Đề nghị một số hàng hóa thiết yếu không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Đề nghị một số hàng hóa thiết yếu không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
3 ngày trướcBài gốc
Theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung đối tượng không chịu thuế là xăng và điều hòa nhiệt độ, vì đây là những hàng hóa thiết yếu.
Tại Việt Nam, mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1995. Để khuyến khích sử dụng xăng sinh học, luật quy định mức thuế suất ưu đãi đối với mặt hàng xăng E5 là 8%, E10 là 7% (thấp hơn so với mức thuế suất 10% áp dụng đối với mặt hàng xăng khoáng). Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho rằng, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) như hiện nay là phù hợp, góp phần giảm phát thải và định hướng tiêu dùng tiết kiệm.
Quang cảnh hội nghị.
Về mặt hàng điều hòa nhiệt độ, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống đang được áp dụng ổn định, nhằm nâng cao nhận thức về việc hạn chế tiêu dùng cũng như định hướng tiêu dùng tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng các thiết bị lạnh và điều hòa không khí ở nước ta tăng cao, trở thành phổ biến, do đó cơ quan soạn thảo đang cân nhắc phương án giới hạn lại phạm vi các mặt hàng điều hòa nhiệt độ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Để tác động mạnh mẽ đến việc giảm tiêu dùng, khắc phục các hệ lụy nghiêm trọng của việc lạm dụng rượu, bia, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia. Bên cạnh đó, dự thảo luật đã đưa ra các phương án tăng thuế đối với thuốc lá. Việc áp mức thuế cao ngay từ năm đầu tiên luật có hiệu lực có thể sẽ tác động làm giảm nhu cầu tiêu thụ thuốc lá, góp phần hướng tới đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại hội nghị.
Thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình với việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, rượu, bia, là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, dự thảo luật đưa ra phương án từ năm 2026 đến 2030 tăng đều mỗi năm 5% thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia và 1.000 đồng với một bao thuốc lá. Cách tính thuế này khiến người tiêu dùng dễ thích nghi, ảnh hưởng đến thay đổi hành vi. Đại biểu đề nghị, lần đầu tăng thuế có thể áp dụng mức tăng cao, sau đó một thời gian tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, cùng với tăng thuế, cần áp dụng các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, hành chính để thay đổi hành vi, hạn chế sử dụng các sản phẩm này.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị sớm nghiên cứu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, từ đó ngăn chặn việc tiêu thụ nước giải khát có đường trở thành thói quen gây hại. Tuy nhiên, cần nghiên cứu loại nào có tác động gần như gây nghiện cho người sử dụng thì áp dụng mức thuế cao, còn loại nào không gây hại thì cần cân nhắc để không đưa vào đối tượng chịu thuế.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với các đối tượng chịu thuế phải đúng bản chất, với những mặt hàng thiết yếu như xăng, điều hòa nhiệt độ thì không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặt hàng xăng vừa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa chịu thuế bảo vệ môi trường, nếu thấy mặt hàng này ảnh hưởng đến môi trường thì có thể tăng thuế bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, với sản phẩm điều hòa nhiệt độ là loại thông dụng, phổ thông, nhiều gia đình dùng, cơ quan soạn thảo đã rà soát, có ý kiến đề xuất không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ có công suất từ 18.000 BTU trở xuống.
Đối với mặt hàng xăng, kinh nghiệm một số nước đều thu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng sinh học được áp dụng mức thấp hơn xăng khoáng, để khuyến khích sử dụng xăng sinh học. Đối với rượu, bia, thuốc lá, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt không phải mục tiêu tăng thu ngân sách, mà để điều chỉnh hành vi tiêu dùng, đặt sức khỏe con người lên trên hết và thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
MẠNH HƯNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/de-nghi-mot-so-hang-hoa-thiet-yeu-khong-phai-chiu-thue-tieu-thu-dac-biet-821229