Đề nghị quy định rõ các trường hợp tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

Đề nghị quy định rõ các trường hợp tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội
5 giờ trướcBài gốc
Ngày 12-2, tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Thắng
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết dự thảo luật tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH.
Bên cạnh đó, điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, UBTVQH với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của Quốc hội, UBTVQH các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội để làm rõ phạm vi những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật. Việc phân định thẩm quyền giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước khác trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ được tiếp tục làm rõ, cụ thể hóa trong các luật, nghị quyết điều chỉnh về từng lĩnh vực chuyên ngành.
Tờ trình cũng nêu rõ việc sửa đổi, bổ sung quy định về việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Phạm Thắng
Bổ sung quy định về trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội trên cơ sở cụ thể hóa quy định 148/2024 của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với quy định 41/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng tại Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, cũng như Quy định số 148-QĐ/TW ủa Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để quy định cụ thể các trường hợp tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.
Đồng thời, cần rà soát để có các quy định cụ thể về việc xử lý hệ quả của việc tạm đình chỉ tại Điều 39 dự thảo luật, cũng như trong Nghị quyết của UBTVQH về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, tránh áp dụng tùy nghi, ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi của đại biểu Quốc hội và cán bộ công tác tại các cơ quan của Quốc hội.
Văn Duẩn - Minh Chiến
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/de-nghi-quy-dinh-ro-cac-truong-hop-tam-dinh-chi-thuc-hien-nhiem-vu-dai-bieu-quoc-hoi-196250212095825425.htm