Đề nghị cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường

Đề nghị cân nhắc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
3 giờ trướcBài gốc
Áp thuế cao có thể xuất hiện sản phẩm thủ công, nhập lậu
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cho rằng, tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát không phải lúc nào cũng tăng. Điển hình, giai đoạn 2013 - 2020 tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát chỉ tăng bình quân 3,2 lít/người/năm. Nhưng chỉ trong năm 2021, tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát có đường lại giảm, mặc dù không có biện pháp áp thuế TTĐB.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre). Ảnh: Như Ý
Cũng theo đại biểu đoàn Bến Tre, các nghiên cứu khoa học của các cơ quan dinh dưỡng cũng như của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế đều chỉ ra rằng, nước giải khát có đường không phải nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân, béo phì. Thực tiễn cho thấy, không phải quốc gia nào áp thuế TTĐB lên mặt hàng này cũng đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.
“Brunei, Mexico, Philippines, Ấn Độ, Phần Lan, Bỉ là những quốc gia đã áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhiều năm nhưng tỷ lệ thừa cân, béo phì vẫn tăng đều. Trong khi đó, các quốc gia không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường như Nhật Bản hay Singapore lại có tỷ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất”, bà Thủy viện dẫn.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị xem xét việc tăng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường theo lộ trình. Theo ông, việc làm này nên được nghiên cứu trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh…
Mặt khác, theo đại biểu Hòa, nhiều loại hàng hóa khác cũng có hàm lượng cao, chứ không phải chỉ có nước giải khát có đường. “Nếu áp thuế cao thì có thể xuất hiện các loại nước ngọt, rượu, bia được làm thủ công, nhập lậu, rất khó kiểm soát vào Việt Nam”, ông Hòa cảnh báo.
Đại biểu cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể làm giảm tiêu thụ đồ uống có đường nhưng không chắc có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm khác.
Do vậy, các đại biểu đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và toàn diện về tính hiệu quả của việc bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa). Ảnh: Như Ý
Cần đánh giá tác động kỹ lưỡng
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, phải cân đối mục tiêu định hướng hành vi của người tiêu dùng với việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Chính phủ cần giải trình rõ hơn về mục tiêu đạt được chính sách này. Thực chất là bảo vệ sức khỏe người dân hay chỉ là tăng thu ngân sách.
Vì vậy, theo đại biểu, việc bổ sung chính sách cần cân nhắc kỹ lưỡng để triển khai thực hiện được thông suốt. Các doanh nghiệp có thời gian xây dựng chiến lược kinh doanh, kịp thời thích ứng.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng, cần căn cứ vào tình hình thực tế của ngành sản xuất, chuỗi cung ứng, nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng để để đưa ra lộ trình và mức tăng thuế.
"Nếu việc tăng thuế quá cao và đột ngột có thể gây tác dụng ngược, như sản xuất sụt giảm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, không hạn chế được tiêu dùng, thất thu thuế cho ngân sách nhà nước", đại biểu cho hay.
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội ngày 27/11, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cũng đề nghị cân nhắc việc đưa mặt hàng nước ngọt có hàm lượng đường trên 5 gram/100ml vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất là khi nói đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe, hạn chế tăng cân, béo phì.
“Nếu đưa nước ngọt vào diện chịu thuế vậy tại sao có những mặt hàng hàm lượng đường nhiều lại không phải đóng thuế như bánh ngọt, socola… ?”, đại biểu đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng nếu chỉ dựa vào yếu tố “bảo vệ sức khỏe” thì không nên áp thuế này với nước ngọt, thay vào đó phải dựa vào yếu tố như cân bằng ngân sách để quyết định.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý
Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu vào cuối phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, ông cho biết, tiêu chuẩn về hàm lượng đường sẽ do Chính phủ quy định, các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế.
Cân nhắc thời điểm, có thể lùi 1, 2 năm với bia
Tại phiên họp, các đại biểu đồng tình tăng thuế theo lộ trình đối với rượu, nhưng đối với bia cần phải cân nhắc thời điểm, có thể lùi 1, 2 năm. Bởi nếu tăng sớm trong bối cảnh doanh nghiệp đang khó khăn là chưa hợp lý.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa Vũng Tàu) và đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) lưu ý, trong bối cảnh với tốc độ tăng thuế đối với mặt hàng bia, rượu khiến cho doanh nghiệp đã đầu tư trong nước, nhất là các nhà máy hiện đại mới đầu tư vẫn chưa sử dụng hết công suất, sẽ không thể điều chỉnh công suất sản xuất trong thời gian ngắn.
Nếu tiếp tục áp dụng trong thời gian nữa về thuế TTĐT chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nhà máy, người lao động và cả thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, đại biểu đề nghị nên áp dụng tỷ lệ tăng cao nhất là rượu mạnh, sau đó thấp hơn là rượu dưới 20 độ và thấp hơn nữa là với bia, như thế sẽ hợp lý.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/de-nghi-can-nhac-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nuoc-giai-khat-co-duong-post1695361.tpo