Đề nghị thể chế hóa chủ trương hỗ trợ cán bộ, công chức di chuyển xa trung tâm hành chính mới

Đề nghị thể chế hóa chủ trương hỗ trợ cán bộ, công chức di chuyển xa trung tâm hành chính mới
6 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và đồng thuận, ủng hộ cao với một số chủ trương lớn của Đảng và nhà nước như: Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó đã phát động phong trào "Bình dân học vụ số"; Chủ trương miễn học phí cho học sinh từ giáo dục mầm non đến hết bậc trung học phổ thông; Cuộc vận động cả nước chung tay hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong năm 2025 và xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; Cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đánh giá cao Đảng và Nhà nước, Chính phủ kịp thời ban hành chính sách rất phù hợp cho những người bị ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế...
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhưng cũng còn có một số ý kiến tâm tư về đặt tên đơn vị hành chính; lo lắng của một số cán bộ, công chức, viên chức khi phải chuyển đến làm việc ở đơn vị hành chính mới; cũng có một số lo lắng nếu không có giải pháp cụ thể thì một số cán bộ có năng lực sẽ xin nghỉ việc do phải đi xa gia đình.
Vấn đề này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu: Triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sẽ tác động nhất định đến tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là điều dễ hiểu bởi mỗi con người Việt Nam chúng ta đều in sâu trong ký ức những hình ảnh về quê hương, nơi chôn rau, cắt rốn của mình. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta phải thay đổi về tư duy, tầm nhìn, thống nhất về nhận thức, tư tưởng; phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của đất nước; vượt qua những băn khoăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường; vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn - "đất nước là quê hương".
Quang cảnh phiên họp
Qua ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị: Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế "gần dân, sát dân", chủ động phục vụ nhân dân là một việc rất hệ trọng, chưa có tiền lệ, tác động sâu rộng đến toàn xã hội. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan chức năng cần kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước điều chỉnh vướng mắc, phát sinh (nếu có) để đạt được yêu cầu của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo: "vừa chạy vừa xếp hàng"; "không được để gián đoạn công việc"; "bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ"; chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh đó, đấu tranh quyết liệt, kiên quyết xử lý chặn đứng, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, chấm dứt tình trạng lừa đảo, đăng tin thất thiệt, xuyên tạc trên các trang mạng xã hội.
Đặc biệt, sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các chủ trương như miễn học phí cho học sinh; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh; chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển nhà ở đến làm việc ở trung tâm hành chính mới...
Thâo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho rằng, qua các cuộc tiếp xúc, cử tri và nhân dân nhắc tới và đặc biệt quan tâm tới các vấn đề nóng như tình trạng bạo hành trẻ em, cháy nổ, tai nạn giao thông. Trong đó, tình trạng bạo lực trẻ em diễn ra rất nhưc nhối thời gian qua. Lâu lâu mới phát hiện được một vài vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non, nhưng trên thực tế, tình trạng này diễn ra rất phức tạp, chưa được phát hiện hết. Theo đó, bà Lê Thị Nga đề nghị các vấn đề nóng như nêu trên, cần được bổ sung với thời lượng sâu hơn vào trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải thảo luận
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, trong báo cáo ngắn gọn cần tập trung sâu hơn vào các nội dung bức xúc trong xã hội, người dân quan tâm, như các vụ việc bạo hành trẻ em, cháy nổ, lừa đảo, sữa giả... Những vấn đề sát sườn, nóng, gây bức xúc trong xã hội cần được thể hiện, nêu rõ hơn trong báo cáo. Cùng với đó là các biện pháp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời của lực lượng chức năng với các vấn đề mới này sinh, vấn đề sát sườn đời sống, cử tri quan tâm và có cảnh báo sớm với người dân...
PVH
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/de-nghi-the-che-hoa-chu-truong-ho-tro-can-bo-cong-chuc-di-chuyen-xa-trung-tam-hanh-chinh-moi-20250423120117964.htm