Báo cáo sơ kết năm năm (2020-2024) thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ mới đây đã chỉ ra rằng trong giai đoạn này có hơn 2 triệu người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Và trong hơn 37.000 người được xác minh, có 147 người đã bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng việc đề ra các cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ nhằm ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, sớm phát hiện các hành vi sai phạm là rất cần thiết. Dù vậy, theo bà Vân, trên thực tế vẫn còn những trường hợp “cố tình” không kê khai, kê khai không đầy đủ, giải trình nguồn gốc tài sản chưa rõ ràng.
TS Trần Thị Hà Vân, Trưởng khoa Xây dựng Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh Học viện Cán bộ TP.HCM
Bốc thăm ngẫu nhiên là bước tiến lớn
. Phóng viên: Thưa bà, nhìn lại các quy định hiện hành về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ hiện nay có những điểm nào tích cực, mới hơn so với trước đây?
+ TS Trần Thị Hà Vân: Kê khai tài sản, thu nhập là một trong những “công cụ” hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, việc kê khai, công khai và kiểm soát tài sản, thu nhập phải được thực hiện đúng quy định, trung thực và hiệu quả.
Cách đây hơn 10 năm, ngày 3-1-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Quá trình thực hiện, công tác này đã được triển khai đồng bộ hằng năm, là một “kênh” hữu hiệu để tổ chức Đảng nắm tài sản, thu nhập của đảng viên, đặc biệt là tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có, góp phần vào việc ngăn ngừa, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.
Quy trình kê khai, công khai và kiểm soát tài sản, thu nhập đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư cải tiến, bổ sung đảm bảo công tác này ngày càng thực chất, hiệu quả. Có thể kể đến như Quy định 85-QĐ/TW ngày 23-5-2017 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Ngoài ra, Bộ Chính trị còn ban hành các văn bản khác liên quan như Quy định 01-QĐi/TW ngày 10-5-2018 về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trong công tác phòng, chống tham nhũng; Quyết định 56-QĐ/TW 8-2-2022 về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập…
Tuy nhiên, một bước tiến quan trọng trong công tác này là bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản, thu nhập. Qua thẩm tra đã phát hiện đảng viên kê khai tài sản không trung thực, có trường hợp vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật. Vì vậy, nếu kiểm soát tốt việc kê khai không chỉ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe rất lớn.
“Cố tình” không kê khai
. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã nêu rõ các trường hợp phải kê khai tài sản, công khai, giải trình nguồn gốc của các tài sản đó nhưng vẫn có những vụ việc mà chỉ đến khi có hậu quả mới phát hiện...?
+ Vừa qua, nhiều cán bộ chủ chốt đã bị kỷ luật bởi việc kê khai tài sản thiếu trung thực. Như gần đây nhất, UBKT Trung ương kết luận đã có hàng loạt sai phạm liên quan đến việc kê khai tài sản của ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre… và nhiều trường hợp lãnh đạo quản lý khác có hành vi tương tự.
Có thể nhận thấy quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập như cấp ủy, tổ chức Đảng chưa thông tin đầy đủ cho đảng viên những nội dung cần kê khai; chưa kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của tất cả đảng viên… nên chưa có cơ sở đánh giá sự trung thực, chính xác của người kê khai.
Vẫn còn những trường hợp kê khai không đầy đủ, giải trình nguồn gốc của tài sản chưa rõ. Đặc biệt, đối với đảng viên có tài sản nhưng tài sản đó do tham nhũng, tiêu cực mà có nên “cố tình” không kê khai. Vì vậy, nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ “để lọt” những đảng viên đối phó, không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó, tỉ lệ đảng viên được thẩm tra tài sản, thu nhập còn quá ít so với tổng số đảng viên dẫn đến khi có “sự cố”, tổ chức Đảng mới biết đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý có nhiều tài sản nhưng không kê khai, không giải trình nguồn gốc tài sản, như vụ việc chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) là một ví dụ.
Xác minh tài sản, thu nhập cả gia đình
. Vậy để công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ thực sự có hiệu quả thì cần những đổi mới nào, thưa bà?
+ Thời gian tới, để kê khai, kiểm soát, công khai tài sản, thu nhập đạt được hiệu quả cao nhất thì trước hết các cấp ủy cần quán triệt đến đảng viên mục đích, ý nghĩa của việc kê khai tài sản, thu nhập; hướng dẫn cụ thể để đảng viên nắm rõ quy định cũng như cách kê khai, tránh để xảy ra những sai sót không đáng có.
