Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra, tuyên truyền an toàn PCCC tại cơ sở kinh doanh.
Thời gian qua, đã có nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra làm chết nhiều người tại các nhà ở kết hợp kinh doanh. Một đặc điểm chung dễ nhận thấy trong các vụ cháy thường là nhà có diện tích nhỏ, kết cấu kín và lối thoát hiểm bị hạn chế hoặc không có. Hệ thống điện sử dụng quá tải, kéo dây tạm bợ; thiết bị điện sạc qua đêm hoặc khi không có người trông coi.
Một vụ cháy xảy ra tại hộ kinh doanh ăn uống ở Khóm 1, Phường 8, thành phố Trà Vinh, cháy lan làm ảnh hưởng nghiêm trọng nhà liền kề của vợ chồng ông Từ Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Thu Vũ. Trong vụ việc, 03 thành viên trong gia đình, trong đó, có một bé gái 03 tuổi đã bị mắc kẹt giữa đám khói đen mù mịt do căn nhà sử dụng cửa cuốn và không có lối thoát hiểm thứ 02. Vụ cháy cách đây hơn 04 tháng, không gian đã được dọn dẹp, có cửa thoát hiểm thứ 02 nhưng với gia đình nổi ám ảnh vẫn còn đó.
Bà Vũ nghẹn ngào mỗi khi nhắc lại khoảnh khắc cận kề sinh tử: lúc đó khói đen rất nhiều, bà đập cửa kêu cứu: “Bà con ơi cứu cháy nhà… cháy nhà mà không ai nghe tiếng kêu cứu; tôi tưởng như cả gia đình đã không còn lối thoát. May mắn thay, lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đến kịp và phá cửa cuốn giải cứu chúng tôi. Nếu mấy chú cứu hỏa trễ vài phút là chết hết rồi… tôi ám ảnh lắm.
Ông Hoàng cũng không giấu được xúc động khi kể lại việc ông phải đập cửa kêu cứu “khói ra nhiều quá bắt đầu ngộp, tôi lấy mền nhúng nước trùm, cả nhà ôm chặt cháu nhỏ dưới nền để thở”.
Trong tình huống khẩn cấp, việc không có lối thoát thay thế đã đẩy gia đình ông Hoàng, bà Vũ và cháu bé vào tình thế vô cùng nguy hiểm. Được biết, ngọn lửa xuất phát từ hộ kinh doanh ăn uống do chập điện, sau đó nhanh chóng lan sang căn nhà liền kề. Tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát phòng, cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh đã điều động lực lượng, phương tiện nhanh chóng đến hiện trường triển khai phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ngay sau đó, các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH đã sử dụng phương tiện chuyên dụng phá cửa cuốn, giải cứu kịp thời 03 nạn nhân đưa ra ngoài an toàn; đồng thời, tiến hành phương án dập tắt đám cháy.
Điều đáng nói là những rủi ro ấy không hiếm gặp. Ở rất nhiều khu dân cư, các gia đình vừa sinh hoạt vừa kinh doanh thường tận dụng tối đa diện tích mà không tuân theo nguyên tắc an toàn về hệ thống điện, như: lắp đặt tạm bợ, dây dẫn chằng chịt; ổ cắm quá tải; vật dụng dễ cháy để gần bếp nấu; không trang bị bình chữa cháy; đặc biệt, thiếu phương án thoát nạn hiệu quả. Những yếu tố này dễ dàng biến một ngọn lửa nhỏ thành một thảm họa khôn lường.
Thượng tá Hồ Văn Tàu, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Trà Vinh cho biết: để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ chúng tôi luôn khuyến cáo các hộ dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, chủ động tạo lối thoát hiểm thứ 02, trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thiết kế hệ thống điện đúng chuẩn, không cắm sạc liên tục thời gian dài, qua đêm đối với điện thoại, pin dự phòng điện thoại; xe máy điện cần bố trí khu vực sạc riêng biệt, bên ngoài nhà, không sạc thiết bị điện qua đêm.
Ngoài ra, tuyệt đối không dự trữ các vật liệu dễ cháy trong khu vực có sử dụng lửa, nhiệt cao; khi đun nấu phải có người giám sát, phải bố trí khu vực sản xuất riêng biệt và có giải pháp ngăn cháy rõ ràng với không gian sinh hoạt của gia đình”.
Cháy, nổ không báo trước, một tia lửa nhỏ trong đêm cũng có thể dẫn đến thảm kịch. Do đó, việc nâng cao ý thức, trang bị kiến thức và chủ động phòng ngừa là điều mỗi người dân cần thực hiện ngay để bảo vệ sự an toàn cho chính mình và người thân, đặc biệt là tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Bài, ảnh: HỒNG NHI