi chuyển đổi sang xe buýt điện thì lượng khí CO2 thải ra môi trường mỗi năm ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM sẽ giảm khoảng 49% so với mức hiện nay.
Hiệu quả về môi trường của xe buýt điện đã rõ. Tuy nhiên, làm sao để chuyển đổi thành công từ xe buýt sử dụng nhiên liệu dầu diesel sang xe buýt điện là điều nhiều HTX quan tâm.
Bởi xét trên nguồn cung, hiện nay ở trong nước chỉ có Vinfast là đơn vị sản xuất và lắp ráp xe buýt điện. Còn trên thế giới, chiếm lĩnh thị trường là một số doanh nghiệp Trung Quốc. Do đó, nhập khẩu xe điện hay sử dụng xe buýt điện của doanh nghiệp trong nước sản xuất là cả một vấn để bởi xe cộ sử dụng hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào vấn đề kinh tế, đặc điểm giao thông, kỹ thuật…
Vẫn còn nhiều việc phải làm khi chuyển đổi sang xe buýt sử dụng nhiên liệu xanh.
Hiện tại, ngoài thuế nhập khẩu (giảm 70% đối với xe ô tô điện nhập khẩu nguyên chiếc), xe ô tô điện khi nhập về Việt Nam vẫn còn phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15-70% khiến giá xe tăng lên tới 20-30%.
Ngoài vấn đề nguồn cung, nhiều HTX cũng băn khoăn vì để chuyển đổi sang xe buýt điện sẽ cần nguồn vốn lớn. Ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc HTX Quyết Thắng (TP HCM) cho biết nếu xe buýt chạy nhiên liệu truyền thống có giá đầu tư khoảng 2-3 tỷ đồng thì giá xe buýt điện cỡ lớn phải 6-7 tỷ đồng. Trong khi đã làm vận tải, các thành viên HTX phải vay ngân hàng với lãi khoảng 10 triệu đồng/tỷ đồng/tháng. Nếu đầu tư xe mới sẽ xảy ra tình trạng nợ chồng nợ, lãi chồng lãi. Xe chính là tiêu sản nên sau một thời gian sử dụng có bán cũng khó có người mua.
Hiện, Hà Nội, TP HCM cũng có chính sách hỗ trợ vay vốn để chuyển đổi buýt. Nhưng theo đại diện của nhiều HTX, việc tiếp cận với chính sách hỗ trợ, cụ thể là Thông tư số 02/2016/TT-BTC vẫn còn rất khó khăn bởi quy định khắt khe qua nhiều sở ngành và chưa thống nhất thẩm quyền phê duyệt dự án.
Trong khi để vận hành được xe buýt điện, phải có hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ: trạm sạc, bến đỗ, đề-pô,... Điều này vừa làm tăng chi phí của HTX, doanh nghiệp nhưng quan trọng hơn là cơ sở hạ tầng cho phương tiện giao thông điện ở Việt Nam vẫn còn rất sơ khai, gây khó khăn trong quá trình vận hành, đầu tư.
Theo thống kê của ngành giao thông, đến nay, TP Hà Nội cũng mới chỉ có 2 trạm sạc cho xe buýt điện. Còn tại TPHCM, địa phương này đến nay mới có 3 trạm sạc nhiên liệu cho số xe bus CNG nhưng không nằm ở trung tâm thành phố. Con số này còn quá khiêm tốn đồng thời làm gia tăng chi phí, thời gian đi lại cho đơn vị vận tải.
Cần hạ tầng đồng bộ
Chủ trương chuyển đổi phương tiện cũ sang phương tiện xanh là hoàn toàn hợp lý, phù hợp cam kết chung tiến tới Net-Zero của Chính phủ. Mặc dù hiện xe buýt và xe tải chỉ chiếm 2% tổng số phương tiện đăng ký nhưng lại thải ra một lượng khí thải khá lớn.
Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều trăn trở đối với HTX, doanh nghiệp đầu tư dịch vụ này. Do đó, nhiều HTX cho rằng việc đầu tư thêm xe buýt CNG, thậm chí thay thế hoàn toàn sang xe buýt điện phải cần đến sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chính sách phù hợp.
Hiện, để chuyển đổi đầu tư và nhận được hỗ trợ chuyển đổi, HTX và doanh nghiệp phải làm đề án nhưng quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án phải trải qua nhiều bước và chờ thẩm định từ nhiều cơ quan quản lý nên kéo dài thời gian, chi phí cho HTX, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đầu tư xe buýt hiện đại thì cần đi kèm với hệ thống phụ trợ hiện đại, đồng bộ. Hiện trạm sạc cho xe buýt gần như chưa phát triển chính là nguyên nhân làm gia tăng lo ngại của các HTX, doanh nghiệp vận tải khi chuyển đổi.
Ts Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng Nhà nước và các địa phương cần kéo dài lộ trình chuyển đổi xe buýt điện bởi nhìn vào mục tiêu đặt ra của các thành phố lớn cho thấy, thời gian không còn nhiều. Nếu phải chuyển đổi trong thời gian ngắn mà các đơn vị vận tải phải chuyển đổi nhiều phương tiện với hệ thống hạ tầng, trạm sạc đi kèm còn thiếu sẽ khó bảo đảm về hiệu quả.
Theo các chuyên gia của WB, trước mắt nhu cầu sạc xe điện sẽ chưa tạo áp lực lớn lên ngành điện Việt Nam. Nhưng đến năm 2035, sản lượng ngành điện cần thêm 5% và nâng công suất mạng lưới thêm 4%; đến năm 2050, con số này sẽ lần lượt là 30% và 15% để đáp ứng nhu cầu sạc điện. Do đó, Việt Nam cần có sự đầu tư phù hợp cho ngành điện nếu muốn đạt mục tiêu phát triển xe điện.
Ông Nguyễn Ngọc Binh, Giám đốc HTX Vận tải số 28 (TPHCM), cho biết cạnh tranh trong ngành vận tải là rất lớn đang kéo theo doanh thu, lợi nhuận của HTX giảm. Do đó, nhiều thành viên HTX là chủ phương tiện xe buýt mong muốn được vay nguồn vốn tín chấp, lãi suất thấp từ các gói tín dụng ưu đãi mới có thể chuyển đổi phương tiện vận tải hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhiều khách hàng.
“Muốn phát triển bền vững, HTX, doanh nghiệp cũng phải có điều kiện để phát triển thì mới quay ngược lại đóng góp cho Nhà nước và chung tay phát triển xã hội”, Giám đốc HTX 28 nhấn mạnh.
Huyền Trang