Hằng năm, cấp ủy, UBKT các cấp cũng phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát kê khai tài sản, thu nhập của đảng viên, nên chăng cần kéo dài thời gian niêm yết tài sản, thu nhập và bản niêm yết phải thuận tiện để tất cả cán bộ, đảng viên đọc. Theo tôi, hiện nay, việc niêm yết ở các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ.
Ngoài ra, cần đổi mới, cải tiến việc thẩm tra, xác minh tài sản, thu nhập theo hướng tăng số đảng viên được thẩm tra, xác minh hằng năm để kiểm soát tài sản và đánh giá sự trung thực của đảng viên.
Đối với một số trường hợp cần thiết cần xác minh tài sản, thu nhập của cha, mẹ và con để tránh tình trạng “tẩu tán” tài sản do tham nhũng, tiêu cực mà có. Cấp ủy, UBKT các cấp, cơ quan, tổ chức, đơn vị mạnh dạn cung cấp địa chỉ, số điện thoại để tiếp nhận thông tin liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có dấu hiệu không trung thực.
Cùng với đó, tăng cường sự giám sát của MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí và nhân dân đối với việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp kê khai không trung thực, đầy đủ, giải trình nguồn gốc của tài sản không rõ ràng.
. Xin cảm ơn bà.
Đảm bảo sự thống nhất, liên thông của hệ thống kiểm soát
TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận về mặt pháp lý, hiện nay nhiều quy định về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Chẳng hạn, Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định nhưng vẫn xuất hiện những trường hợp không xác định được cơ quan thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người thuộc diện phải kê khai.
Hay Điều 35 của luật quy định người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai tổng thu nhập giữa hai lần kê khai. “Theo quy định về phương thức kê khai, có thể có trường hợp một người sau khi kê khai lần đầu thì nhiều năm sau, thậm chí hàng chục năm sau mới phát sinh việc kê khai tài sản lần thứ hai. Điều này không bảo đảm cho việc theo dõi chính xác thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập” - TS Minh cho hay.
Bên cạnh đó, Nghị định 130/2020 với những quy định cụ thể, tạo tính mở trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM… có số người thuộc diện phải xác minh ngẫu nhiên rất lớn. Điều này gây quá tải cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bối cảnh hạn hẹp về tổ chức, biên chế, nguồn lực, đồng thời vẫn phải đảm nhiệm đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ khác.
TS Cao Vũ Minh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Luật Phòng, chống tham nhũng quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được bản kê khai, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai rà soát, kiểm tra bản kê khai và bàn giao một bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền. Quy định này dẫn đến vấn đề là số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai rất lớn. Nếu phải trực tiếp bàn giao cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì có thể dẫn đến tình trạng ách tắc, quá tải” - TS Minh phân tích.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước. Các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác cũng có trách nhiệm xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi quản lý của mình.
“Quy định nêu trên yêu cầu các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đều phải xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập. Vấn đề đặt ra là nếu mỗi cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xây dựng một phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu khác nhau thì lại tốn kém và không hiệu quả” - TS Minh nói và cho rằng nên xây dựng một phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất sử dụng chung cho tất cả cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Điều này giúp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn bảo đảm sự thống nhất, liên thông của hệ thống kiểm soát.
*****
Sớm hoàn thiện các quy định
Tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức hồi tháng 5-2024 của UBKT Thành ủy TP.HCM, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Chủ nhiệm UBKT Thành ủy TP.HCM, đã nêu ra một số khó khăn khi thực hiện công tác này.
Có thể kể đến như thẩm quyền, phạm vi xác minh tài sản, thu nhập khi xác minh tài sản là nhà đất, tiền gửi tại ngân hàng; kiểm đếm và xác định mức độ đúng - sai của các loại tài sản mang tính giá trị vật chất hiện hữu như tiền mặt, nữ trang...
Cơ quan chức năng cũng gặp khó trong xác minh tài sản do vợ hoặc chồng của người kê khai không là cán bộ, đảng viên; nhiều trường hợp giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm chưa đảm bảo, rõ ràng, đầy đủ theo quy định…
UBKT Thành ủy TP.HCM kiến nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, các bước trong quy trình xác minh tài sản, thu nhập; đồng thời sớm hoàn thiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
THANH TUYỀN thực hiện