Đề nghị công khai báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi biểu quyết thông qua luật

Đề nghị công khai báo cáo giải trình, tiếp thu trước khi biểu quyết thông qua luật
một ngày trướcBài gốc
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường chiều 28-5. Ảnh: Quochoi.vn
Nhiều báo cáo giải trình còn chung chung
Thảo luận về nội dung trên, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, một trong những yêu cầu cốt lõi để bảo đảm tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội là công khai quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu. Tuy nhiên, hiện nay nhiều báo cáo giải trình còn chung chung, không rõ nội dung nào được tiếp thu, nội dung nào chưa và vì sao không tiếp thu. Điều này không chỉ làm giảm tính thuyết phục của báo cáo mà còn khiến cử tri và đại biểu khó theo dõi được hiệu quả phản hồi chính sách của cơ quan soạn thảo.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Từ phân tích trên, đại biểu kiến nghị bổ sung vào Nội quy kỳ họp Quốc hội một quy định mang tính bắt buộc: Các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội phải được công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội ít nhất 48 giờ trước phiên họp biểu quyết. Trong đó, báo cáo phải thể hiện đầy đủ các nội dung đã được tiếp thu hay chưa, nêu rõ căn cứ giải trình, lý do không tiếp thu đối với từng nhóm ý kiến của đại biểu.
Đồng thời, Nội quy kỳ họp Quốc hội cần quy định rõ, trong trường hợp tiếp thu chọn lọc của các cơ quan chủ trì soạn thảo phải trích dẫn nguyên văn, nội dung ý kiến của đại biểu kèm theo nội dung chỉnh lý cụ thể để làm căn cứ thuyết phục cho việc sửa đổi.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng kiến nghị tài liệu phục vụ kỳ họp phải được gửi đến đại biểu Quốc hội ít nhất 5 ngày làm việc trước phiên thảo luận chính thức. Đối với các dự thảo luật, nghị quyết, thời gian gửi trước tối thiểu là 7 ngày. Trường hợp đặc biệt do yếu tố khách quan bất khả kháng, phải có văn bản thông báo lý do cụ thể và được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu là rất thực tiễn, cần thiết. Đại biểu nêu thực tế cho thấy, đa số các dự thảo luật được thực hiện quy trình một kỳ họp, tức là sau khi thảo luận tổ, thảo luận hội trường rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình để Quốc hội bấm nút thông qua.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Còn đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) đề nghị bổ sung quy định bố trí bảo đảm đủ thời gian để đại biểu nghiên cứu dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.
Đại biểu Hương nêu thực tế, gần đây nhiều dự án luật được gửi đến đại biểu rất chậm, chưa đảm bảo thời gian theo quy định, không đảm bảo thời gian để đại biểu nghiên cứu hết hồ sơ, tài liệu, dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Ứng dụng công nghệ thông tin, AI vào kỳ họp
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) quan tâm đến trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện hiệu quả hoạt động của kỳ họp.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Theo đại biểu Hạnh, điểm mới trong quy định lần này là việc đại biểu Quốc hội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, AI để thực hiện hiệu quả các hoạt động của kỳ họp, trong đó có hoạt động thường xuyên tương tác với cử tri và kịp thời thông tin đến cử tri và nhân dân trong kỳ họp.
“Đây là một nội dung rất mới, nên tôi cho rằng cần quy định trong kỳ họp, đại biểu có quyền gì, quyền đến đâu, quy định nào bảo đảm đại biểu được sử dụng thông tin theo đúng quy định của pháp luật và không làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật riêng tư”, đại biểu nêu quan điểm.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận ở hội trường chiều 28-5. Ảnh: Quochoi.vn
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, điểm mới dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội là người dân có thể được dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội. Đại biểu mong rằng, Quốc hội tổ chức thật tốt nội dung này, qua đó cho thấy người dân có thể biết Quốc hội đang bàn những vấn đề gì.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng phát biểu giải trình. Ảnh: Quochoi.vn
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng thay mặt cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình làm rõ nội dung các đại biểu thảo luận liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết giảm thuế giá trị gia tăng, nhưng đề nghị cần có báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đình Hiệp
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/de-nghi-cong-khai-bao-cao-giai-trinh-tiep-thu-truoc-khi-bieu-quyet-thong-qua-luat-703790.html