Đê Tả Cà Lồ (Sóc Sơn) bị lấn chiếm, phủ đầy rác (bài 9): Rác dềnh lên theo lũ, chính quyền có lộ trình 'hợp thức hóa' đất lấn chiếm?

Đê Tả Cà Lồ (Sóc Sơn) bị lấn chiếm, phủ đầy rác (bài 9): Rác dềnh lên theo lũ, chính quyền có lộ trình 'hợp thức hóa' đất lấn chiếm?
2 giờ trướcBài gốc
Người dân khu vực đê Tả Cà Lồ vẫn nơm nớp nỗi lo rác dềnh lên theo lũ
Như chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã thông tin, thời gian qua, khu vực hành lang đê Tả Cà Lồ (thuộc thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) xảy ra tình trạng 'hô biến' hành lang đê Tả Cà Lồ thành những công trình nhà ở, nhà xưởng tập kết, phân loại rác.
Theo UBND xã Xuân Thu, do người dân nơi đây có nghề buôn bán, thu gom phế liệu nên không tránh được tình trạng rác thải từ bên trong những công trình, nhà xưởng kéo ra đến mặt sông.
Toàn cảnh điểm tập kết rác hai thế hệ gia đình ông Phan Văn Chử tại hành lang đê Tả Cà Lồ (thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu, Sóc Sơn) đã diễn ra theo đúng nhận định PV Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống) đã ghi nhận, phản ánh.
Tình trạng này diễn ra từ những năm 2004 - 2005 và hơn 10 năm nay, người dân tại xã Xuân Thu và vùng hạ lưu đều sống trong lo lắng, mệt mỏi khi rác thải tập kết về đây không có dấu hiệu dừng lại. Người dân nơi này cũng bày tỏ sự ái ngại khi vào mùa mưa lũ lại chịu trận với rác. Trước đó, PVchuyên trang Gia đình và Xã hội đã ghi nhận, phản ánh và "cảnh báo" từ những ngày đầu tháng 7/2024 về việc hàng trăm tấn rác sẽ dềnh lên theo nước lũ, trôi về vùng hạ lưu, gây thiệt hại về nông lâm ngư nghiệp, mang theo nguy cơ dịch bệnh.
Tại buổi làm việc với PV chuyên trang Gia đình và Xã hội, đại diện chính quyền huyện Sóc Sơn và các đơn vị liên quan đã tiếp thu và khẳng định sẽ xử lý. Tuy nhiên, những lo lắng của người dân đã diễn ra khi cơn bão số 3 vào đất liền trong tháng 9/2024 vừa qua. Điều này, phản ánh phần nào sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền huyện Sóc Sơn trước những lo lắng của người dân trên địa bàn.
Chính quyền có lộ trình 'hợp thức hóa' đất lấn chiếm?
Trong buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024 do UBND TP Hà Nội tổ chức vào ngày 3/10 vừa qua, trả lời chất vấn từ phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, đại diện lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, khu vực mà Báo đã ghi nhận, phản ánh là đất công, do UBND xã Xuân Thu quản lý.
Về phương án xử lý đất lấn chiếm, trong buổi làm việc với đoàn làm việc của Báo Sức khỏe và Đời sống trước đó, ông Nguyễn Đăng Hoan – cán bộ địa chính xã Xuân Thu cho biết, xã hoàn toàn tuân theo chỉ đạo của huyện và theo Luật Đất đai 2013 là những trường hợp vi phạm xảy ra trước ngày 1/7/2024 sẽ được giữ nguyên hiện trạng, những trường hợp phát sinh sau thời điểm nói trên sẽ xử lý nghiêm.
Toàn cảnh khu đất nằm bên hành lang đê Tả Cà Lồ thuộc diện đất mặt nước chuyên dùng theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Sóc Sơn, song, đại diện xã Xuân Thu cho biết đã đề xuất khu này quy hoạch thành đất ở.
Mặt khác, tình trạng kể trên mà Báo đã tiếp nhận và phản ánh, theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2022 huyện Sóc Sơn, khu đất này thuộc đất mặt nước chuyên (ký hiệu: MNC). Tuy nhiên, theo anh Hoan, khu đất này còn gọi là đầm Mó, đây là đất nông nghiệp.
"Trước đó, trong quá trình quy hoạch chung nông thôn mới, quy hoạch đất đai, vị trí này (khu vực lấn chiếm tiếp giáp đê Tả Cà Lồ - PV) được xã đề xuất quy hoạch đất ở, nghĩa là bên ngoài đầm là đất mặt nước nhưng bên cạnh hành lang là quy hoạch đất ở", anh Hoan cho hay.
Ông Hoan cũng cho biết sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất lập biên bản vi phạm hành chính và xử lý hành chính theo quy định đối với tình trạng vi phạm đang diễn ra tại thôn Thu Thủy, đặc biệt là tình trạng gia đình hai thế hệ ông Phan Văn Chử lấn chiếm hành lang giao thông đường thủy làm nhà xưởng, tập kết rác.
Về vấn đề quy hoạch, ông Hoàng Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Xuân Thu cũng khẳng định: "Khu đất ven khu MNC đã được đề xuất đưa vào quy hoạch đất ở, tuy nhiên, với hiện trạng hiện tại, xã phải xem xét lại các trường hợp hiện tại và xem xét có lộ trình".
Trước đó, phóng viên Ban Chuyên trang Gia đình và Xã hội đã tiếp nhận phản ánh của người dân sinh sống tại xã Xuân Thu về tình trạng khu vực hành lang đê Tả Cà Lồ (đoạn thuộc thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu; khu vực Trạm biến áp Xuân Thu 2) hàng chục năm qua đã diễn ra tình trạng lấn chiếm đất để xây dựng công trình dân dụng để tập kết, phân loại rác thải và thực hiện nhiều hoạt động khác.
Trong đó, có điểm tập kết rác thải cùng công trình dân dụng của gia đình hai thế hệ ông Phan Văn Chử ngang nhiên xuất hiện và tồn tại trên hành lang đường thủy sông Cà Lồ. Rác tại điểm tập kết này đã dềnh lên theo nước lũ và trôi về vùng hạ lưu trong cơn bão số 3 diễn ra tháng 9/2024 vừa qua.
Đê Tả Cà Lồ (Sóc Sơn) bị lấn chiếm, phủ đầy rác: Huyện vào cuộc nước thải vẫn ngả màu đen, bốc mùi hôi thối
Nhóm Phóng viên
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/de-ta-ca-lo-soc-son-bi-lan-chiem-phu-day-rac-bai-9-rac-denh-len-theo-lu-chinh-quyen-co-lo-trinh-hop-thuc-hoa-dat-lan-chiem-172240813161327614.htm