Đề tham khảo môn Vật lí có nhiều câu hỏi vận dụng, HS khó có thể 'khoanh bừa'

Đề tham khảo môn Vật lí có nhiều câu hỏi vận dụng, HS khó có thể 'khoanh bừa'
2 giờ trướcBài gốc
Ngày 18/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 18 đề thi tham khảo kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trong đó có môn Vật lí.
Theo nhận xét chung của các giáo viên, đề thi tham khảo môn Vật lí có tính thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tăng cường câu hỏi thực tiễn, tập trung phát triển tư duy
Đánh giá về đề thi tham khảo môn Vật lí, thầy Nguyễn Minh Tú - giáo viên tổ Vật lí - Công nghệ - Tin học, Trường trung học phổ thông chuyên Chu Văn An (tỉnh Lạng Sơn) nhận xét: “Đề thi đã đổi mới theo đúng hướng phát triển tư duy, năng lực người học.
Xu hướng ra đề sẽ tập trung nhiều hơn vào bản chất vật lý đi kèm trong các thí nghiệm và kiến thức thực tế. Các bài tập tính toán quá phức tạp đã không còn.
Cấu trúc đề minh họa từ năm 2025 có sự thay đổi rõ rệt, ngoài định dạng trắc nghiệm nhiều đáp án lựa chọn nay đã có trắc nghiệm đúng sai và trắc nghiệm trả lời ngắn, yêu cầu thí sinh phải giải được đáp án thật sự câu hỏi chứ không chỉ 'khoanh bừa'”.
Thầy Nguyễn Minh Tú (ngoài cùng bên phải) đưa đội tuyển trường dự thi ViSEF. Ảnh: NVCC.
Thạc sĩ Vũ Thế Anh, Tổ trưởng tổ Vật lí - Công nghệ - Thể dục của Trường trung học phổ thông Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá: “Đề thi tham khảo môn Vật lí chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 12 còn lớp 11 có 1 câu hỏi về Sóng siêu âm (Câu 14).
Trong 4 chương lớp 12 thì số lượng câu hỏi phân bố chủ yếu vào các chương: Chương 2: Khí lí tưởng; Chương 3: Từ trường và Chương 4: Vật lí hạt nhân. Đối với Chương 1: Vật lí nhiệt, đề thi chỉ có hỏi 4 câu trong phần Dạng thức 1”.
Thầy Thế Anh chỉ ra điểm sáng của đề thi là những câu hỏi mang tính chất ứng dụng thực tiễn cao.
Có nhiều câu hỏi liên quan tới thực tiễn, ứng dụng trong các thiết bị như máy sưởi dùng nước nóng (Câu 3 và Câu 4), đầu dò của máy siêu âm đang sử dụng trong các bệnh viện hiện nay (Câu 14), máy chụp cộng hưởng từ MRI cho hình ảnh chất lượng cao của cấu trúc bên trong cơ thể bằng việc sử dụng kiến thức về từ trường (Câu 18) và câu hỏi liên quan tới phương án thiết kế thí nghiệm, kết quả thí nghiệm,…
Nội dung câu hỏi chú trọng vào bản chất, ý nghĩa vật lí của các đối tượng, đề cao tính thực tiễn; tránh khuynh hướng thiên về toán học; tạo điều kiện để giáo viên giúp học sinh phát triển tư duy khoa học dưới góc độ vật lí, khơi gợi sự ham thích ở học sinh, tăng cường khả năng vận dụng tri thức vào thực tiễn, bước đầu tiếp cận với một số nội dung hiện đại mang tính thiết thực, cốt lõi.
Thạc sĩ Vũ Thế Anh, Tổ trưởng Tổ Vật lí - Công nghệ - Thể dục của Trường trung học phổ thông Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Theo thầy Thế Anh, Vật lí là một môn học mang tính lý thuyết cao, nếu như không có ứng dụng, thực hành thì học sinh sẽ khó có thể tiếp thu kiến thức chính xác. Cùng với đó, khi được thực hành thì học sinh cũng sẽ học hỏi được một số vấn đề thực tiễn cần áp dụng, nhằm giải quyết công việc.
Điều này đã nhằm đảm bảo phát triển các năng lực nền tảng chung và các năng lực tìm hiểu thế giới tự nhiên. Đây được coi là điểm mới khi xây dựng câu hỏi thi, kiểm tra và đánh giá mà giáo dục trong chương trình cũ không có, nên khiến cho học sinh học môn này mang tính lý thuyết và không vận dụng vào thực tế.
Còn Tiến sĩ Hoàng Văn Quyết - Phó Trưởng khoa Vật lí của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 khẳng định đề tham khảo môn Vật lí đã có chuyển biến từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực.
“Trong đề tham khảo không có nhiều câu tính toán dạng “Toán - Lý” nhiều ẩn nhiều phương trình, mà thay vào đó là những câu hỏi về bản chất vật lí, đòi hỏi học sinh phải hiểu rõ bản chất vật lí mới có thể làm tốt được.
Hình thức câu hỏi trong đề tham khảo đa dạng và đổi mới, các câu mức độ hiểu thì những học sinh vững kiến thức có thể suy luận tìm được câu trả lời mà không cần thuộc lòng.
Trong đề đã có một số câu hỏi gắn với bối cảnh thực tiễn. Hệ thống ngân hàng câu hỏi cần phát huy xây dựng nhiều hơn nữa các loại câu hỏi này để giúp đánh giá được năng lực vận dụng kiến thức đã học vào trong cuộc sống” - thầy Quyết bày tỏ.
Tiến sĩ Hoàng Văn Quyết - Phó Trưởng khoa Vật lí của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC.
Học sinh cần nắm vững bản chất vật lí mới có thể đạt điểm 9-10
Nhận xét về độ phân hóa của đề thi tham khảo, thầy Tú cho rằng đề thi tham khảo môn Vật lí có những câu hỏi “dành cho học sinh thật sự yêu thích và đam mê Vật lí”.
Câu hỏi phần 1 tập trung nhiều vào các câu nhận biết và thông hiểu, chủ yếu nhắm vào đối tượng học sinh trung bình đến khá. Phần này đáp ứng nhu cầu thi xét tốt nghiệp trung học phổ thông của đề.
Phần 2, cả 4 câu hỏi đều lồng ghép các kiến thức vào trong những hiện tượng và ứng dụng trong thực tế, có kèm hình ảnh mô tả thí nghiệm. Phần này đánh giá khả năng thông hiểu bản chất vật lý, đòi hỏi học sinh hiểu bản chất và có tư duy khá trở lên.
Phần 3 là những câu hỏi trả lời ngắn về cùng một chủ đề và sử dụng những dữ kiện chung. Phần này sẽ dùng để phân loại học sinh khá giỏi.
“Dĩ nhiên đây chỉ là đề tham khảo để chúng ta hình dung về cấu trúc, về phân bổ kiến thức trong đề thi, còn mức độ đề thi chính thức như thế nào thì chúng ta chưa biết được, tuyệt đối không được chủ quan, phải ôn tập kỹ lưỡng để có hành trang tốt nhất” - thầy Tú cho biết.
Thầy Thế Anh cho hay: “Theo đánh giá cá nhân của tôi thì mức độ đề thi ở mức độ vừa phải, nhiều bạn học sinh có thể đạt điểm tốt ở đề thi này.
Về hình thức các câu hỏi trong đề thi tập trung ở kiến thức lớp 12, nhưng để giải quyết tốt tất cả các câu hỏi trong đề thì các em cũng phải nắm vững các kiến thức cốt lõi của chương trình Khoa học Tự nhiên cấp trung học cơ sở; lớp 11 và lớp 10, bao gồm cả một số nội dung thực tiễn trong Chuyên đề học tập môn Vật lí cấp trung học phổ thông.
Học sinh cần tập trung ôn tập theo định hướng sâu về bản chất vật lí, gắn vật lí với các yếu tố thực tiễn trong đời sống, rèn luyện khả năng tư duy với các bài toán thực tế”.
Thầy Hoàng Văn Quyết cho hay: “Đề tham khảo môn Vật lí có sự phân hóa tốt. Muốn đạt 9- 10 điểm đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu bản chất kiến thức vật lí, có kỹ năng thực hành và phải có năng lực vận dụng kiến thức đã học vào trong cuộc sống”.
Trần Trang
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/de-tham-khao-mon-vat-li-co-nhieu-cau-hoi-van-dung-hs-kho-co-the-khoanh-bua-post246401.gd